Tôi Tin Tôi Có Thể 2016: Tri thức bản địa – Mạch sinh nguồn sống

 

Tiếp nối thành công của “Tôi tin tôi có thể 2015”, ngày 11 và 13 tháng 12 vừa qua đã diễn ra chuỗi sự kiện “Tôi tin tôi có thể 2016: Tri thức bản địa – mạch sinh nguồn sống”. Năm nay chương trình nhắm đến tôn vinh giá trị của đa dạng văn hóa và tầm quan trọng của tri thức bản địa, thúc đẩy sự tôn trọng, thấu hiểu, đoàn kết và bình đẳng giữa các dân tộc. Sự kiện do chính các đại diện của các cộng đồng người dân tộc thiểu số đến từ 15 tỉnh trên cả nước thực hiện, trong đó nổi bật là các nhóm, mạng lưới dân tộc thiểu số như mạng lưới Tiên Phong, mạng lưới về tri thức bản địa VTIK, và Nhóm hành động vì sự phát triển của người Hmong AHD.

Sự kiện mở màn tại Trung tâm Thông tin Văn hóa Hồ Gươm đã thu hút sự chú ý lớn của khán giả trong và ngoài nước. Các màn trình diễn sinh động thể hiện văn hóa, tín ngưỡng, tập tục và đời sống của bà con cả về vật chất lẫn tinh thần đã mang đến một không gian khác biệt khiến lượng người xem ngày càng tăng dù thời tiết nắng gắt.

a.jpg

Múa trống Xì-dăm – Dân tộc Khmer, Sóc Trăng

Những màn trình diễn này là sự đầu tư, là những lời nhắn nhủ của đại diện các dân tộc về tri thức bản địa, về những giá trị lâu bền luôn được cất giữ qua các thế hệ. Qua đó gửi đến khán giả, đến mọi dân tộc tiếng nói về sự đa dạng, chia sẻ hướng đến bình đẳng, thấu hiểu và đoàn kết.

Nụ cười của các cô gái Pà Thẻn khi thể hiện điệu múa truyền thống

Nụ cười của các cô gái Pà Thẻn khi thể hiện điệu múa truyền thống

Tất cả mọi người cùng nắm tay nhau trong bản hòa ca đa sắc

Tất cả mọi người cùng nắm tay nhau trong bản hòa ca đa sắc

Sự kiện chính diễn ra vào ngày 13 tại Nhạc viện Hà Nội cũng là những màn trình diễn nhưng có nhiều sự chia sẻ, nhiều câu chuyện cũng như nhiều điều bất ngờ hơn hơn để khán giả có cơ hội tận hưởng không gian văn hóa nghệ thuật hoành tráng và có được cái nhìn sâu sắc nhất về “tri thức bản địa” và thông điệp “Không có văn hóa cao hơn hay thấp hơn, mà tất thảy là sự đa sắc hòa hợp”.

Mười sáu tiết mục ca múa nhạc được trình do đồng bào từ mười một dân tộc trên khắp đất nước Việt Nam đã mang lại cho khán giả màu sắc và cảm nhận về sự đa dạng văn hóa trong cuộc sống cũng như tôn vinh giá trị tri thức bản địa của đồng bào dân tộc thiểu số. Tri thức bản địa là những kiến thức được tích luỹ qua thời gian và là nền tảng cho các quyết định của cộng đồng. Đây là những tri thức được chắt lọc rất kỹ lưỡng qua nhiều đời do vậy mang tính thực tế cao và là nguồn thông tin rất quý giá đối với người dân tộc thiểu số, giúp họ chủ động sử dụng các nguồn lực có sẵn, giảm phụ thuộc vào nguồn cung cấp từ bên ngoài.

Các hoạt động thường ngày của đồng bào dân tộc được tái hiện trên sân khấu như Múa đi lấy nước của người Thái, cuộc sống tình cảm giàu màu sắc thơ ca như Hát đối đáp trai gái của người Gia Rai. Chương trình cũng mang đến các tiết mục kể về các nghi lễ quan trọng như Múa xì dăm của người Khmer để dâng áo cà sa và dâng bông cho các nhà sư, hay Lễ cúng cầu người già sống lâu của dân tộc Giáy.

Múa “Hương sắc bản Thái” về cuộc sống thường ngày của người Thái ở Thanh Hóa

Múa “Hương sắc bản Thái” về cuộc sống thường ngày của người Thái ở Thanh Hóa

Múa cồng chiêng mừng lúa mới của người M’nông hay điệu múa Gông của người Dao để tái hiện hoạt động bảo vệ rừng được trình diễn là những minh chứng điển hình cho tầm quan trọng của văn hóa bản địa trong cuộc sống sản xuất và tinh thần của người dân tộc.

Múa chuông – Dân tộc Dao, Yên Bái

Múa chuông – Dân tộc Dao, Yên Bái

Hai anh em Bàn Thừa An và Bàn Thị An, người dân tộc Dao, đến từ huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái rất tự hào về văn hóa của người Dao: “Chúng em muốn quảng bá văn hóa truyền thống, phong tục tập quán của người Dao đến bạn bè trong nước và quốc tế. Chúng em biểu diễn các tiết mục của người Dao trong các lễ hội, dạy truyền miệng cho con em ở địa phương về các tập quán địa phương để con em chúng em được tiếp xúc với văn hóa và các tập tục của người Dao từ nhỏ, không để mai một các tập tục lâu đời”.

Bà con cùng chia sẻ về phương pháp canh tác và tri thức bản địa của mình

Bà con cùng chia sẻ về phương pháp canh tác và tri thức bản địa của mình

Khi tất cả các dân tộc cùng hòa chung tiếng hát

Bản hòa ca đa sắc – tiết mục đặc biệt thể hiện sự đoàn kết, bình đẳng giữa mọi nền văn hóa và dân tộc

Bản hòa ca đa sắc – tiết mục đặc biệt thể hiện sự đoàn kết, bình đẳng giữa mọi nền văn hóa và dân tộc

Với khả năng trình diễn xuất sắc và niềm tự hào về cộng đồng mình, những người dân bình thường – chủ nhân các nền văn hóa đã chứng minh tri thức bản địa là một tài sản vô giá của các tộc người cả thiểu số và đa số, và là mạch nguồn giúp con người ứng phó tốt với những bối cảnh tự nhiên đầy thử thách. Họ cũng đã chứng tỏ văn hóa không có cao thấp mà chỉ có đa dạng và khác biệt, tất cả các nền văn hóa đều bình đẳng và đều có giá trị riêng, tạo thành vẻ đẹp chung của văn hóa Việt Nam.


Previous
Previous

Hanoi Mardi Gras Festival 2017

Next
Next

Thư kêu gọi Việt Nam liên quan tới Nghị quyết 32/2 về Xu hướng tính dục và bản dạng Giới