Thư kêu gọi Việt Nam liên quan tới Nghị quyết 32/2 về Xu hướng tính dục và bản dạng Giới

 

Ngày 30 Tháng Sáu 2016, Hội đồng Nhân quyền đã bỏ phiếu thông qua nghị quyết 32/2, theo đó thành lập một Chuyên gia Độc lập với nhiệm vụ thúc đẩy giải quyết bạo lực và phân biệt đối xử dựa trên xu hướng tính dục và bản dạng giới. Việt nam là một trong những nước bỏ phiếu “thuận” cho nghị quyết này.

Ông Nguyễn Vũ Minh, đại diện Phái đoàn Việt Nam tại Geneva phát biểu ủng hộ trước khi bỏ phiếu thuận cho nghị quyết 32/2 vào ngày 30/6/2016

Ông Nguyễn Vũ Minh, đại diện Phái đoàn Việt Nam tại Geneva phát biểu ủng hộ trước khi bỏ phiếu thuận cho nghị quyết 32/2 vào ngày 30/6/2016

Tuy nhiên, những nỗ lực của Việt Nam và các nước khác ở Hội đồng Nhân quyền đang bị thách thức bởi một dự thảo nghị quyết của Nhóm Quốc gia Châu Phi đề nghị trì hoãn việc xem xét và thực thi Nghị quyết 32/2 của Hội đồng Nhân quyền. Nếu dự thảo nghị quyết này nhận đủ số phiếu ủng hộ, điều này đồng nghĩa với một bước lùi trong việc giải quyết các vấn đề bạo lực và phân biệt đối xử dựa trên xu hướng tính dục và bản dạng giới tại Liên Hợp Quốc.

Ký kiến nghị online kêu gọi các quốc gia thành viên LHQ bảo vệ nghị quyết LGBT tại đây: https://www.change.org/p/united-nations-third-committee-safeguard-hrc-resolution-32-2-and-sogie-independent-expert-s-mandate

Dưới đây là toàn văn thư kêu gọi của ba tổ chức iSEE, ICS và PFLAG Việt Nam gửi tới Đại sứ Nguyễn Phương Nga, Trưởng Phái đoàn Thường trực Việt Nam tại trụ sở Liên Hợp Quốc tại New York.

=====

Kính gửi: Bà Đại sứ Nguyễn Phương Nga, Trưởng Phái đoàn Thường trực Việt Nam tại Liên Hợp Quốc
Đồng kính gửi: Phái đoàn Thường trực nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại Liên Hợp Quốc;
Vụ Các tố chức quốc tế, Bộ Ngoại giao.

Thưa bà Đại sứ,

Chúng tôi gồm Trung tâm ICS – tổ chức thúc đẩy và bảo vệ quyền của người đồng tính, song tính và chuyển giới (LGBT) tại Việt Nam, Hội cha mẹ và người thân của người LGBT – PFLAG Việt Nam, và Viện nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường – Viện iSEE. Chúng tôi viết thư này gửi đến bà Đại sứ để trình bày về một vấn đề chúng tôi vô cùng quan tâm và cần sự ủng hộ cấp thiết từ bà Đại sứ.

Trước tiên, chúng tôi một lần nữa gửi lời cảm ơn chân thành đến Phái đoàn Thường trực của Việt Nam tại Geneva vì lá phiếu ủng hộ thông qua Nghị quyết 32/2 tại Hội đồng Nhân quyền vào ngày 30 Tháng Sáu 2016 vừa qua, theo đó thành lập một Chuyên gia Độc lập với nhiệm vụ thúc đẩy giải quyết bạo lực và phân biệt đối xử dựa trên xu hướng tính dục và bản dạng giới.

Tuy nhiên, những nỗ lực của Việt Nam và các nước khác ở Hội đồng Nhân quyền đang bị thách thức bởi một dự thảo nghị quyết của Nhóm Quốc gia Châu Phi đề nghị trì hoãn việc xem xét và thực thi Nghị quyết 32/2 của Hội đồng Nhân quyền. Nếu dự thảo nghị quyết này nhận đủ số phiếu ủng hộ, điều này đồng nghĩa với một bước lùi trong việc giải quyết các vấn đề bạo lực và phân biệt đối xử dựa trên xu hướng tính dục và bản dạng giới tại Liên Hợp Quốc.

Thưa bà Đại sứ,

Ở nhiều nơi trên thế giới và ở chính Việt Nam, người LGBT vẫn phải đối mặt với tình trạng phân biệt đối xử, bạo lực chỉ bởi vì họ là ai, hay họ yêu ai. Những năm trở lại đây, và đặc biệt xuyên suốt nhiệm kỳ thành viên Hội đồng Nhân quyền, Việt Nam đã luôn thể hiện quan điểm nhất quán ủng hộ đối với các vấn đề liên quan đến quyền bình đẳng của người LGBT.

Với niềm tin rằng bà Đại sứ và Phái đoàn Thường trực Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc cũng chia sẻ cùng quan điểm, chúng tôi mong mỏi và kêu gọi Phái đoàn Việt Nam sẽ:

– Bỏ phiếu không ủng hộ nghị quyết của Nhóm Quốc gia Châu Phi sẽ được biểu quyết vào ngày 8 Tháng Mười một 2016 trong phiên làm việc của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc.
– Vận động và kêu gọi giữ nguyên tinh thần của bản nghị quyết 32/2 đã được Hội đồng Nhân quyền thông qua ngày 30/6/2016, tôn trọng thẩm quyền và sự ủy nhiệm của Hội đồng Nhân quyền như đã ghi nhận tại nghị quyết 60/251 và 65/281.

Xin trân trọng cảm ơn.

Giám đốc Trung tâm ICS, Trần Khắc Tùng

Chủ tịch PFLAG Việt Nam,  Đinh Thị Yến Ly

Viện trưởng iSEE, Lương Minh Ngọc


Previous
Previous

Tôi Tin Tôi Có Thể 2016: Tri thức bản địa – Mạch sinh nguồn sống

Next
Next

Cộng đồng LGBT Hà Nội tưng bừng xuống đường đón Viet Pride 2016