Tọa đàm “​Bảo vệ quyền người LGBT tại Ireland”

 

Ngày 18-6, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu xã hội, kinh tế và Môi trường (iSEE) phối hợp với Đại sứ quán Ireland tổ chức cuộc tọa đàm “Phong trào xã hội bảo vệ quyền LGBT ở Ireland và bài học cho Việt Nam và ASEAN”.

Tại Việt Nam, cộng đồng người đồng tính, song tính, chuyển giới (LGBT) và những người ủng hộ đã tạo nên nhiều thay đổi lớn về môi trường xã hội và pháp lý chỉ sau 5-6 năm.

Việt Nam cũng đóng góp quan trọng vào bước tiến chung của ASEAN trong bảo vệ quyền người đồng tính, song tính và chuyển giới.

Ngày 18-6, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu xã hội, kinh tế và Môi trường (iSEE) phối hợp với Đại sứ quán Ireland tổ chức cuộc tọa đàm “Phong trào xã hội bảo vệ quyền LGBT ở Ireland và bài học cho Việt Nam và ASEAN”.

Ireland là quốc gia đầu tiên trên thế giới thông qua kết hôn cùng giới bằng cách bỏ phiếu phổ thông với 62% số phiếu thuận. Đây là thành tựu khẳng định sự thay đổi nhanh chóng không chỉ về kinh tế, thương mại, nghiên cứu và phát triển mà còn tạo dựng thành công hình ảnh một quốc gia nhân văn, bình đẳng.

Trường hợp của Ireland có thể đem lại những bài học về sức mạnh của truyền thông xã hội, về tiếng nói lớn hơn của thế thế hệ trẻ trong việc quyết định đường đi của quốc gia, đặc biệt là vai trò của các cuộc đối thoại xã hội rộng mở với thái độ tôn trọng sự khác biệt.

Đại sứ Ireland tại Việt Nam Damien Cole chia sẻ: “Người dân Ireland đã quyết định bỏ phiếu cho tương lai mà họ mong muốn, tương lai đó là một đất nước khoan dung, đa dạng và bình đẳng cho tất cả mọi người”.

Bà Nuala O’Brien, Phó Đại sứ Ireland cho biết: “Yếu tố quan trọng dẫn đến sự quyết định này là sự đối thoại – người dân Ireland đã đối thoại với nhau, với bạn bè, gia đình để cuối cùng công nhận rằng người đồng tính, song tính và chuyển giới chính là bạn bè và gia đình của họ. Không có lý do nào để phân biệt đối xử với người đồng tính, song tính và chuyển giới”.

Tại ASEAN, mạng lưới xu hướng tính dục và bản dạng giới ASEAN cho thấy mức độ bảo vệ quyền của LGBT trên thực tế còn nhiều khác biệt giữa các quốc gia. Bên cạnh một số quốc gia có quan điểm tương đối cởi mở về chủ đề LGBT thì còn một số quốc gia vẫn dè dặt, hạn chế trong bảo vệ quyền LGBT, thậm chí một số quốc gia khác vẫn đang coi quan hệ cùng giới là phạm tội.

Theo mạng lưới xu hướng tính dục và bản dạng giới ASEAN: “ASEAN vẫn chưa phải là một khu vực an toàn với người đồng tính, song tính và chuyển giới”.

Năm 2010, trong khuôn khổ diễn đàn nhân dân ASEAN, Mạng lưới Xu hướng tính dục và Bản dạng giới ASEAN được hình thành. Đây là lần đầu tiên, quyền của người đồng tính, song tính và chuyển giới được nhắc đến trong tuyên bố chung của diễn đàn thường niên, đặt nền tảng cho những hoạt động tích cực của mạng lưới để thúc đẩy quyền của LGBT trong khu vực.

Quá trình đối thoại xã hội đã làm nên những thay đổi tại Ireland và bước đầu tạo nên những thay đổi tại Việt Nam. Nếu thúc đẩy tích cực trên tinh thần tôn trọng sự đa dạng và khác biệt, đối thoại xã hội sẽ góp phần bảo vệ quyền người đồng tính, song tính và chuyển giới tại Việt Nam cũng như tại ASEAN.


Previous
Previous

Chuyến thăm Ireland và bài học quý giá cho phong trào hoạt động LGBT ở Việt Nam

Next
Next

Một ngày ở thị trấn BUBU