Thông điệp từ Viện iSEE nhân ngày IDAHOBIT 2021

 

Ngày 17/5/1990, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chính thức quyết định đưa đồng tính ra khỏi danh sách các rối loạn tâm thần, thừa nhận rằng đồng tính không phải là bệnh, và không thể, không được phép thực hiện các biện pháp “chữa trị” [1] lên người đồng tính. Ngày Quốc tế chống kì thị người đồng tính, song tính, chuyển giới và đa dạng giới (IDAHOT) được cộng đồng LGBTI kỉ niệm vào ngày 17/5 hàng năm đánh dấu sự kiện quan trọng này.

185784085_2051912961631584_8713401339668586433_n.png

Cho tới nay, hành trình vận động nhằm xoá bỏ những điều luật và thực hành bệnh lý hoá người LGBTI vẫn còn đang tiếp diễn. Phải tới năm 2018, WHO mới chính thức loại bỏ “rối loạn bản dạng giới” liên quan tới người chuyển giới ra khỏi các bệnh tâm thần trong Phân loại Bệnh lý Quốc tế 11 (ICD-11) [2], đồng thời đặt ra một tiêu chuẩn mới về thăm khám sức khoẻ cho người chuyển giới.

Cùng với sự phát triển của khoa học, hiểu biết của con người về bản dạng giới và xu hướng tính dục cũng được nâng cao. Năm 2013, chính phủ Anh gửi lời xin lỗi hoàng gia tới cha đẻ của khoa học máy tính hiện đại, nhà toán học Alan Turing vì trong quá khứ đã kết tội “đồng tính” và bắt buộc ông “chữa bệnh” bằng nội tiết tố, dẫn đến việc ông tự tử. Đã có ít nhất 18 quốc gia và vùng lãnh thổ cấm các liệu pháp “chữa trị” đồng tính.

Tại Việt Nam, cộng đồng LGBTI và xã hội đã đạt nhiều dấu mốc trong việc lan toả những kiến thức đúng đắn, khoa học. Các thảo luận xã hội về người LGBTI từ những tranh luận về “tệ nạn xã hội” hay “thuần phong mỹ tục” đã hướng đến các vấn đề pháp lý, chính sách: Bãi bỏ việc cấm hôn nhân cùng giới trong Luật Hôn nhân và gia đình 2014, thông qua Điều 37 Bộ Luật Dân sự 2015 cho phép người chuyển giới tiếp cận các dịch vụ y tế và thay đổi giấy tờ tùy thân. [3]

Những thay đổi này không tự nhiên xảy ra, mà là kết quả của vô số các nỗ lực không ngừng nghỉ của các tổ chức và cộng đồng hoạt động cho quyền và sức khoẻ của người LGBTI tại Việt Nam, đồng hành cùng các nhà làm luật, các nhà khoa học, nhà báo và những người ủng hộ. Tuy thế, thực tế là hàng ngày người LGBTI và gia đình của họ vẫn đã, đang và có thể là nạn nhân của những định kiến về việc “chữa trị”, ép buộc thay đổi xu hướng tính dục và bản dạng giới bằng lời nói, sự doạ nạt, hay nghiêm trọng hơn, bằng các liệu pháp tâm lý, thuốc an thần hay hormones. Có tới 60.2% người LGBTI bị mắng mỏ, đánh đập nhằm ép thay đổi, 19.1% bị bắt đi bác sĩ thăm khám, và 9.7% phải tới thầy cúng, bùa giải cùng chính gia đình của mình (iSEE, 2015). Ngay đầu tháng 5 vừa rồi, trên một cổng hỏi đáp của một bệnh viện tư nhân lớn, cũng đã xuất hiện những tư vấn nên đưa người LGBTI đến để “kiểm tra y khoa” và “khám tâm lý”.

Gần 30 năm trôi qua kể từ ngày 17/5/1990, sự thay đổi thông tin trong một tài liệu y khoa của WHO sẽ chỉ thực sự có ý nghĩa khi tất cả chúng ta cùng thay đổi nhận thức và hành động của mình. Nhân ngày IDAHOT, hãy cùng Viện iSEE nhìn lại những bước tiến đáng ghi nhận trong những năm qua, và tiếp tục góp sức vào các hoạt động nhằm xây dựng một xã hội tự do, bình đẳng, khoan dung dành cho tất cả mọi người.


Previous
Previous

An sinh xã hội cho người dân tộc thiểu số di cư

Next
Next

Xây dựng chính sách cho người dân tộc thiểu số: một chặng đường dài và bền bỉ