An sinh xã hội cho người dân tộc thiểu số di cư
Theo báo cáo của UNDP, người di cư từ nông thôn ra thành thị là nhóm đông nhất so với các dòng di cư khác (1), trong đó nhóm thanh niên dân tộc thiểu số (DTTS) di cư có xu hướng áp đảo xét theo nhân khẩu học trong dòng chảy di cư và tham gia vào lực lượng lao động mỗi năm (2). Phần đông lựa chọn công việc tự do, tạm thời, người DTTS di cư có xu hướng làm việc không có hợp đồng, không có bảo hiểm. Đối với những người có bảo hiểm, họ cũng không quan tâm tới bảo hiểm vì thường nghĩ rằng “sẽ rất lâu mới nhận được”, “không nhận được bảo hiểm khi cần” và khi rơi vào hoàn cảnh khó khăn, họ sẽ nhận được sự giúp đỡ từ các nhóm đồng tộc. Khi mọi chuyện kết thúc, người DTTS di cư đi làm việc khác và thường bỏ qua bảo hiểm xứng đáng được nhận.
Nhận thấy người DTTS đi làm xa đối mặt với rất nhiều vấn đề về quyền lợi tại nơi làm việc, nơi sinh sống do sự hạn chế về tiếp cận thông tin chính sách ASXH, chuỗi chia sẻ An Sinh Xã Hội (ASXH) nhằm phổ biến các thông tin về chính sách ASXH đối với người DTTS đi làm xa trong nhóm Tiên Phong đã được thực hiện nhằm tạo ra cơ hội và điều kiện để Tiên Phong và các nhóm đồng tộc có khả năng tiếp cận thông tin về an sinh xã hội và lên tiếng về những chính sách an sinh xã hội có liên quan.
Chuỗi chia sẻ về An Sinh Xã Hội (ASXH) được diễn ra trực tuyến, với 04 buổi chia sẻ tương đương với 04 chủ đề về Bảo hiểm Y tế (BHYT), Bảo hiểm Xã hội, Bảo hiểm thất nghiệp, và Luật Lao Động. Trong những buổi chia sẻ này, các thành viên Mạng lưới Tiên Phong đã cùng chuyên gia tìm hiểu các chính sách ASXH, chia sẻ những câu chuyện, vấn đề bản thân hoặc cộng đồng mình gặp phải, từ đó tìm ra các khoảng trống trong chính sách và thúc đẩy các sáng kiến giải quyết vấn đề của chính mình.
Một số vấn đề rất nhiều người gặp phải đó là khi được cấp một thẻ BHYT tại địa phương và 1 thẻ tại nơi làm việc, nhiều người không biết gộp hai thẻ BHYT như thế nào, ở đâu hoặc nên dùng thẻ nào. Chị H (dân tộc Thái, làm việc tại Hà Nội) chia sẻ: “Ở địa phương được cấp BHYT 100%, đi làm việc được công ty mua BHYT 70% thì em có được dùng 2 thẻ BHYT không? Nếu gộp thì ở đâu? Em muốn dừng đóng BH tại doanh nghiệp thì có nên không?”.
Anh Q (dân tộc Mường, Thanh Hoá) chia sẻ rằng rất bối rối khi đi khám và được bác sỹ kê hai đơn thuốc (một đơn thuốc được bảo hiểm chi trả, một đơn thuốc thì không). “Mình gặp khó khăn về thông tin các loại thuốc mà bảo hiểm cấp miễn phí, nhiều khi đi khám bệnh bác sĩ kê cho đơn thuốc bảo hiểm rồi lại còn kê thêm 1 đơn thuốc để mua ngoài, mình có hỏi nhưng được trả lời là thuốc không nằm trong danh mục bảo hiểm chi trả”.
Một vấn đề khác mà các cộng đồng DTTS tại địa phương lo lắng là trong tương lai, nhiều xã thoát nghèo sẽ không còn được cấp BHYT miễn phí nữa, lúc đó những người có hoàn cảnh khó khăn không có đủ điều kiện mua bảo hiểm tự nguyện sẽ phải làm như thế nào. Chị M (dân tộc Pà Thẻn, Hà Giang) chia sẻ: “Nếu bà con tại Hà Giang đi khám chữa bệnh và không được cấp thẻ BHYT miễn phí do xã thoát nghèo thì họ sẽ không bỏ tiền mua BHYT hộ gia đình do mọi người không có tiền để mua, nhà đông người đông con, đóng nhiều. Bị bệnh thì phải chấp nhận thôi”. Chị T (dân tộc Mường, Thanh Hoá, công nhân xây dựng tại Hà Nội) cũng chia sẻ về việc thiếu kiến thức và sự quan tâm của nhiều người lao động với các chính sách ASXH “Ở địa phương mọi người cũng chưa hiểu hết về an sinh xã hội. Đi làm công ty, ngay bản thân vợ chồng con trai nhà em chưa hiểu bảo hiểm của mình như thế nào. Em đang suy nghĩ ngay trong gia đình em thì làm sao để mọi người dễ hiểu hơn, quan tâm đến vấn đề đấy và biết cách tìm hiểu.”
Thực tế, người lao động có hợp đồng lao động hay không vẫn đều đối mặt với muôn vàn những câu hỏi liên quan tới các quyền lợi an sinh xã hội của họ. Đó có thể là vấn đề chủ lao động nợ BHXH, hoặc không đóng BHXH cho người lao động. Thiếu cơ chế bảo vệ người lao động có hợp đồng hoặc làm việc trong khối phi chính thức khi đứng trước những tranh chấp với chủ lao động. Mức độ tiếp cận thông tin của người lao động còn hạn chế do cách thức truyền thông chưa thực sự phù hợp với đa dạng các đối tượng, chưa kể cách thực thi tại mỗi địa phương lại khác nhau. Do đó, cơ hội chia sẻ thông tin về chính sách ASXH trong nhóm Tiên Phong chính là bước khởi đầu tuyệt vời để bắt đầu nâng cao sự quan tâm và nhận thức của người DTTS di cư, đi làm xa về quyền và lợi ích của họ, giúp họ được bảo vệ tốt hơn trong các môi trường làm việc khác nhau.
Kết thúc chuỗi chia sẻ, nhóm nòng cốt ASXH đã được hình thành bao gồm những người DTTS di cư, đi làm xa cùng chia sẻ mối quan tâm về chính sách và vấn đề ASXH và mong muốn hỗ trợ những người DTTS di cư/ đi làm xa khác tiếp cận thông tin và giải quyết các vấn đề ASXH của họ. Trong 06 tháng tiếp theo, với sự hỗ trợ của chuyên gia, nhóm nòng cốt sẽ cùng tìm hiểu sâu các chính sách ASXH và sản xuất các video chia sẻ thông tin ASXH bằng tiếng dân tộc mình. Những video này vừa là sản phẩm quá trình nghiên cứu và tìm hiểu các chính sách ASXH, vừa đóng vai trò như kênh thông tin đáng tin cậy, dễ hiểu và dễ tiếp cận đối với người DTTS tại địa phương. Hy vọng rằng những sản phẩm truyền thông do chính người DTTS di cư làm ra, phục vụ chính người DTTS di cư hoặc tại cộng đồng sẽ là kênh truyền thông hiệu quả, giúp lan tỏa thông tin về ASXH tới đông đảo các nhóm DTTS khác nhau và lựa chọn tiếp cận các chương trình, chính sách ASXH hiệu quả và phù hợp nhất.
(1) Tên báo cáo (GSO & UNFPA, 2005; UNESCO và cộng sự, 2016)
(2) Tên báo cáo (UNDP, 2016)