“Đi công tác mấy hôm, tôi nhận ra mình chẳng thực sự biết gì về dân tộc thiểu số…”

Bạn biết gì về cộng đồng dân tộc thiểu số, ngoài những hình ảnh trên truyền thông đại chúng về những tộc người cần được “khai sáng”, cần có sự can thiệp từ phía ngoài để trở nên “văn minh” hơn?

Báo đài, truyền thông đã khiến chúng ta có cái nhìn chưa tổng quan, lắng nghe chưa đủ. Phải được trực tiếp nhìn và lắng nghe những câu chuyện của người trong cuộc – cộng đồng dân tộc thiểu số tại các địa phương mới có thể thấu hiểu, thực sự xúc động và khâm phục vốn kiến thức sâu rộng của những người vẫn hay bị dán nhãn “lạc hậu”, cũng như sự kiên định muốn mang đến thay đổi từ các cá nhân trong cộng đồng. 

 Để hiểu rõ hơn và lắng nghe những chia sẻ của cộng đồng dân tộc thiểu số, hãy tham gia sự kiện Tôi Tin Tôi Có Thể 2022: Nghe Thanh Âm - Ngân Khát Vọng được tổ chức bởi Mạng lưới Tiên Phong Việt Nam bằng cách điền vào đây: https://forms.gle/KSHyX5y1w8664hHS9

Trong chuyến công tác tại Lào Cai và Thanh Hoá, trong khuôn khổ sự kiện Tôi Tin Tôi Có Thể - Bản Hoà Ca Đa Sắc ở địa phương, Các cán bộ chương trình Dân tộc Thiểu số, Viện iSEE đã có cơ hội quan sát và hỗ trợ chương trình văn nghệ và hội đàm của bà con các thôn, bản ở Sapa, Thanh Hoá…

Bạn biết gì về cộng đồng dân tộc thiểu số, ngoài những hình ảnh trên truyền thông đại chúng về những tộc người cần được “khai sáng”, cần có sự can thiệp từ phía ngoài để trở nên “văn minh” hơn? Từ trước đến nay, chỉ có “miền núi” phải cố để theo kịp “miền xuôi”, chỉ có người dân tộc thiểu số phải học tập văn hoá của người Kinh để “văn minh” hơn. Những chính sách, những kế hoạch về nông nghiệp, kinh tế, giáo dục… được đặt ra theo tiêu chuẩn của người Kinh liệu có phù hợp với bối cảnh tự nhiên, văn hóa, kinh tế của những người dân ở các khu vực khác nhau?

Chúng ta đã không lắng nghe đủ - đây là điều vẫn luôn ở trong tâm trí chúng tôi kể từ ngày trở về sau chuyến tập huấn ở Sapa, Lào Cai. Trong khuôn khổ sự kiện Tôi Tin Tôi Có Thể - Bản Hoà Ca Đa Sắc ở địa phương, các thành viên iSEE đã có cơ hội quan sát và hỗ trợ chương trình văn nghệ và hội đàm của bà con các thôn, bản ở Sapa, Thanh Hoá… Tại nơi đây, chúng tôi có cơ hội lắng nghe những câu chuyện của người Mông, người Giáy, và người Mường. Chúng tôi đã được nghe họ nói về vấn đề của cộng đồng - những cuộc thảo luận đến từ chính người trong cuộc chứ không phải đến từ những gì truyền thông đăng tải và khắc họa. Có rất nhiều câu chuyện khiến chúng tôi vô cùng xúc động, đồng thời khâm phục vốn kiến thức sâu rộng của những người vẫn hay bị dán nhãn lạc hậu, cũng như sự kiên định muốn mang đến thay đổi từ các cá nhân trong cộng đồng. 

Trong đó, chúng tôi xin phép được kể vắn tắt một số câu chuyện khiến các thành viên chương trình dân tộc thiểu số tại iSEE cảm thấy xúc động nhất:

Chị Lan là một người làm du lịch ở địa phương, chị đã nhìn thấy vấn đề gây trở ngại cho kinh doanh homestay của bà con: đường đến thôn Tả Van nhỏ và hẹp, chính vì vậy mà những chuyến xe 29 chỗ với kích cỡ quá to đã bị cấm. Điều này làm tăng lên chi phí di chuyển cho khách du lịch, khiến giá cả homestay phải giảm xuống. 

Tuy thôn Tả Van có phong cảnh rất đẹp và nét văn hoá độc đáo, có tiềm năng du lịch, song thay đổi này đã gây ra nhiều trở ngại. Thấy được điều này, chị Lan đã đặt vấn đề ngay trong chương trình Bản Hoà Ca Đa Sắc tại địa phương. Cùng với những chủ homestay cũng như đại diện chính quyền nơi này, chị Lan đã dẫn dắt cuộc thảo luận và cùng mọi người tìm ra giải pháp hợp lý. Khi có người nói rằng lần trước muốn thuyết phục thay đổi chính sách mất tận mười năm, lần này có khi cũng vậy, thì chị Lan đã nói, “quan trọng là thuyết phục được”. Sự kiên định và mối quan tâm sâu sắc của chị dành cho phát triển du lịch địa phương khiến nhóm iSEE phải cảm phục.

Chị Huệ chia sẻ khi xin phép tổ chức sự kiện Bản Hoà Ca Đa Sắc ở địa phương, để bà con dân tộc thiểu số giao lưu văn nghệ và thảo luận về những mong muốn và giải pháp với các vấn đề hiện hữu. Câu chuyện của chị Huệ là một quá trình cố gắng để giọng nói của người dân tộc thiểu số được lắng nghe. 

Trong một thời gian dài, chị đã thuyết phục cán bộ địa phương chấp nhận các giải pháp và yêu cầu chính cộng đồng Mường đưa ra. Một trong số đó có thể kể đến yêu cầu làm lại mó (khu chứa nước suối sạch) được hỗ trợ bởi Mạng lưới Tiên Phong. Nhiều lần nói miệng không thuyết phục được, chị quyết tâm viết đơn trình bày minh bạch sự thành lập của tổ chức, nguồn gốc hỗ trợ, và yêu cầu được trả kết quả cho lý do kể cả khi không được duyệt. Hiểu được nỗ lực của chị, cán bộ địa phương cũng phê duyệt, và thế là bà con có nước sạch hơn để dùng, quá trình sửa lại mó cũng tạo công ăn việc làm cho mọi người trong mùa dịch. 

Ngoài ra, chị cũng chỉ ra nhiều bất cập trong việc ép nông thôn phải chạy theo tiêu chí phát triển áp chung cho cả nước. Chị cho rằng những chỉ tiêu nhà nước đưa ra không sai, nhưng quá cao cho một số vùng địa phương cụ thể. Các tiêu chí nên được địa phương hóa, phù hợp với từng vùng để có thể phát triển bền vững trong thời gian dài. 

Câu chuyện thứ ba, và có lẽ cũng là câu chuyện khiến chúng tôi thổn thức nhất, xảy ra ở một thôn rất nhỏ tên Nậm Than ở xã Liên Minh, Sapa, Lào Cai. Lần này, người đứng ra tổ chức Bản Hoà Ca Đa Sắc ở đây là anh Vàng A Chỉnh, thuộc cộng đồng người Mông địa phương. Thời gian anh Chỉnh tham gia Tiên Phong không lâu, nhưng anh có khát vọng rất lớn muốn lan toả văn hoá người Mông Trắng tại thôn Nậm Than, qua đó thúc đẩy du lịch nơi đây. Cụ thể, anh muốn lan toả nghề làm giấy Dó và nghề thêu thùa truyền thống trong thôn.

Vì là lần đầu tổ chức, cả anh Chỉnh lẫn bà con đều có phần chưa quen và còn ngại ngùng. Nhưng sau khi nhận ra chúng tôi đến chỉ để lắng nghe chứ không can thiệp, mọi người dần cởi mở hơn. Mọi người biểu diễn các tiết mục như kèn môi, kèn lá, hát giao duyên bằng tiếng Mông… Các cụ già trong thôn mặc quần áo truyền thống, mang theo sản phẩm thêu thùa của mình cho chúng tôi xem, và chia sẻ mộc mạc: “Các bà muốn thêu, thêu tay như thế này cả ngày. Nhưng ở đây xa xôi quá, thêu xong cũng không biết bán cho ai…” 


Quả thật, du lịch vẫn chưa thực sự chạm đến Nậm Than. Những nghề như thêu thùa, giấy Dó tuy là nghề truyền thống và có giá trị thẩm mỹ, văn hoá cao, nhưng cũng không mấy ai biết được. Anh Chỉnh và mọi người đã cùng thảo luận, và nhìn thấy một số vấn đề như cần phải có đường để xe di chuyển dễ dàng hơn, cần bảo tồn văn hoá từ những chuyện nhỏ như quần áo, ngôn ngữ… Tuy vẫn chưa có kế hoạch cụ thể, nhưng tin rằng mọi chuyện sẽ bắt đầu từ những buổi tọa đàm như thế này. Khi người trong cộng đồng lên tiếng nói lên mong muốn, ấy là họ đã biết được những điều tốt nhất cho mình, và từ đó đưa ra hướng đi phù hợp nhất.


Qua những câu chuyện trên chúng tôi nhận ra hai điều:

  • Thứ nhất: cộng đồng có những suy tư nhất định về các chính sách và phong trào như “Nông thôn mới”. Họ nhận thức được hiệu ứng tích cực lẫn những tiêu cực từ việc chính sách không tương thích với đặc điểm văn hoá, môi trường và bối cảnh cộng đồng.

  • Thứ hai: khi không có sự can thiệp đến từ bên ngoài, chính bản thân cộng đồng có thể định vị được vấn đề của họ, có những mong muốn thay đổi phát triển và có những hướng đi phù hợp nhất. Cộng đồng dân tộc thiểu số luôn sẵn sàng đối thoại, đưa ra ý kiến của mình.

Và điều đó dẫn chúng ta đến câu hỏi cuối cùng: Tuy cộng đồng sẵn sàng nói, liệu bạn đã sẵn sàng lắng nghe?

Để hiểu rõ hơn và lắng nghe những chia sẻ của cộng đồng dân tộc thiểu số, hãy tham gia sự kiện Tôi Tin Tôi Có Thể 2022: Nghe Thanh Âm - Ngân Khát Vọng được tổ chức bởi Mạng lưới Tiên Phong Việt Nam. 

Đúng như tên gọi của nó, chúng tôi mong rằng sự kiện lần này sẽ tạo điều kiện để những thanh âm mang theo khát vọng của cộng đồng dân tộc thiểu số có thể được lan toả, để tiếng nói của cộng đồng dân tộc thiểu số có thể được lắng nghe nhiều hơn.

—————

Thông tin về chương trình Tôi tin tôi có thể 2022 sẽ được cập nhật chi tiết trên các kênh:

Facebook Mạng lưới Tiên Phong: https://www.facebook.com/nguoidongminhtienphong/

Facebook Viện iSEE: https://www.facebook.com/iseevn/

Website Viện iSEE: http://isee.org.vn/

Event sự kiện Tôi Tin Tôi Có Thể 2022: https://fb.me/e/2fXTvFG3s

Để biết thêm thông tin, xin liên hệ:

- Trượng Văn Sô: Ban điều hành Mạng lưới Tiên Phong - SĐT

- Phạm Minh Ánh: Cán bộ Chương trình Dân Tộc Thiểu Số iSEE: - 0973.762.789 - pmanh@isee.org.vn

Previous
Previous

Trong vô vàn những buổi biểu diễn nghệ thuật của cộng đồng các dân tộc thiểu số ngoài kia, Bản Hoà Ca Đa Sắc có gì mà đặc biệt đến thế?

Next
Next

Nuôi mầm khoan dung trong trường học