Trong vô vàn những buổi biểu diễn nghệ thuật của cộng đồng các dân tộc thiểu số ngoài kia, Bản Hoà Ca Đa Sắc có gì mà đặc biệt đến thế?

Nếu bạn là một trong số những người có mặt tại sự kiện Bản Hoà Ca Đa Sắc hôm ấy, chứng kiến những giọt nước mắt rơm rớm của những thành viên Tiên Phong, lẫn của những người cùng tham gia hỗ trợ tổ chức sự kiện, hẳn bạn sẽ hiểu được sự đặc biệt của nó.

Bản Hòa Ca Đa Sắc là một trong những chương trình nổi bật trong khuôn khổ sự kiện “Tôi Tin Tôi Có Thể” được tổ chức thường niên từ 2015 tới nay, hướng tới tôn vinh nét đẹp trong văn hóa của các dân tộc thiểu số tại Việt Nam.

Bản Hoà Ca Đa Sắc 2022

Là bức tranh dệt nên từ những mảnh ghép đời thường

 Ngồi lại với Tiên Phong, nghe những câu chuyện nhỏ phía sau động lực để mọi người tham gia biểu diễn mới thấy thấm thía. Đó là những câu chuyện rất vụn vặt thôi, được bà con rầm rì kể lại trong lúc cả nhóm thoải mái bên nhau. 

 Như câu chuyện về lời hát ru: Cô Sơn, người dân tộc Mường đã kể về chuyện những lời ru con được ngân lên từ những chất liệu rất đời thường – từ việc mẹ phải đi rẫy, đi nương để có cái ăn, nên con hãy ngủ ngoan cùng ông bà; hoặc là có những nhắn nhủ, gửi gắm đến con cháu, tất cả đều được đưa vào tiếng ru. Cô kể rằng giờ đây bọn trẻ con học bằng tiếng phổ thông nên ngày càng ít sử dụng tiếng Mường, song đôi khi hai đứa cháu nhỏ vẫn vào ngủ với cô, nghe cô kể chuyện cổ tích, hát ru bằng tiếng Mường. 

Người Thái cũng thế, những lời ru là nơi mà người mẹ, người bà sẽ truyền lại cho con cháu những tâm tình, những câu chuyện xưa, những nét văn hoá của cộng đồng. Tuy nhiên, nhiều người mẹ bây giờ đã không còn hát ru như thế nữa, lớp trẻ sau có những đứa lớn lên mà xa lạ với chính những lời ru ấy. Và có khi là như thế, mà những tiết mục được quyết định. Những lời hát ru được cất lên tại Bản Hoà Ca Đa Sắc để gợi nhớ, để lan toả, và để kéo dài sự sống của tiếng ru bằng ngôn ngữ của cộng đồng trong bối cảnh nét văn hoá đẹp đẽ ấy đang dần mai một. 

 Tất thảy những tiết mục của BHCĐS được quyết định bởi chính người tham gia trong một quá trình mộc mạc, chân phương như vậy. Không có nhiều cân nhắc đến việc phải diễn cái gì để thu hút, để ấn tượng, để người xem thích thú. Những câu hỏi như “làm gì để hoành tráng, làm gì để gây ấn tượng và thoả mãn?” hoàn toàn không xuất hiện trong cuộc trò chuyện ấy. Chỉ đơn giản việc lời ru có ý nghĩa lớn như nào với những bà mẹ của các tộc người thiểu số, và họ muốn cất lên lời ru ấy cho mọi người biết, rằng dân tộc Thái, dân tộc Mường, dân tộc Mạ… cũng có những thực hành như vậy. 

Khát vọng được tỏ bày của những thành viên Tiên Phong chính là tinh thần của Bản Hoà Ca Đa Sắc. Tất cả những tiết mục đều được chọn bởi người tham gia, là những gì họ muốn chia sẻ, những gì họ nghĩ là quan trọng. Từ những lời ru, cho đến những điệu múa phản ánh lại hoạt động trồng trọt, gặt hái, thêu dệt và chuyện hò hẹn của các bạn trẻ… Bản Hoà Ca Đa Sắc lấy bà con làm trung tâm, vẫn luôn như thế.

Và nếu vậy, thì khán giả ở đâu trong bối cảnh này?

Mối liên kết đặc biệt giữa người với người 

Mượn lời của nghệ sĩ đương đại người Chăm Inra Jarka- thành viên Mạng lưới Tiên Phong, đạo diễn chương trình nói với cán bộ chương trình dân tộc thiểu số của iSEE: “Không phải chúng tôi tổ chức cho các em xem, mà là các em may mắn được ở đây để xem những màn trình diễn này.”

Đúng thế. Màn trình diễn thu hút những người thực sự quan tâm đến những điều mà các tộc người tộc thiểu số muốn nói, không chỉ từ những gì khán giả muốn nghe. 

Năm nay, chương trình diễn ra tại Trung tâm Văn hoá Nghệ thuật 22 Hàng Buồm, địa điểm quen thuộc của các hoạt động   nghệ thuật, văn hoá. Khu vực này cũng là một nơi đông đảo khách du lịch. Ngày hôm đó, có rất nhiều khách vãng lai ra vào, không phân biệt màu da, quốc tịch hay tuổi tác, giới tính. Có lẽ khi những người khách vãng lai đặt chân đến khu vực đấy, họ chẳng ngờ sẽ có một buổi trình diễn như vậy. Rất nhiều người đã bước vào, dẫn lối bởi những lời ca, những nhạc cụ mộc mạc, và lựa chọn ở lại đến cuối cùng. Có những vị khách nước ngoài, nhiều khả năng không hiểu được ngôn ngữ trình diễn, nhưng vẫn chọn một chỗ ngồi và ở lại lắng nghe. Thậm chí, đến cuối cùng, nhiều người trong số họ còn hoà chung vào điệu nhảy cuối buổi diễn. Không kèn, không trống, không nhạc, tất cả nắm tay nhau, nhảy múa giữa những tiếng cười giòn tan. 

 Đó là điều khó có thể tìm thấy ở đâu được. Đó là một sự kết nối, xuyên qua vô vàn khác biệt từ quan điểm, nhận thức, trải nghiệm, danh tính, và chạm đến trái tim của nhau. Đã có một sự trao đổi thân mật thầm kín diễn ra giữa những người trên sân khấu và những người xem ngày hôm ấy. Hai bên cùng nhau chia sẻ những cảm xúc vượt trên rào cản ngôn ngữ.

Bản Hoà Ca Đa Sắc là nơi người trình diễn vui vẻ tận hưởng sân khấu, hát, múa bất kì điều gì họ muốn – trong khi khán giả đến và mang theo một sự tôn trọng, một sự ủng hộ vô điều kiện mà không mong chờ điều gì khác. Người trình diễn kể chuyện, và khán giả đến chỉ để lắng nghe đơn thuần. Đó là một điều gì đó trong veo, rất hiếm thấy, và chính điều ấy đã khiến những giọt nước mắt rơi vào cuối chương trình.

Như vậy, Bản Hoà Ca Đa Sắc đặc biệt là bởi vì…

Như vậy, nếu hỏi lại điểm gì đặc biệt ở Bản Hoà Ca Đa Sắc thì có thể tóm gọn lại trong một cụm “sự chân thành và tình yêu thương vô điều kiện”. 

Bởi vì phải có những điều đó, thì các thành viên của Mạng lưới Tiên Phong mới khăn gói đi hàng trăm, nghìn cây số đến Hà Nội, những thành viên Tiên Phong người Ê Đê thậm chí còn mang cồng chiêng  nặng nhọc đến mấy chục cân mà không hề than phiền. Phải có những điều đó, thì những người đồng hành, những người tốt bụng gặp được trên chặng đường này mới hỗ trợ hết mình để chương trình diễn ra suôn sẻ. 

Và phải có những điều đó, thì khán giả, những người xa lạ tình cờ gặp nhau trong một tối hôm đấy, mới ở lại đến cuối cùng, và lắng nghe bằng cả trái tim.

Mong là sau khi đọc được bài viết này, các bạn độc giả có thể phần nào cảm nhận được ý nghĩa của Bản Hoà Ca Đa Sắc. Tuy nhiên, iSEE cũng hiểu rằng rất khó để truyền tải cảm giác ấy qua con chữ khô khan. Việc tốt nhất để tìm câu trả lời, chỉ có thể là tự bản thân đến và chứng kiến. Vậy nên hãy đến và tự trải nghiệm tại Bản Hoà Ca Đa Sắc vào năm tới nhé!

Previous
Previous

Bình đẳng giới trong cộng đồng dân tộc thiểu số: Lắng nghe trên tinh thần thấu hiểu

Next
Next

“Đi công tác mấy hôm, tôi nhận ra mình chẳng thực sự biết gì về dân tộc thiểu số…”