Sớm phá bỏ những định kiến giới
24/03/2012 – Tại buổi đối thoại chính sách về bình đẳng giới (BĐG) với chủ đề: “Tầm nhìn Việt Nam: Trao quyền cho phụ nữ và trẻ em gái ở nông thôn” diễn ra ngày 07/03, vấn đề BĐG được nhìn nhận nhiều chiều hơn. Buổi đối thoại do Liên Hợp Quốc tại Việt Nam phối hợp với Bộ LĐTBXH, Hội LHPN Việt Nam tổ chức.
Không cào bằng tiêu chí
“Nhà mình chồng làm mộc, vợ bán chè, tiền kiếm được đều đưa cho chồng giữ. Hàng ngày chồng đưa tiền cho vợ đi chợ. Có việc gì thì bàn bạc cùng mua” – chị Hương, người dân tộc Dao đỏ (Chợ Mới, Bắc Kạn) cho biết. Chị bảo, chị không bao giờ áy náy về việc chồng chị giữ hết tiền của mình vì lúc nào chị cần gì, hỏi chồng, chồng đều đưa tiền. Còn chồng chị tiêu gì cũng bàn bạc với vợ.
Trái với quan niệm của phụ nữ Kinh thích nắm giữ việc chi tiêu trong gia đình, phụ nữ Dao đỏ ở Bắc Kạn cho rằng mình không may mắn mới phải giữ tiền. Nghiên cứu của Viện trưởng Viện Nghiên cứu xã hội, kinh tế và môi trường (ISEE) đối với 11 dân tộc thiểu số (DTTS) trên 6 tỉnh cho thấy, 47,5% người vợ quản lý nguồn thu trong gia đình, gần 30% chồng quản lý và 16% cả hai cùng quản lý. Và gần 90% số vợ chồng người DTTS thích bàn bạc với nhau khi cần đưa ra quyết định gì liên quan đến gia đình. Đó chính là biểu hiện của BĐG.
Theo ông Lê Quang Bình – Viện trưởng ISEE: “Chỉ riêng việc chi tiêu của người Dao đỏ đã cho thấy, mỗi dân tộc có những tập quán và định kiến giới khác nhau. Tuy nhiên, các chính sách hay chương trình phát triển của Nhà nước ta vào các cộng đồng DTTS bị “đồng nhất” với mọi vùng miền, dân tộc mà chưa quan tâm đến diễn giải của người trong cuộc. Các can thiệp không nên chỉ đơn giản hóa bằng cách tăng sự tham gia của phụ nữ mà còn phải tính đến các yếu tố văn hóa, tập tục thì BĐG mới bám rễ được với bà con”.
Khoảng cách còn xa
Về chính sách chung, Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Phạm Thị Hải Chuyền cho biết: Thời gian tới, Bộ sẽ tăng cường hoạt động dạy nghề, tạo việc làm cho phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ nghèo vùng sâu, vùng xa như: Tư vấn cho chị em tự giải phóng mình, có điều kiện làm chủ bản thân với các quỹ tín dụng vay vốn dành cho phụ nữ nghèo, ưu tiên hỗ trợ 100% bảo hiểm y tế cho người nghèo, đề xuất hỗ trợ 2 triệu đồng/ca sinh nở (không quá 2 lần) cho phụ nữ nghèo…
Hiện nay, 70% dân số sống ở nông thôn, trong đó phụ nữ chiếm 50,4% (hơn 31 triệu người). Tuy nhiên, hơn 90% số chị em không có trình độ chuyên môn, kỹ thuật. “Muốn có cơ hội vươn lên, mỗi chị em phải tự phấn đấu, chủ động học tập mọi nơi mọi lúc để có kiến thức, kinh nghiệm, để đòi hỏi quyền lợi chính đáng của mình về mọi mặt” – bà Hải Chuyền nói.
Chiến lược quốc gia về BĐG giai đoạn 2011-2020 đã được Chính phủ phê duyệt với nhiều mục tiêu hướng đến phụ nữ nông thôn, phụ nữ nghèo như: Tỷ lệ lao động nữ ở nông thôn được đào tạo nghề và chuyên môn kỹ thuật đạt 25% vào năm 2015 và 50% vào năm 2020; 80% tỷ lệ nữ ở vùng nông thôn nghèo và DTTS được vay vốn ưu đãi và 100% vào năm 2020…
Tuy nhiên, bà Nguyễn Thị Hồng Tháp – Trung tâm Tư vấn hỗ trợ gia đình trẻ em nghèo nông thôn cho biết: “Phá bỏ những định kiến giới cần phải dựa vào uy tín của các già làng, trưởng bản và nhờ họ tác động với bà con chứ không chỉ “áp” thô các chính sách”.
Nguồn : danviet.vn