Đối thoại về Bình đẳng giới

 

7/3/2012 – Nhân dịp kỷ niệm ngày Quốc tế phụ nữ, Liên hợp quốc tại Việt Nam phối hợp với Bộ Lao động – Thương binh – Xã hội và Ủy ban quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ tổ chức đối thoại chính sách về Bình đẳng giới. Ông Lê Quang Bình – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường (iSEE) đã trình bày tham luận “Xem xét lại bình đẳng giới từ quan điểm của những người trong cuộc – nghiên cứu trường hợp từ nhóm dân tộc thiểu số ở Việt Nam” dựa trên kết quả nghiên cứu gần đây của Viện.

Tham dự đối thoại chính sách gồm các nhà hoạch định chính sách, chuyên gia từ các cjrijơ quan trung ương như Bộ Lao động – Thương binh – Xã hội (LĐTBXH), Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Y tế, Bộ Văn hóa thể thao và Du lịch, Ủy ban quốc gia vì sự tiến bộ của Phụ nữ Việt Nam, Ngân hàng thế giới và các tổ chức phi chính phủ, các tổ chức song phương và đa phương khác. Đặc biệt, đối thoại chính sách có sự tham dự của bà Phạm Thị Hải Chuyền, Bộ trưởng Bộ LĐTBXH.

Tại buổi đối thoại chính sách, các tham luận đã trình bày về những vấn đề giới còn tồn tại và các khuyến nghị nhằm giải quyết các vấn đề này. Theo đó, phụ nữ ít tham gia việc làm được trả công hơn, trình độ chuyên môn kỹ thuật cũng thấp hơn. Phụ nữ nông thôn ra thành thị điều kiện làm việc kém, thường không có hợp đồng lao động và bảo hiểm xã hội. Định kiến giới vẫn còn tồn tại, thể hiện ở việc lao động nam vẫn được đánh giá cao hơn lao động nữ, và nam giới vẫn ngần ngại khi chịu sự quản lý của phụ nữ. Các khuyến nghị tập trung vào việc lồng ghép giới trong xây dựng và thực hiện các chương trình, chính sách, tăng cường sự tham gia của phụ nữ, nâng cao trình độ học vấn và chuyên môn kỹ thuật của phụ nữ, kết hợp với truyền thông nâng cao nhận thức về bình đẳng giới và chống lại bạo lực trên cơ sở giới.

1.jpeg

Góp một cách nhìn mới về bình đẳng giới trong dân tộc thiểu số, ông Lê Quang Bình – Viện trưởng Viện nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường (iSEE) cho rằng những tiêu chí thường được áp dụng để đánh giá bình đẳng giới, như sự tham gia của phụ nữ, việc quản lý nguồn thu, quyền quyết định công việc trong gia đình, thực ra chưa hẳn nói lên bình đẳng giới. Tại sao người phụ nữ Lự ở Lai Châu không cảm thấy mình bị thiệt thòi khi không đi họp thôn, người phụ nữ Dao ở Bắc Kạn cho rằng mình không may mắn mới phải giữ tiền hay người phụ nữ Hmông ở Sapa bán thổ cẩm, góp phần tăng thu nhập nhưng vị thế của họ trong gia đình vẫn không được nâng cao? Bình đẳng giới chỉ có thể được hiểu đúng nếu lắng nghe những diễn giải từ người trong cuộc.

Nghiên cứu cho thấy, trong quan hệ gia đình, “thương nhau”, “làm cùng nhau” là những từ được người dân tộc thiểu số sử dụng nhiều nhất để miêu tả chuẩn mực ứng xử. Việc hai vợ chồng “bàn bạc”, “không ai quyết một mình” là phổ biến. Người phụ nữ dân tộc thiểu số cũng không phải luôn luôn thụ động và là nạn nhân, mà trên thực tế họ có tính chủ thể cao. Vai trò và vị thế của phụ nữ và nam giới trong các tộc người rất đa dạng, linh hoạt và thường xuyên biến đổi.

Từ đó, ông Lê Quang Bình cho rằng các chương trình, chính sách về bình đẳng giới cần phải tính đến các đặc điểm văn hóa, sinh kế của các nhóm tộc người khác nhau, không nên áp chung một bộ tiêu chí bình đẳng giới cũng như không nên đơn giản hóa các can thiệp theo khuôn mẫu tăng sự tham gia, tăng thu nhập, tăng tiếp cận nguồn lực, vv… “Tiếng nói, sự diễn giải của phụ nữ và nam giới về các hiện tượng quan sát thấy cần được lắng nghe để có thể làm tốt công tác bình đẳng giới”, ông Bình cho biết.


Previous
Previous

Sớm phá bỏ những định kiến giới