Sự kiện kết nối các tổ chức cộng đồng “Ghép rễ, liền cành”: Học về nhau và cùng nhau
Khép lại năm cũ, iSEE muốn kể bạn nghe về sự kiện kết nối các tổ chức cộng đồng đã diễn ra vào 14-15/12, mang theo ý niệm về kết nối và sự cùng học, cùng làm. “Chúng ta giống nhau hơn chúng ta nghĩ” - thông điệp từ sự kiện kết nối 1 năm trước cũng chính là cảm hứng để 10 tổ chức gặp nhau, học từ những trải nghiệm của nhau, thắt chặt thêm sợi dây liên kết cho những hợp tác sau này.
Những gương mặt mới
Trải qua các sự kiện kết nối trong 3 năm qua, lần gặp gỡ cuối 2024 chào đón những gương mặt mới. Free Pads là một tổ chức trẻ với dự án đầu tiên về sức khỏe kinh nguyệt dành cho người khiếm thị nữ, và trải nghiệm đồng kiến tạo chương trình học đã giúp các bạn hiểu hơn về nhau, về bản thân và phá bỏ đi những giả định về người khiếm thị cũng như câu chuyện kinh nguyệt.
Còn với Kết nối niềm tin - nhóm công nhân ngành may mặc tại TP. Hồ Chí Minh, quyết định thành lập và nuôi dưỡng nhóm sau khi kết thúc khuôn khổ một dự án phát triển là cột mốc khiến mọi người tự hào và không khỏi bất ngờ vì thành tựu của chính mình trong năm qua.
Những thảo luận quan trọng
Năm nay, những chủ đề quan trọng đã được đưa ra thảo luận, đúc rút ra từ chính quá trình hoạt động của các tổ chức cộng đồng. Từ bối cảnh hiện tại, tình hình tài trợ cho các tổ chức cộng đồng, cho đến tính bao trùm trong thiết kế sự học và sự hợp tác giữa các bên, những trao đổi đều thể hiện suy tư của các đại diện hội nhóm và nỗ lực làm thêm, làm “khác” đi:
Trong một bối cảnh với nhiều sự đổi thay, các quyết định thay đổi và thích ứng của tổ chức cộng đồng là cần thiết và có thể chịu ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố, có thể kể đến như khung pháp lý, nguồn lực và mối quan hệ với các bên liên quan. Đồng thời, trong các quyết định thay đổi, cần đặt ra câu hỏi “Điều gì sẽ không thay đổi” và không ngừng soi chiếu lại các giá trị của tổ chức.
Tình hình tài trợ cho các tổ chức cộng đồng vốn eo hẹp và đa phần có quy trình phức tạp, nay lại đang bị thách thức bởi những thay đổi bối cảnh và ngày càng đem đến nhiều rủi ro cho các nhóm cộng đồng. Sau phần thảo luận, chúng mình nhận ra rằng một việc chúng ta có thể làm thêm là vận động và thúc đẩy các thực hành tốt trong tài trợ (một ví dụ được nêu là cơ chế tài trợ theo nguyên tắc nữ quyền).
Khi nhìn nhận về nguồn lực, các đại diện tổ chức cộng đồng cũng chỉ ra rằng cần ghi nhận những nguồn lực phi tài chính một cách bình đẳng với nguồn lực tài chính và hướng đến xây dựng mối quan hệ đối tác, thoát khỏi tính thứ bậc.
Thiết kế trải nghiệm học có tính bao trùm không chỉ là đi theo các nguyên tắc và mô hình lý thuyết, mà còn là nhận thức về sự tham gia, về động lực bản thân của người thiết kế và về quyền lực trong không gian học. Khi suy rộng ra việc tạo ra “sự học” khi làm cùng các nhóm khác mình, việc giữ được tinh thần “đồng kiến tạo” để cùng làm và cùng học là vô cùng quan trọng.
“Sự “cùng nhau” đến từ đâu?” là câu hỏi cần được các bên trao đổi nghiêm túc khi muốn hợp tác làm việc. “Sự cùng nhau” là một khái niệm quan trọng, dễ nói nhưng không dễ làm và cần những hành động và sự chủ ý để hiện thực hoá. Đó có thể là việc xác định tâm thế khi bước vào hợp tác, đối thoại để hiểu rõ nhau thông qua việc kiểm tra, đối chiếu các giả định của mình và cam kết với một tiến trình liên tục học và đối thoại.
Những khả thể “cùng nhau”
Qua 3 năm thực hiện các sự kiện kết nối các tổ chức cộng đồng, iSEE, với tư cách người đồng hành, vinh dự được quan sát một phần hành trình của các nhóm và cách mọi người xây dựng những khả thể mới từ những bước chân nhỏ, những cái “đá cửa” để dấn mình vào một thứ mới. Lời mời của các nhóm dành cho nhau vào cuối sự kiện kết nối, về việc cùng nghĩ, cùng làm, là khởi đầu cho một hành trình đầy hứng khởi, dẫu biết cần nhiều tin tưởng và nỗ lực nuôi dưỡng tập thể.
Năm mới đã đến, hy vọng chúng ta sẽ lại gặp nhau trên các đường biên, cùng nhau cơi nới không gian cho những điều mang lại ý nghĩa cho mình.
* Hoạt động nằm trong khuôn khổ dự án được tài trợ bởi @ Đại sứ quán Canada tại Việt Nam trong khuôn khổ Quỹ Canada dành cho các sáng kiến địa phương (CFLI).