Lắng nghe tiếng nói của các cộng đồng dân tộc thiểu số trong việc ứng phó và thích ứng với biến đổi khí hậu

Biến đổi khí hậu và thiên tai ngày càng trở nên khắc nghiệt, gây ảnh hưởng nặng nề đến đời sống và sinh kế của nhiều cộng đồng, đặc biệt là các nhóm dân tộc thiểu số. Bởi lẽ đó, việc có không gian để những đối tượng chịu tác động trực tiếp này có cơ hội lên tiếng để chia sẻ về nhu cầu của họ, đề xuất những giải pháp phù hợp cũng như lan tỏa những tri thức cộng đồng trong việc thích ứng với biến đổi khí hậu là vô cùng quan trọng. Lắng nghe tiếng nói của chính các cộng đồng sẽ giúp thu hẹp khoảng cách giữa các nguồn hỗ trợ và thực tế tại địa phương.

Với mong muốn đó, iSEE đã triển khai dự án phục hồi sau bão Yagi tại Yên Bái, Lào Cai và Thái Nguyên. Dự án, được tài trợ bởi Đại sứ quán New Zealand, tập trung hỗ trợ các hộ gia đình dân tộc thiểu số nhằm giúp họ tái thiết cuộc sống và ổn định sinh kế.

Trọng tâm của dự án là hỗ trợ tài chính trực tiếp, giúp người dân chủ động phục hồi sau bão. Trong suốt quá trình thực hiện, iSEE đã tổ chức ba chuyến đi thực địa để khảo sát tình hình, phối hợp với đầu mối địa phương nhằm xác định nhu cầu cụ thể của các hộ gia đình, từ đó thiết kế các giải pháp hỗ trợ phù hợp.

Lắng nghe câu chuyện, nhu cầu và bài học từ cộng đồng ở tỉnh Lào Cai

Sau hơn nửa năm triển khai, dự án đã hỗ trợ 50 hộ gia đình khắc phục hậu quả thiên tai, từ sửa chữa nhà cửa, chuồng trại đến phục hồi sản xuất nông nghiệp và các nghề thủ công truyền thống như dệt vải và làm giấy dó. Ba chuyến đi thực địa giúp ghi nhận thực trạng, nhu cầu và những thực hành thích ứng của cộng đồng với biến đổi khí hậu.

Buổi chia sẻ “Ngày cá ăn sao…” về thực hành của các cộng đồng dân tộc thiểu số trong việc thích ứng với biến đổi khí hậu

Bên cạnh hoạt động hỗ trợ, iSEE tổ chức sự kiện “Ngày Cá Ăn Sao” – một không gian để các cộng đồng dân tộc thiểu số chia sẻ cách họ ứng phó với thiên tai. “Cá ăn sao” là một hình ảnh ẩn dụ truyền miệng của người Tày, ý chỉ một ngày toàn bộ trái đất ngập trong nước, nước dâng lên tận trời khiến cá cũng có thể chạm tới sao. Ẩn dụ này được iSEE mượn để gợi mở tới những suy nghĩ và chiêm nghiệm của các cộng đồng dân tộc thiểu số về thiên tai. Thông qua sự kiện, iSEE mong muốn lắng nghe những câu chuyện từ chính người trong cuộc, từ đó thảo luận về cách thức hỗ trợ hiệu quả hơn cho các cộng đồng bị ảnh hưởng.

Buổi chia sẻ có sự góp giọng của năm cá nhân là chị Nguyễn Thị Điềm và, anh Nguyễn Huy Khiết (người Tày ở tỉnh Thái Nguyên), chị Nguyễn Thị Vân và chị Hoàng Thị Doan (người Tày ở tỉnh Yên Bái), cô Vù Thị Xóa và anh Má A Pho (người Mông ở tỉnh Lào Cai), bao gồm hai phần chia sẻ chính là đời sống cộng đồng sau bão Yagi và sự thích ứng với thiên tai cùng những đề xuất của cộng đồng trong công tác cứu trợ.

Chị Bùi Minh Hạnh, đại diện Đại sứ quán New Zealand phát biểu tại sự kiện

Phát biểu mở đầu sự kiện, chị Bùi Minh Hạnh đại diện Đại sứ quán New Zealand đã gửi lời chào tới mọi người bằng tiếng Maori, cộng đồng người bản địa tại New Zealand. Đất nước New Zealand do nằm ở vành đai Thái Bình Dương nên cũng phải gánh chịu nhiều thiên tai, bởi lẽ đó rất chia sẻ với nỗi đau và sự mất mát của Việt Nam gây ra bởi cơn bão lịch sử Yagi. Chị chia sẻ thêm, người Maori đã xây dựng nhiều khung kiến thức và công cụ để phòng chống, ứng phó với thiên tai dựa trên tri thức bản địa. Bên cạnh đó cũng đã có rất nhiều nghiên cứu khoa học hệ thống, bài bản dựa trên những tri thức này. Với quan sát đó, chị Minh Hạnh rất mong buổi chia sẻ “Ngày cá ăn sao…” là một trong những bước khởi đầu cho một hành trình dài của việc hệ thống hóa, nghiên cứu tri thức bản địa, từ đó có những bước chuẩn bị tốt hơn với biến đổi khí hậu trong tương lai.

Thực trạng và nhu cầu của cộng đồng trong và sau bão

Tại buổi chia sẻ, những ký ức chân thật về cuộc đổ bộ kinh hoàng của cơn bão Yagi được tường thuật qua lời kể của năm anh chị. Theo mọi người, tâm lý chung khi cơn bão đến là bị động, bởi lẽ khác với ở vùng đồng bằng, bão tới ở khu vực miền núi không gây ngập và nước dần dần dâng cao mà thường đến trong đêm và gây ra sạt lở hết sức bất ngờ và dữ dội. Hiện tượng này dẫn tới tình trạng các hộ gia đình bị cô lập do đường đi bị đất đá, cây cối, cột điện đổ gãy che lấp. 

Ảnh chụp tại khu vực chuồng trâu nhà cô Nguyễn Thị Điềm, người Tày tại xã Yên Ninh, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên, chụp tháng 3/2025. Thời điểm bão đổ bộ, đất đá vùi lấp hết phần phía sau nhà của cô, ảnh chụp là sau khi đã thuê xe múc đất để có thể chăn thả trâu trở lại.

Một căn nhà bị cuốn trôi và đổ sập hoàn toàn sau bão, chụp vào tháng 2/2025 tại xã Liên Minh, thị xã Sa Pa, Lào Cai.

Còn nhớ vào những ngày lịch sử ấy, người dân ở những khu vực khác tuy cũng ảnh hưởng bởi cơn bão nhưng vẫn luôn dành sự quan tâm và thể hiện mong muốn san sẻ thiệt hại cho các tỉnh ở vùng núi phía Bắc. Xuất phát từ lòng tốt chân thành, người góp nhu yếu phẩm, lương thực, người góp quần áo, thuốc men. Trên thực tế, theo chia sẻ của năm anh chị, nhu cầu lớn nhất khi đó của người dân ở những khu vực địa hình cao lại là có nước sạch và mở lối đi. 

Thực phẩm không phải nhu cầu ưu tiên do trước đó cộng đồng đã tích trữ lương thực đủ để ăn trong khoảng một tuần. Hơn thế nữa, thực phẩm có khả năng gây ra các vấn đề sức khỏe cho người dân do hoặc bị hỏng trong quá trình vận chuyển, hoặc không phù hợp với thói quen ăn uống của người dân ở khu vực này, ví dụ như việc tiếp tế món sữa làm từ hạt. Việc có những hỗ trợ phù hợp, kịp thời sẽ vừa tránh làm lãng phí nguồn lực, vừa giảm gánh nặng cho cộng đồng vốn dĩ đang đối mặt với nhiều khó khăn.

Sự chủ động của cộng đồng trong tìm kiếm và huy động nguồn lực giúp đỡ

Trước khi có những hỗ trợ đến từ bên ngoài, cộng đồng cũng có những chiến lược để giải quyết những nhu cầu ưu tiên của mình. Có ba yếu tố quan trọng cùng góp sức trong quá trình này: sự vào cuộc kịp thời của chính quyền, sự đồng lòng của cộng đồng và vai trò của những người đầu mối ở địa phương. 

Những người đầu mối là người trước đó đã được địa phương hỗ trợ tập huấn kỹ năng cứu trợ và trang bị những dụng cụ cần thiết, hoặc đó là người chủ động ghi lại những thiệt hại và nhu cầu thực tế tại khu vực, từ đó tự huy động nguồn lực thông qua các trang mạng xã hội. Đó chính là những kinh nghiệm được chia sẻ bởi chính những người đảm nhận vị trí đầu mối này là chị Nguyễn Thị Điềm ở tỉnh Thái Nguyên và chị Nguyễn Thị Vân ở tỉnh Yên Bái, nhấn mạnh vào tầm quan trọng của việc chuẩn bị về mặt kỹ năng, công cụ và tinh thần sẵn sàng của các cá nhân.

Bài đăng kêu gọi gây quỹ với hình ảnh, thông tin thể hiện nhu cầu của các nhóm cộng đồng do Mạng Lưới Tiên Phong - nhóm vì tiếng nói của các nhóm dân tộc thiểu số

Sau bão, nhu cầu của các cộng đồng tập trung vào di rời đất đá ra khỏi nhà, xây lại nhà cửa và các nhu cầu về sinh kế, nuôi trồng. Anh Má A Pho ở tỉnh Lào Cai cũng chia sẻ về trải nghiệm làm đầu mối của mình: Anh Pho đã xuống xã đi xin thống kê thiệt hại sau bão, dựa trên mức độ ưu tiên và thiệt hại thì lựa chọn ra 6 hộ để đi gặp họ. Lúc đầu mọi người thấy cần nhất là xây lại nhà, cần tiền để di dời nhà, nhưng anh Pho đã thuyết phục các hộ dân rằng rất cần phải nghĩ cách tạo ra sinh kế mới, như trồng rau ngắn ngày để nhanh thu hoạch và có doanh thu. Từ đó tới nay, các hộ đã thu hoạch được hai vụ rau, lấy ngắn nuôi dài.

Một trong những kinh nghiệm rút ra trong việc tái thiết sinh kế sau bão của các cộng đồng là dựa vào những nguồn lực bà con đã sẵn có, và hướng tới những sinh kế khác ngoài nông nghiệp để tránh những thiệt hại gây ra bởi thiên tai. Một ví dụ điển hình là công việc làm giấy dó và dệt vải lanh của hội chị em người Mông ở tỉnh Lào Cai qua lời kể của chị Vù Thị Xóa. 

Vốn dĩ địa hình ở thôn chị Xóa rất xấu dẫn tới việc khó trồng rau, nuôi gia súc, gia cầm thì thường xuyên có bị dịch bệnh xảy đến. Tuy nhiên thổ nhưỡng ở khu vực này lại phù hợp để trồng cây lanh để dệt vải, cây tre để làm giấy dó. Đây không chỉ là sinh kế lâu đời của người Mông mà còn có ý nghĩa trong đời sống văn hóa của cộng đồng. Công việc này ít đặt gánh nặng lên nông nghiệp, tạo nguồn thu nhập khác bên cạnh nuôi trồng và có đầu ra ổn định. 

Sản phẩm vải lanh, giấy dó của người Mông ở tỉnh Lào Cai

Ví dụ này cho thấy sự cần thiết của việc tìm hiểu thực trạng về sinh kế, những nguồn lực sẵn có của cộng đồng, đồng thời quan tâm tới ý nghĩa về mặt văn hóa của các thực hành sản xuất trước khi đề xuất những hỗ trợ khắc phục hậu quả của thiên tai. 

Vai trò quan trọng của tri thức cộng đồng trong phòng ngừa và khắc phục hậu quả thiên tai

Trong buổi thảo luận, một trong những phần được mong đợi là chia sẻ về tri thức của các dân tộc trong việc dự đoán vụ mùa, thời tiết, thiên tai. Những tri thức này thường không được coi là có căn cứ khoa học và phần đa được truyền miệng từ thế hệ này sang thế hệ khác. Tuy nhiên đó là những chiêm nghiệm được đúc kết qua hàng trăm năm và có ích cho đời sống và sinh kế của các cộng đồng, kể cả khi thiên nhiên đã có nhiều thay đổi và hậu quả của biến đổi khí hậu ngày càng trở nên rõ rệt. 

Ví dụ như với người Tày ở tỉnh Thái Nguyên, thời điểm có sấm về thường là báo hiệu chính xác về tương lai vụ mùa, còn tiếng chim kêu là lời nhắc nhở cho con người về thời điểm phù hợp để gieo mạ, gặt hái. Ta còn có thể dựa vào tiếng réo của cơn gió để dự đoán độ mạnh của cơn bão: tiếng réo đứt đoạn thì mưa bão bình thường, tiếng réo to dần, kéo dài thì khẳng định mưa bão rất to, nên đi trú ẩn. 

Bài nông vụ của người Tày do chị Nguyễn Thị Điềm chia sẻ 

(Ghi chép và minh họa bởi iSEE)

Với người Mông ở tỉnh Lào Cai, anh Má A Pho chia sẻ mọi người ở nơi khác thường tò mò tại sao người Mông lại ở rải rác, cách xa nhau dẫn tới việc khó để kéo điện, làm đường. Thực chất việc lựa chọn nơi ở như vậy thể hiện tri thức của người Mông trong việc chọn đất, liên quan tới thổ địa, tâm linh. Họ luôn chọn những vùng ở gần đất ruộng, đất nương để ở, giúp thuận tiện cho việc trồng trọt, dễ dàng nuôi trồng hoa màu bằng phân hữu cơ mà không cần vận chuyển xa. Điều này cũng lý giải việc sau khi có những khu tái định cư, nhiều người dân tộc thiểu số ở vẫn chọn quay lại nơi ở cũ. Phần vì họ không có gì chăn nuôi, trồng trọt được, phần vì khi ở thì sức khỏe trở nên không tốt, và trong quan niệm của người Mông thì đó là bởi đất được chọn xây nhà không phải đất tốt, đất hợp. 

Những tri thức này còn thể hiện qua cách xây nhà truyền thống của các dân tộc. Theo lời kể của cô Nguyễn Thị Điềm, người Tày chú trọng vào phần trần nhà/ván ở phần giữa của ngôi nhà sàn, vì đây là phần quan trọng giúp bảo vệ cả gia đình khi thiên tai ập tới. Ngôi nhà của người Thái ở tỉnh Nghệ An thì nổi bật với cấu trúc đầu mèo (tiếng Thái: huố mēw) ở hai bên hông mái nhà, vừa để giúp cho phần mái nhà được vững chãi hơn về mặt cơ học, vừa để chắn ma dữ, quỷ dữ (tiếng Thái: khăng phí) cho người đang sống dưới mái nhà sàn. 

Cấu trúc nhà đầu mèo của người Thái ở Nghệ An

Tổng kết

Tổng kết lại, thông qua thực hiện dự án và buổi chia sẻ, iSEE có hai đề xuất trong việc khắc phục và đề phòng ảnh hưởng của thiên tai, biến đổi khí hậu với các cộng đồng dân tộc thiểu số:

  • Trong ngắn hạn, ngoài lương thực và nhu yếu phẩm, người dân cần nước sạch, thuốc men và hỗ trợ tài chính để chủ động giải quyết các nhu cầu cấp thiết, như thuê phương tiện dọn dẹp đất đá, sửa chữa đường đi.

  • Về dài hạn, cần khuyến khích đa dạng hóa sinh kế, ví dụ như phát triển nghề thủ công hoặc khai thác tiềm năng từ các sản phẩm bản địa để giảm phụ thuộc vào nông nghiệp. Điều này chỉ có thể bền vững nếu xuất phát từ nhu cầu thực tế của cộng đồng và có sự tham gia trực tiếp của người dân trong quá trình thiết kế và triển khai. 

Dự án của iSEE không chỉ giúp phục hồi sau bão Yagi mà còn mở ra không gian đối thoại về thích ứng với biến đổi khí hậu. Sự kiện “Ngày Cá Ăn Sao” là cơ hội để những người trong cuộc và các bên liên quan cùng suy ngẫm về các giải pháp bền vững và phù hợp hơn trong tương lai.

Next
Next

Sự kiện kết nối các tổ chức cộng đồng “Ghép rễ, liền cành”: Học về nhau và cùng nhau