Nhìn lại khóa học “Rung chiêng”, lắng nghe thanh âm cộng hưởng và riêng và chung

Khóa học “Rung chiêng” là một trong những dấu mốc quan trọng với iSEE, khi lần đầu tiên chạm đến hai chủ đề vừa mới vừa khó: thể hiện và riêng tư. “Rung chiêng” đã khép lại thành công vào tháng 3 vừa qua, và iSEE nghĩ rằng việc chia sẻ những gì chúng mình đã quan sát và học được từ khóa học sẽ vừa giúp ghi lại, vừa lan tỏa những suy tư sâu sắc về hai chủ đề này. 

Khởi động khóa học, những người tham gia mang tới rất nhiều câu hỏi: Tôi có thể thể hiện thoải mái những thứ tôi mong muốn không? Đâu là giới hạn của việc chia sẻ sự riêng tư của mình?

Hai khái niệm “thể hiện” và “riêng tư”, thật vậy, không hề xa lạ – chúng luôn là chủ đề được thảo luận, thương lượng và tranh luận qua nhiều thời kỳ và không gian khác nhau. Với Rung Chiêng, cả hai có thể được hiểu qua lăng kính tự do - tự do thể hiện ra và tự do giữ lại cho mình. 

Nhưng thể hiện và riêng tư đồng thời không thể chỉ là chuyện cá nhân và tồn tại trong im lặng. Đây là những vấn đề xã hội cần được đàm phán, chia sẻ và đồng thuận trong mối quan hệ với người khác. Chúng ta chỉ có thể bàn về giới hạn của thể hiện hay riêng tư khi đã thừa nhận rằng ta đang sống trong một thế giới đầy tương tác, xung đột, khác biệt – và chính trong quá trình ấy, khái niệm quyền mới được hình thành, bảo vệ và mở rộng.

Vậy ta nên làm gì và nghĩ gì trong trường hợp tự do thể hiện và riêng tư của mình và người khác xảy ra xung đột? Dưới đây là 4 câu chuyện, 4 khoảnh khắc gợi mở mà qua đó bạn có thể tìm được và nghĩ thêm về câu trả lời cho chính mình. Đây còn là những khơi gợi đã giúp cả người học và iSEE tiếp tục lần dấu, đào xới những thảo luận sâu sắc về thể hiện và riêng tư. 

Kết lại Rung Chiêng, điều quan trọng không nằm ở việc tìm một lằn ranh dứt khoát giữa cái gì là "quyền của tôi" và "giới hạn của bạn", mà là cùng nhau tạo ra không gian để đối thoại xảy ra – một cách kiên nhẫn, tôn trọng, và không né tránh. Thay vì để xung đột trở thành lý do để giới hạn và loại trừ, ta có thể học cách coi chúng như cơ hội để thương lượng, cùng nhau tái định nghĩa các quyền này theo thời gian, ngữ cảnh, và sự đa dạng của con người.

Bởi một xã hội tự do không phải là nơi không có mâu thuẫn, mà là nơi có đủ dung chứa để tất cả các quyền – dù lớn tiếng hay âm thầm, dù riêng tư hay công khai – đều có chỗ để tồn tại, thương thuyết và phát triển.

  1. Khi nào ta thực sự tự do thể hiện, tự do lựa chọn?

Câu hỏi trên cũng chính là hai bài học lớn trong trải nghiệm cá nhân của H và N, hai người tham dự khóa học Rung Chiêng.

Khi sắp tốt nghiệp đại học, H, một sinh viên nữ ngành y bắt đầu nghĩ về tương lai của mình – một tương lai mà bạn hình dung sẽ “bình thường, ổn định và đủ sống.” Bạn chia sẻ rằng mình không đặt kỳ vọng sẽ làm quản lý hay giữ một chức vụ cao. Thay vào đó, bạn muốn một công việc vừa phải để còn có thời gian chăm lo cho gia đình, cho chồng con sau này. Và trong suy nghĩ đó, bạn tin rằng mình đang thực sự tự do: tự do quyết định hướng đi cuộc đời, tự do không chạy theo danh vọng, tự do để chọn sự bình yên.

Lúc ấy, bạn thấy điều đó như một tuyên ngôn nữ quyền – rằng phụ nữ có quyền không cần phải vươn cao, không cần phải “cạnh tranh với đàn ông.” Nhưng rồi, khi được mời gọi nhìn lại những niềm tin của chính mình, H bắt đầu tự hỏi:
“Mình thật sự tự do lựa chọn, hay mình đã lựa chọn trong cái khuôn được định sẵn cho phụ nữ?”

Bạn nhận ra rằng cái tưởng như là “tự do” ấy thực chất được định hình bởi những điều đã thấm rất sâu: sự kỳ vọng của gia đình, hình mẫu “người phụ nữ lý tưởng” trong xã hội – người nhẹ nhàng, biết vun vén, hy sinh cho chồng con, không tham vọng “quá mức”. Những điều đó không ai ép buộc, không ai nói ra – nhưng nó hiện diện trong từng câu nói vô thưởng vô phạt từ người lớn, trong những lời khen “con gái phải thế,” trong cách xã hội tung hô phụ nữ “giỏi việc nước, đảm việc nhà.”

Khi nhận ra điều ấy, H không thấy xấu hổ hay ân hận. Ngược lại, bạn thấy đó là một bước ngoặt trong hành trình tự nhận thức: “Tự do không bắt đầu từ việc mình làm gì, mà bắt đầu từ việc mình hiểu vì sao mình làm điều đó.”

Còn với N, N lớn lên trong một gia đình nơi sự yêu thương được thể hiện bằng kiểm soát. Cha mẹ bạn coi con cái như tài sản, tự quyết định phần lớn mọi thứ – học ngành gì, chơi với ai, được đi đâu. Dần trưởng thành, bạn tin mình đã thoát khỏi mô hình ấy – bạn chọn ngành học mình thích, sống tự lập, tin tưởng rằng mình sẽ không bao giờ lặp lại cách nuôi dạy đó với bất kỳ ai.

Nhưng rồi, khi sống cùng em trai– người kém bạn gần chục tuổi – bạn nhận ra mình đang lặp lại chính điều từng làm mình tổn thương. Bạn cấm em chơi game, bạn giận khi em “không nghe lời”, bạn muốn em đi học thêm, làm việc này việc kia “cho tốt tương lai”.

Mãi đến khi khoảng cách giữa hai chị em trở nên quá lớn, khi em gái bắt đầu thu mình, không còn trò chuyện, bạn mới dừng lại. Bạn thử thay đổi. Bạn học cách lắng nghe. Bạn để em được làm những điều mình thích – kể cả khi bạn không hiểu hoặc không đồng tình. Bạn hỏi em về suy nghĩ, chứ không ra lệnh. Dần dần, bạn thấy một sự thay đổi rõ rệt – ở cả hai phía. Em gái bạn học tốt hơn, chủ động hơn, và cũng mở lòng với bạn hơn. Còn bạn – bạn nhận ra lần đầu tiên trong đời mình cảm thấy tự do – vì được là một người chị không cần gồng lên kiểm soát, không cần đóng vai “người lớn biết điều gì tốt nhất”.

Với N, tự do trong mối quan hệ không nằm ở quyền lực hay vị thế, mà đến từ sự tin tưởng và bình đẳng.

2. Tự do là khi ta biết có nhiều hơn một cách cảm nhận thế giới

Với HA – một người khiếm thị – thế giới không hiện lên qua hình ảnh, mà qua âm thanh, xúc giác, sự tinh tế của không gian, của nhịp thở cuộc sống. Trong khi nhiều người nhìn thấy thế giới bằng mắt, thì bạn chạm tới nó bằng cảm giác, bằng sự lắng nghe sâu sắc và trí tưởng tượng phong phú. Và trong hành trình cảm nhận thế giới ấy, văn chương chính là cánh cửa mở ra tự do – không chỉ để sống, mà để được là chính mình.

Khi còn học cấp 2, mỗi tiết học văn là một cuộc đấu tranh âm thầm. Bạn thường xuyên bị yêu cầu “hiểu đúng ý tác giả”, bị chấm điểm thấp nếu cảm nhận của bạn “khác biệt.” Là người khiếm thị, bạn có cách riêng để “thấy” – bạn cảm nhận một bài thơ bằng âm nhạc của câu chữ, bằng hình dung xúc cảm, bằng ký ức cá nhân. 

Những lời đó khiến HA dần thu mình. Bạn không còn dám giơ tay phát biểu, không viết gì ngoài những gì “an toàn” – bởi mỗi lần thể hiện suy nghĩ riêng, bạn lại bị kéo về đúng cái khuôn mà người khác vẽ sẵn.

Cho đến một ngày ở năm lớp 8, mọi thứ thay đổi. Bạn gặp một cô giáo dạy văn khác – người không hỏi “em có hiểu đúng không?”, mà hỏi: “Khi đọc bài này, em thấy gì? Em cảm thấy gì?”

Lần đầu tiên, bạn được mời gọi bước vào văn chương với tư cách một con người đầy đủ, với trí tưởng tượng, trải nghiệm và cảm xúc riêng. Không còn đúng – sai, không còn khuôn mẫu; chỉ còn sự chân thành, sự hiện diện và đối thoại.

Từ đó, văn chương không còn là môn học – mà là ngôn ngữ để HA tồn tại và góp phần xây dựng thế giới. Bạn nhận ra rằng, với mình, tự do không phải là được “nói thật to”, mà là được cảm nhận sâu sắc – và được công nhận rằng cảm nhận ấy là có giá trị.

Tự do, với HA, là khi bạn không phải mô phỏng cảm xúc của người khác để được khen là "cảm thụ tốt". Là khi bạn được chạm vào thơ bằng xúc cảm thật của mình, và không ai ép bạn phải nhìn thấy bầu trời theo cách họ nhìn.

3. Riêng tư: Một không gian được thương lượng

Cảm nhận về riêng tư không đến từ những định nghĩa lý thuyết, mà đến từ chính cách khóa học được tổ chức. Người học kể lại rằng họ cảm nhận rõ sự riêng tư ngay từ đầu – khi được hỏi về mức độ sẵn sàng chia sẻ, khi điều phối viên kiên trì xin sự đồng thuận trước mỗi phần thảo luận, và khi không gian được chăm chút như một không gian an toàn.

Đó là một bài học tinh tế: riêng tư không tự nhiên mà có – nó được tạo dựng, được thương lượng, được gìn giữ bởi những hành vi rất cụ thể.

Nhưng không chỉ người điều phối góp phần tạo nên không khí ấy. Không gian riêng tư được duy trì nhờ sự tôn trọng lẫn nhau giữa các học viên – một sự đồng thuận rằng: ở đây, ai cũng có quyền được tôn trọng một cách toàn vẹn.

Toàn vẹn – tức là không bị xem xét chỉ qua câu chuyện mình kể ra, không bị quy chiếu vào chuẩn mực “nên” hay “không nên” của người khác, không bị nhìn bằng ánh mắt tò mò hay định kiến. Sự riêng tư hiện diện trong chính sự lặng im đầy thấu hiểu, trong ánh nhìn không xâm phạm, trong cách mỗi người học cách tôn trọng những đặc điểm cá nhân, nhạy cảm – cả những gì được chia sẻ và chưa kịp chia sẻ.

Ở đây, riêng tư không chỉ là “giữ lại cho mình” – mà còn là khả năng thương lượng những gì có thể trao ra. Là việc được lắng nghe khi nói “tôi không muốn kể thêm”, là việc được tin tưởng rằng sự im lặng của mình cũng là một phần của cuộc trò chuyện.

Tuy vậy, chính vì sự riêng tư mang tính cá nhân cao – điều khiến không gian ấy đẹp đẽ – cũng đồng thời khiến nó trở nên khó nắm bắt. Cảm thức về ranh giới, khoảng cách, sự thoải mái – mỗi người một khác. Có người thấy thoải mái khi kể chuyện gia đình, người khác lại không muốn nhắc đến những điều thân mật nhất. Có người thoáng qua cũng cảm thấy bị xâm phạm, có người chỉ cần một ánh mắt cảm thông là đủ tin tưởng mở lời.

Và chính trong sự đa dạng ấy, người học bắt đầu cảm thấy một nhu cầu rõ ràng: cần một ngôn ngữ chung để nói về riêng tư. Không phải để đơn giản hóa cảm xúc, mà để giao tiếp được những ranh giới mong manh. Để không chỉ nói “mình không thoải mái” mà còn có cách nói “mình cần gì để thấy an toàn.” Để có thể xin lỗi khi vô tình vượt ranh giới ai đó, và để học được cách lắng nghe không gian im lặng mà người khác đang cần.

Đó là lý do của bài học về quyền riêng tư. Không phải để truyền đạt định nghĩa, mà để cùng nhau tìm ra những cách diễn đạt cảm giác, ranh giới, mong muốn. Để quyền riêng tư không chỉ là một khái niệm xa xôi – mà là nền tảng của sự chung sống tôn trọng và tự do.

4. Ranh giới giữa riêng và chung luôn chuyển động


Trong khóa học, người học bắt đầu từ những cảm xúc rất riêng – cảm thấy bị xâm phạm khi ai đó xem trộm nhật ký, bị phán xét khi lựa chọn cách ăn mặc, hay không được tôn trọng khi từ chối chia sẻ điều gì đó cá nhân. Nhưng càng đi sâu, các thảo luận càng hé lộ một sự thật phức tạp hơn: rằng “riêng tư” không phải lúc nào cũng đồng nghĩa với “của tôi” và “chung” không phải lúc nào cũng là thứ tôi tự nguyện chia sẻ.

Bên cạnh đó, nhóm tổ chức chương trình từ phía iSEE cũng đã có những suy tư mới về những chủ đề gắn bó mật thiết với công việc của mình từ trước tới nay dựa trên sự đào sâu về riêng tư.

Ví dụ, quyền phá thai là một trong những ví dụ nổi bật cho thấy tính không trung tính của khái niệm riêng tư. Nhiều lập luận ủng hộ phá thai vẫn lựa chọn cách diễn đạt “đó là quyền riêng tư của người phụ nữ với cơ thể mình”, như một nỗ lực để tránh né tranh luận về đạo đức hay chính trị.

Nhưng điều ấy đồng thời khiến vấn đề trở nên dễ bị cá nhân hóa, tách khỏi bối cảnh bất bình đẳng giới sâu sắc về quyền kiểm soát sinh sản, về khả năng tiếp cận dịch vụ y tế an toàn, và về sự tự chủ trong quyết định của phụ nữ. Nhìn quyền phá thai chỉ dưới lăng kính quyền riêng tư có thể vô tình gỡ bỏ trách nhiệm của xã hội và nhà nước trong việc đảm bảo điều kiện thực thi quyền ấy. 

Tương tự, đấu tranh cho hôn nhân cùng giới nếu chỉ được hiểu là cổ vũ cho tự do cá nhân trong việc yêu và kết hôn, thì có nguy cơ bỏ qua bản chất của nó: một cuộc đấu tranh vì sự bình đẳng, để xu hướng tính dục không còn là lý do cho sự kỳ thị. Ở đây, cách chúng ta định nghĩa “riêng tư” vô tình định hình luôn cả cách chúng ta định vị các nhóm xã hội – như một thiểu số cần được khoan dung, hay như những người bình đẳng về phẩm giá.

Không dừng ở các quyền dân sự, tranh luận về riêng – chung còn thấm đẫm trong đời sống thường ngày, đặc biệt là với phụ nữ. Trong lịch sử, lao động nội trợ – dọn dẹp nhà cửa, chăm con, nấu ăn, chăm sóc người cao tuổi – thường bị coi là “việc riêng trong gia đình”, chứ không phải lao động thật sự. Bởi vậy, nó vừa vô hình, vừa không được trả công, vừa không được tôn trọng.

Tương tự, bạo lực gia đình từng (và vẫn đang) bị xem là “chuyện riêng của vợ chồng”, nên không nên “mang ra ngoài”, không nên “vạch áo cho người xem lưng”. Điều ấy đã khiến không biết bao nhiêu người – đa phần là phụ nữ và trẻ em – không thể tiếp cận sự bảo vệ và công lý.

Những ví dụ ấy cho thấy: riêng tư không phải là không gian vô tội, không tranh cãi. Trái lại, chính trong cách chúng ta hiểu và phân chia đâu là riêng – đâu là chung, mà các hệ thống quyền lực được bảo vệ hoặc bị thách thức. Việc gọi một điều gì đó là “chuyện riêng” có thể là cách để bảo vệ cá nhân khỏi sự can thiệp – nhưng cũng có thể là cách để chối bỏ trách nhiệm của xã hội. Việc gọi một điều gì đó là “của chung” có thể là cách để thúc đẩy quyền bình đẳng – nhưng cũng có thể là cách để hợp lý hóa sự kiểm soát và trấn áp.

Vì thế, trong khóa học, việc trao cho người học một ngôn ngữ để diễn đạt sự riêng tư không chỉ là để bảo vệ ranh giới cá nhân, mà còn là để hiểu được bối cảnh lịch sử–xã hội mà những ranh giới ấy được hình thành và định nghĩa. Và đó cũng là một bước đi đầu tiên để biến quyền riêng tư không chỉ là vỏ bọc – mà là công cụ cho tự do, cho sự công nhận, và cho công bằng.

Next
Next

Lắng nghe tiếng nói của các cộng đồng dân tộc thiểu số trong việc ứng phó và thích ứng với biến đổi khí hậu