Câu chuyện bến nước buôn Tring – “Làm đúng ý muốn của người dân, rất tuyệt vời”

 

– chia sẻ của anh Y Bhiao (Tiên Phong Đăk Lăk) trên Facebook trong ngày Bến nước Buôn Tring hoàn tất.

Đây chính là tinh thần “Hãy tin dân, để dân làm” được các thành viên nhóm Tiên Phong vẫn luôn nhắc đến mỗi khi chia sẻ về khao khát tự thân của dân tộc mình. Bắt nguồn từ sáng kiến của nhóm Tiên Phong Đăk Lăk muốn xây lại Bến nước của Buôn Tring để vừa tiện lợi cho mục đích sử dụng lại vừa giữ được ý nghĩa tâm linh trong văn hóa người Êđê, sau gần 1 tháng lên kế hoạch và thực hiện, công trình Bến nước do chính bà con Tiên Phong thực hiện đã hoàn thành vào ngày 18/08/2019 vừa qua.

Anh Y Bhiao vui mừng ngày khánh thành Bến nước Buôn TringAnh Y Bhiao vui mừng ngày khánh thành Bến nước Buôn Tring

Bến nước với người Êđê không chỉ là nơi cấp nước sạch mà còn là nơi người Êđê duy trì niềm tin và lòng biết ơn đối với tổ tiên và thiên nhiên. Dù mỗi nhà ở Buôn Tring ngày nay đều đã có giếng nước riêng nhưng người Êđê ở đây đều mong muốn khôi phục bến nước.

“Người dân luôn luôn tôn trọng và muốn giữ lại cái bến nước mà thời trước ông cha ta đã tìm ra nguồn nước đó để mà đặt Buôn và làm bến nước cho dân…Bến nước khi là hồn của dân” – chị H’Nưn, thành viên Tiên Phong Đăk Lăk chia sẻ.

Với ý nghĩa tâm linh quan trọng trong đời sống tinh thần của người dân Êđê như thế nên hằng năm người dân trong Buôn lại tổ chức lễ cúng để tạ ơn thần bến nước. Nghĩ về lễ cúng bến nước của dân tộc mình, anh Y Bhiao đã tâm huyết chia sẻ câu chuyện trên trang Facebook cá nhân, ở đây xin được trích một đoạn.

“Đồng bào dân tộc của người Êđê Buôn tring Đăk Lăk chủ yếu sinh sống, nhờ có bến nước, có rừng là nguồn cung cấp làm thổ sản phục vụ cho đời sống của con người. […] Đồng bào Êđê cho rằng mọi vật đều có thần Linh. Nếu rừng càng nhiều cây càng to, sông suối càng sâu, bến nước càng trong mát thì vị thần cai quản nơi đó càng có thiêng, và không ai dám chặt phá khu vực bến nước, do vậy mà rừng cây càng tốt, nguồn nước, lâm sản càng đồi dào.

Hàng năm đồng bào Êđê thường có tổ chức làm lễ cúng bến nước, cúng thần rừng, thần bến nước, mọi người dân trong Buôn đều nghe lời của chủ nhà cúng bến nước cùng với già làng cổ uy tín trong buôn đứng ra làm chủ trì làm cúng bến nước, mọi thành viên trong Buôn, Buôn tham dự và đóng góp lễ vật, một hộ gùi lúa đem tới cho chủ nhà cúng bến nước, thầy cúng đặt vật lễ ngay đầu nguồn nước, nơi cúng thứ hai đặt vật lễ cúng ngay góc cây to gần Buôn.

Lễ khấn thể hiện sự tạ ơn trời, đất, thần Linh phụ hộ, che chở bà con trong Buôn làng, Buôn trong năm qua và cầu xin và những điều tốt lành trong năm tới với những linh thiêng và tôn nghiêm ấy đồng bào. Ở nhiều nơi, sau lễ cúng rừng và cúng bến nước tổ chức hội với nhiều hoạt động văn hóa truyền thống rất bổ ích tạo không khí vui vẻ, đoàn kết trong cộng đồng”

Nhưng 2 năm gần đây thì không tổ chức cúng bến nước ở Buôn Tring nữa vì bến nước bị hư hỏng và bỏ hoang, hơn nữa không có ai là chủ bến nước đứng ra tổ chức. Theo chị H’Nưn chia sẻ thì mới gần đây có cho tu sửa lại nhưng lại không lấy ý kiến của dân nên không hợp lý, bến nước thành… “bể nước”, không thể cúng bái được. “Bến nước rất quan trọng với người Êđê, có bến là có Buôn, có Buôn là có Bến”. Thế nên, khi biết dự án của iSEE và Irish Aid có mở quỹ sáng kiến, đa số người dân trong Buôn đều ủng hộ xây dựng lại bến nước theo đúng nhu cầu và mục đích của nó.

Bến nước thành... "bể nước" nên không thể cúng bái đượcBến nước thành… “bể nước” nên không thể cúng bái được

Nhóm Tiên Phong Đăk Lăk đã tổ chức nhiều cuộc họp để lấy ý kiến của các hộ dân ở 3 Buôn để có thể thiết kế nên Bến nước thuận ý dân nhất. Các hộ dân cũng tình nguyện đóng góp tiền bạc và công sức để việc tu sửa Bến nước được thực hiện.

Biên bản họp lấy ý kiến của các hộ dân ở 3 BuônBiên bản họp lấy ý kiến của các hộ dân ở 3 Buôn

Để có thể thiết kế ra công trình Bến nước vừa thuận tiện cho nhu cầu sử dụng bền lâu vừa giữ được hình ảnh quen thuộc của Bến nước cũ, anh Y Bhiao cùng mọi người đã phải vẽ đi vẽ lại nhiều bản nháp

Bản vẽ bến nước do chính chú Y Bhiao thực hiện theo mong muốn của dânBản vẽ bến nước do chính chú Y Bhiao thực hiện theo mong muốn của dân

“Một bên anh xây bằng bê tông, còn bến nước bên kìa thì anh không xây, anh chỉ láng bê tông để có chỗ giặt quần áo và để đứng hứng nước, đó là bến nước nguyên thủy của nó” – anh Y Bhiao chia sẻ.

Xong bản thiết kế và công tác chuẩn bị, nhóm Tiên Phong Đăk Lăk bắt đầu bắt tay vào việc xây dựng Bến nước. Suốt gần 1 tháng, dù nắng hay mưa, những người thợ xây “bán chuyên” ngày ngày chăm chỉ đến xây dựng Bến nước với niềm tin rằng chỉ cần dân muốn và dân tin, thì nhất định sẽ hoàn thành. Khó hơn cả là những ngày mưa, xi măng trát lên lại bị trôi mất. Mưa thì ngày qua ngày như trút nước, nếu chờ qua mùa mưa thì lại chậm tiến độ, lỡ hẹn với mong mỏi của dân mình, thế là bà con chạy vượt mưa mang công cụ đến rồi căng lá che mưa tiếp tục làm.

Quan trong là chúng ta đồng lòng vì tình yêu với tục lệ và mảnh đất dân tộc mình, thì điều gì cũng xong!Quan trong là chúng ta đồng lòng vì tình yêu với tục lệ và mảnh đất dân tộc mình, thì điều gì cũng xong!

Nhớ nhất là lần máy xúc đã vào đến Buôn, chuẩn bị xúc xà bần thì được tin Ủy ban nhân dân phường đề nghị ngừng thi công vì chưa báo cáo chính quyền. Sau khi nhóm dự án giải thích kỹ lưỡng về ý nghĩa của tập tục cúng Bến nước trong đời sống tinh thần người Êđê, chính quyền địa phương đã hiểu hơn về dự án, rằng đây không đơn giản là xây dựng một công trình dẫn nước, đây là niềm tin đối với tục lệ dân tộc, tình yêu đối với mảnh đất mình đang sinh sống. Chính đại diện của chính quyền địa phương đã xuống chỗ Bến nước, gặp bà con và gửi lời xin lỗi và ủng hộ việc bà con đang làm.

Không chỉ lo cho Buôn mình mà còn lo cho buôn bên cạnh, nhóm Tiên Phong Đăk Lăk còn làm thêm đường dẫn nước qua suối vì “để bà con bên đó đi lấy nước đỡ vất vả và nguy hiểm”.

Ống dẫn nước qua suốiỐng dẫn nước qua suối Nhờ có ống dẫn này, bà con không còn phải lội qua suối nguy hiểm nữaNhờ có ống dẫn này, bà con không còn phải lội qua suối nguy hiểm nữa

Công trình Bến nước Buôn Tring chỉ là một trong rất nhiều sáng kiến mà bà con đã cùng nhau lên ý tưởng, bàn bạc và quyết tâm thực hiện vì tình yêu cộng đồng dân tộc mình. Chỉ với suy nghĩ rất đơn giản rằng “cần làm thì phải làm thôi”, thế mà biết bao nhiêu hoạt động và công trình tâm huyết đã được bà con Tiên Phong thực hiện trong suốt 9 năm qua.

Nước trong và mát
Êm êm khúc hát
Chảy suốt đêm ngày
Ơn những bàn tay
Góp công xây đắp
Mình tôi âm áp
Nước bạc nước vàng
Nước đi trên đồi
Nước ngồi gần bếp
Nghẹt cổ vì nếp
Hết nước vì người
Hết đời vì con

(Trích đoạn trên Facebook của anh Y Bhiao)

Previous
Previous

Tổng hợp các báo cáo thuộc dự án Yo4re – Góc nhìn khác

Next
Next

LƯƠNG THẾ HUY “TÔI ĐÃ SẴN SÀNG CHO VỊ TRÍ VIỆN TRƯỞNG ISEE”