10 điều bạn cần biết về việc hợp pháp hóa chuyển giới tại Việt Nam

 

Những điều bạn cần hiểu ngay về quy định hợp pháp hóa chuyển giới tại Việt Nam vừa được Quốc hội thông qua.

img0176.jpg

Điều 37: Chuyển đổi giới tính
“Việc chuyển đổi giới tính được thực hiện theo quy định của luật. Cá nhân đã chuyển đổi giới tính có quyền, nghĩa vụ đăng ký thay đổi hộ tịch theo quy định của pháp luật về hộ tịch; có các quyền nhân thân phù hợp với giới tính đã được chuyển đổi theo quy định của Bộ luật này và luật khác có liên quan.”

 

1. Những ai thì được chuyển đổi giới tính?
Bộ luật Dân sự mới có hai điều riêng biệt: Xác định lại giới tính (Điều 36) và Chuyển đổi giới tính (Điều 37). Xác định lại giới tính áp dụng với người sinh ra không rõ ràng là nam hay nữ, còn chuyển đổi giới tính áp dụng với những ai có nhu cầu thay đổi giới tính bẩm sinh của mình. Như vậy, về cơ bản thì những ai có nhu cầu đều có thể thực hiện chuyển đổi giới tính.

2. Vậy là tôi được phép phẫu thuật tại Việt Nam?
Đúng. Việc phẫu thuật chuyển giới trước nay bị cấm tại Việt Nam, nên người chuyển giới phải sang Thái Lan hay các nước khác để phẫu thuật. Với quy định mới, “Việc chuyển đổi giới tính được thực hiện theo quy định của luật” có nghĩa là công dân có quyền chuyển đổi giới tính tại Việt Nam.

3. Sau khi phẫu thuật tôi được phép thay đổi giới tính trên giấy tờ?
Đúng. Trước đây, cho dù đã phẫu thuật chuyển giới ở nước ngoài, thì bạn cũng không thể thay đổi giới tính trên giấy tờ. Với quy định mới, “Cá nhân đã chuyển đổi giới tính có quyền, nghĩa vụ đăng ký thay đổi hộ tịch theo quy định của pháp luật về hộ tịch” có nghĩa là sau khi phẫu thuật, người chuyển giới có thể đăng ký thay đổi tên gọi, giới tính.

4. Tôi chưa phẫu thuật chuyển giới. Tôi có thể thay đổi giới tính trên giấy tờ không?
Rất tiếc là không. Theo quy định mới, việc đăng ký thay đổi giấy tờ hộ tịch chỉ áp dụng với người đã chuyển đổi giới tính. Xu hướng trên thế giới là thay đổi giới tính giấy tờ không phụ thuộc vào việc phẫu thuật hay chưa. Đây là sẽ công việc mà chúng ta sẽ tiếp tục vận động trong tương lai.

5. Tôi chỉ phẫu thuật một phần (ngực, sử dụng hoóc-môn). Tôi có thể thay đổi giới tính trên giấy tờ không?
Chưa rõ. Theo quy định mới, chưa định nghĩa rõ thế nào thì được công nhận là “đã chuyển đổi giới tính”, toàn phần hay là một phần. Đây cũng là điều bình thường vì Bộ luật thường chỉ quy định khái quát và có các văn bản hướng dẫn thi hành chi tiết. Xu hướng trên thế giới là chỉ cần giấy xác nhận tâm lý về giới tính và sử dụng hoóc-môn liên tục ít nhất 12 tháng là có thể thay đổi giới tính trên giấy tờ. Đây là sẽ công việc mà chúng ta sẽ tiếp tục vận động và cung cấp thông tin cho các nhà làm luật trong tương lai.

6. Vậy là ngay bây giờ tôi có thể đi phẫu thuật hoặc thay đổi giới tính trên giấy tờ?
Chưa. Bộ luật Dân sự mới có hiệu lực từ ngày 1/1/2017. Quãng thời gian này là để chuẩn bị trước khi chính thức thống nhất áp dụng, vì đây là một Bộ luật đồ sộ, nhiều nội dung. Từ giờ cho tới 31/12/2016 thì Bộ luật Dân sự hiện hành năm 2005 vẫn sẽ có hiệu lực.

7. Vậy là ngày 1/1/2017 tôi sẽ có thể phẫu thuật chuyển giới và thay đổi giới tính trên giấy tờ?
Chưa. Vì quy định mới ghi “Việc chuyển đổi giới tính được thực hiện theo quy định của luật”, đồng nghĩa sẽ phải có một Luật về chuyển đổi giới tính ban hành cụ thể hóa các điều kiện, trình tự, thủ tục, hoặc các văn bản hướng dẫn thi hành. Thời điểm chính thức mà người chuyển giới có thể thực hiện quyền của mình sẽ được quy định trong luật chuyên ngành đó. Đây là lý do mà chúng ta sẽ chưa ngừng hành trình vận động lại. Người chuyển giới đã được thừa nhận quyền, và mục tiêu là sẽ không để quyền này bị “treo.” Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cũng đã phát biểu sau khi thông qua Bộ luật: “Tháng 7-2016 tới, Quốc hội khoá XIV sẽ họp bàn về chương trình xây dựng pháp luật. Chắc chắn nếu Bộ chuyên ngành không đề xuất, Bộ Tư pháp cũng sẽ đề xuất xây dựng Luật về chuyển đổi giới tính.”

8. Cơ sở y tế ở Việt Nam có đủ khả năng thực hiện phẫu thuật chuyển giới không?
Có. Hội Phẫu thuật Nhi Việt Nam từng khẳng định Việt Nam có đủ khả năng tiến hành phẫu thuật chuyển giới. Và thực tế đã và đang phẫu thuật cho các trường hợp có giới tính bẩm sinh không rõ ràng nam hay nữ.

9. Tôi có được phép kết hôn cùng giới không?
Rất tiếc là không. Rất nhiều bạn hỏi về điều này. Bộ luật Dân sự chỉ quy định chung về chế độ hôn nhân gia đình. Các quy định chi tiết nằm ở trong Luật Hôn nhân và gia đình. Năm 2014, Việt Nam đã thông qua Luật HN&GĐ mới, theo đó thì hôn nhân cùng giới không còn bất hợp pháp, nhưng cũng chưa được thừa nhận và thực thi. Cộng đồng, xã hội sẽ cần phải tiếp tục vận động cho hôn nhân cùng giới trong tương lai.

10. Nếu đã phẫu thuật và thay đổi giới tính trên giấy tờ, tôi có được phép kết hôn với người yêu mà trên giấy tờ bây giờ là người khác giới với tôi không?
Có. Hiện tại, vì không thể thay đổi giới tính trên giấy tờ mà người chuyển giới và người yêu của họ thường sẽ được pháp luật coi là hai người cùng giới tính, do vậy không thể kết hôn với nhau. Với quy định mới, “Cá nhân đã chuyển đổi giới tính […] có các quyền nhân thân phù hợp với giới tính đã được chuyển đổi”, nghĩa là họ sẽ có các quyền, nghĩa vụ theo đúng như giới tính mới, bao gồm quyền kết hôn với người khác giới.

Như vậy, chúng ta có thể thấy quy định về chuyển đổi giới tính của Bộ luật Dân sự mới vẫn có nhiều điểm chưa hoàn thiện, cũng như cần đảm bảo quyền chuyển giới sẽ được thực thi sớm, thuận lợi trong thực tế. Nhưng đây thực sự là một bước tiến quan trọng, bằng việc khẳng định quyền của người chuyển giới. Trong tương lai, cộng đồng xã hội sẽ cần tiếp tục lên tiếng và vận động cho sự bình đẳng này.

Huy Lương


Previous
Previous

Việt Nam hợp pháp hóa quyền chuyển đổi giới tính

Next
Next

Chuyến thăm Ireland và bài học quý giá cho phong trào hoạt động LGBT ở Việt Nam