Khái niệm “khát vọng” của nhà nhân học Arjun Appadurai

Khi suy tư về mối quan hệ giữa các nhóm yếu thế với tương lai của họ, chúng tôi tìm được sự trợ giúp về mặt lý thuyết từ khái niệm khát vọng (aspiration) của nhà nhân học Arjun Appadurai. Sau nhiều năm làm việc với người nghèo tại tại Ấn Độ, Appadurai nhận ra vai trò then chốt nhưng hay bị bỏ quên của văn hoá trong các dự án phát triển, nhưng ông cũng nhận ra rằng trở ngại lớn nhất đối với việc kết nối văn hoá và phát triển chính là sự thiếu vắng của các ý niệm về “tương lai”. Ông chỉ ra rằng, khi bàn tới văn hoá, người ta lập tức suy tưởng về quá khứ: di sản, truyền thống, ký ức, tập quán v.v.. Bất chấp việc văn hoá chính là nguồn lực then chốt cho sức mạnh cộng đồng, sự kết nối quá phổ biến giữa văn hoá với quá khứ khiến cho khái niệm văn hoá khó dung hoà với các dự án “phát triển”, vốn luôn hướng tới việc vượt thoát khỏi các ràng buộc tiêu cực từ quá khứ. Arjun Appadurai đề xuất đưa “tương lai” vào cách chúng ta suy tư về văn hoá, và qua đó, đưa văn hoá trở thành điểm can thiệp mang tính chiến lược trong các dự án phát triển. 

Để kết nối văn hoá với tương lai, Arjun Appadurai phát triển một nội hàm mới cho khái niệm khát vọng. Thay vì nhìn nhận khát vọng như một cảm giác mang tính tâm lý học và vì thế chỉ có tính chủ quan, Appadurai coi khát vọng là một năng lực văn hoá,  tương tự như các năng lực khác, ví dụ như năng lực cảm thụ ngôn ngữ, năng lực kết bạn, đọc bản đồ, hay phản biện chính sách. Ông định nghĩa: “Năng lực khát vọng là một năng lực điều hướng” (navigational capacity). Sự điều hướng ở đây chính là khả năng hình dung, xác lập, điều chỉnh, và hiện thực hoá một lộ trình nào đó giúp con người đi được từ một “hiện tại” cụ thể tới một “tương lai” nào đó. Nói theo cách của người Việt Nam, cái Appadurai gọi là “khát vọng” không dừng lại ở việc mưu cầu tiền tài, danh vọng, hạnh phúc cho bản thân hay cộng đồng, mà là năng lực thiết lập và duy trì một “tầm nhìn” vươn vào tương lai, kèm theo đó là khả năng hiện thực hóa “tầm nhìn” đó. 

Tương tự như rất nhiều năng lực văn hoá khác, năng lực khát vọng chịu ảnh hưởng của cấu trúc xã hội. Appadurai diễn giải điều này như sau: “Ở xã hội nào cũng vậy, người có đặc quyền biết sử dụng bản đồ của các quy chuẩn [maps of norm] để khám phá tương lai một cách thường xuyên hơn và với tính thực tế cao hơn. Họ cũng chia sẻ tri thức này với nhau một cách đều đặn hơn những người hàng xóm nghèo và yếu thế của mình. Chính bởi người nghèo không có cơ hội thực hành việc sử dụng năng lực điều hướng này […] nên chân trời khát vọng của họ cũng mong manh hơn”. Như vậy, năng lực khát vọng được phân phối không đồng đều giữa các nhóm xã hội. Dẫu rằng ai cũng có thể khao khát một tương lai tốt đẹp hơn nhưng nhóm có nhiều đặc quyền sẽ dễ dàng tìm ra phương tiện, cách biện minh, và sự hỗ trợ mang tính hệ thống cho lộ trình của mình, còn những nhóm yếu thế thường chỉ dừng lại ở những tính toán ngắn hạn, hoặc viển vông. Giả như người yếu thế có nỗ lực hình dung ra một con đường nào đó để tiến tới một tương lai tốt đẹp hơn, thì con đường đó, mượn lời Appadurai, “thường cứng nhắc hơn, ít linh động hơn, ít giá trị chiến lược hơn”.

Previous
Previous

Lý thuyết quyền lực