Triển lãm nhóm “Cụng, Đụng, Chạm”
Hà Nội, ngày 16 tháng 6 năm 2017 – Triển lãm nhóm “Cụng, Đụng, Chạm” được tổ chức tại Trung tâm Giao lưu Văn hóa Phố cổ, 50 Đào Duy Từ, Hà Nội nhằm tạo cơ hội diễn ra sự va chạm của các góc nhìn khác nhau về văn hóa, niềm tin và lối sống, từ đó nâng cao tiếng nói của người dân tộc thiểu số cũng như các tri thức bản địa đang có nguy cơ bị lãng quên.
Cụng, Đụng, Chạm” là chương trình lưu trú và đồng sáng tác nghệ thuật tại các cộng đồng có đại diện thuộc nhóm “Tiên Phong vì tiếng nói người dân tộc thiếu số” được tổ chức với sự hỗ trợ của Viện Nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường iSEE và Đại sứ quán Cộng hòa Séc tại Hà Nội.
Trong vòng 30 ngày của tháng 5 vừa qua, chương trình đã đưa các nhóm “tạo hình” – những cá nhân, nghệ sĩ quan tâm tới đa dạng văn hóa cùng về sinh sống, lưu trú và hít thở chung bầu không khí, trao đổi những câu chuyện, góc nhìn với các nhóm “tạo tiếng” – thành viên thuộc cộng đồng các dân tộc thiểu số. 7 bạn trẻ nhóm “tạo hình” với khả năng thực hiện tác phẩm nghệ thuật qua các hình thức thể hiện khác nhau như vẽ truyện tranh, làm con rối, nhiếp ảnh, quay phim đã giành thời gian cùng chung sống và đồng sáng tác với những người chủ nhà tại Lào Cai, Yên Bái và Đắk Nông. Trong quá trình “cụng, đụng, chạm” về văn hóa này, các quan điểm sống, niềm tin đã va chạm với nhau và từ đó dẫn đến sự ra đời của các tác phẩm nghệ thuật nói lên rõ tiếng nói của người trong cuộc như đang hiện diện tại đây.
Nếu như Linh Rab, với chuyên môn vẽ truyện tranh, cùng cộng đồng người Mông ở Mù Cang Chải để các em học sinh vẽ lại câu chuyện cổ tích người Mông hay đơn giản chỉ là những câu chuyện các em nghe được hàng ngày lên một tấm giấy khổ lớn dài hơn 2m thì nhóm Hải – Linh – Phong lại tập trung vào nhóm cộng đồng di cư đi làm kinh tế mới từ những năm 90, 91 tại Lào Cai, tìm hiểu cách họ lưu giữ văn hóa khi rời xa gốc rễ như thế nào qua việc tạo ra những con rối bằng các vật liệu tại địa phương và cùng mọi người kể chuyện qua hình thức kịch rối.
Một thành viên của nhóm “tạo tiếng” – anh Khang A Tủa có chia sẻ:
“Mình từ trước tới giờ luôn đau đáu với việc làm thế nào để lưu giữ và truyền đi những câu chuyện cổ tích của người Mông, tuy nhiên cũng phải thú thật là rất khó và dễ nản. Khi biết đến “Cụng, Đụng, Chạm” và được gặp anh Linh (Linh Rab, họa sĩ truyện tranh và minh họa tự do) mình cảm thấy được tiếp thêm động lực làm những việc mình đang làm và điều quan trọng là mình không còn cảm giác đơn lẻ nữa. Đối với mình anh Linh không phải là người hướng dẫn hay thầy giáo, mà thực sự như một đối tác cùng làm những thứ mà bọn mình coi là quan trọng.”
Khi được hỏi về mục đích thực hiện chương trình, Trương Minh Giang – Viện Nghiên cứu xã hội, kinh tế và môi trường (iSEE), thành viên BTC có nói: “Với lần “Cụng, đụng, chạm” này, iSEE kỳ vọng là nhóm “tạo hình” được có cơ hội học tập các tri thức bản địa, đặt câu hỏi về sự hợp lý của các thực hành văn hóa và biến chuyển văn hóa hiện tại, và các nhóm “tạo tiếng” được học hỏi thêm về các hình thức tự do thể hiện, có thể tự áp dụng chủ động cho những hoạt động của mình sau này. Khi họ khám phá và có được những bài học thú vị cũng có nghĩa là sự kiện lần này sẽ mở ra những mong muốn khám phá nhiều hơn, tìm hiểu nhiều hơn và đi sâu hơn trong tương lai.”
Triển lãm nhóm “Cụng, Đụng, Chạm” đã cho thấy rằng “văn hóa” luôn là số nhiều, luôn đa dạng và biến chuyển, và cái quan trọng không phải là đem văn hóa ra so sánh mà là phải làm sao để có thể quan sát một thực hành văn hóa ở nhiều chiều, và qua đó thực sự thấu hiểu những giá trị của thực hành đó trong đời sống hàng ngày của người dân bản địa.