Thông tin đặc biệt gửi tới toàn bộ người Việt Nam là người đồng tính, song tính đang ở tại 81 quốc gia hình sự hóa quan hệ đồng tính

 

Mới đây, một công dân Việt Nam đang làm việc tại Cộng hòa Burundi (Châu Phi) đã bị bắt vì cáo buộc có hành vi quan hệ đồng tính với một người dân địa phương. Người này đã bị tạm giam và chờ xét xử bởi tòa án địa phương. Theo Luật hình sự năm 2009 của Burundi, việc quan hệ tình dục với một người cùng giới có thể bị phạt tù từ 3 tháng tới 2 năm và phạt tiền 50.000 tới 100.000 Burundi Franc (tương đương khoảng 680.000 tới 1.300.000 VND), hoặc một trong hai hình phạt trên. (Nguồn: AFP)

Biểu đồ các quốc gia hình sự hóa quan hệ đồng tính

Biểu đồ các quốc gia hình sự hóa quan hệ đồng tính

Điều này là một sự vi phạm nghiêm trọng quyền con người, trên các khía cạnh quyền riêng tư, quyền tự do thể hiện, quyền không bị phân biệt đối xử, và cần được can thiệp từ phía Chính phủ Việt Nam, cơ quan ngoại giao và đại diện doanh nghiệp ở nước sở tại để bảo vệ công dân Việt Nam.

Hiện nay trên thế giới vẫn còn có khoảng hơn 81 quốc gia hình sự hóa quan hệ đồng tính (với 2,2 tỷ người đang sống ở đó), tập trung ở các nước Châu Phi, Trung Đông và nhiều nước Hồi giáo khác. Năm quốc gia áp dụng mức án cao nhất, tử hình, cho hành vi quan hệ đồng tính là: Iran, Saudi Arabia, Yemen, Mauritania và Sudan. Một phần nước Nigeria và Somalia cũng áp dụng án tử hình tương tự.

Trong khi các đối thoại và vận động vẫn liên tục diễn ra nhằm xóa bỏ các hình thức hình sự hóa quan hệ đồng tính, thì có lẽ người đồng tính, song tính tại Việt Nam cần thiết có thông tin về pháp luật các quốc gia mà mình dự định hoặc đang sinh sống, làm việc, du lịch. Ngày càng có nhiều công dân Việt Nam du lịch, làm việc tới các quốc gia này, đặc biệt khi Việt Nam đang có nhiều dự án đầu tư vào các nước châu Phi, Trung Đông.

 

Số liệu của Bộ Công Thương cho thấy, đến hết năm 2013, Việt Nam có 18 dự án đầu tư tại 11 nước châu Phi. Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel đã đầu tư tại nhiều nước Châu Phi trong lĩnh vực viễn thông. Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam đầu tư trong lĩnh vực thăm dò và khai thác dầu khí. Các doanh nghiệp tư nhân khác cũng đầu tư vào các lĩnh vực như xây dựng, nông nghiệp, điện tử, may mặc… Trong số hàng ngàn người Việt Nam lao động tại nước ngoài này cũng sẽ có những người là người đồng tính.

Tôi là người đồng tính, song tính, tôi phải làm gì khi tới những quốc gia này?

Chúng tôi khuyến cáo người đồng tính, song tính hãy cân nhắc khi quyết định sinh sống, làm việc hay du lịch tới những quốc gia có quy định quá hà khắc với quan hệ đồng tính.

Khi tới những quốc gia này, bạn cần thiết tìm hiểu rõ pháp luật của họ, đặc biệt các quy định liên quan tới các hành vi tình dục bị ngăn cấm và xử lý. Bạn nên cân nhắc việc công khai xu hướng tính dục của mình, cân nhắc các mối quan hệ đồng tính có thể bị phát hiện. Tuân thủ pháp luật quốc gia sở tại vẫn là ưu tiên hàng đầu để tránh những sự việc đáng tiếc xảy ra.

Khi bị bắt, cáo buộc liên quan tới các tội này, bạn nên lập tức yêu cầu được tiếp xúc với cơ quan ngoại giao Việt Nam tại nước sở tại, hoặc báo với doanh nghiệp, cơ quan của mình để có những can thiệp cần thiết. Bạn cũng có thể liên hệ với các tổ chức làm việc vì quyền LGBT tại quốc gia đó, hoặc báo về Việt Nam.

Thông tin về các quốc gia hình sự hóa quan hệ đồng tính

Hiệp hội Đồng tính Thế giới (ILGA) hàng năm có thống kê một danh sách các nước có luật hình sự chống lại hành vi tình dục giữa những người cùng giới tính. Năm 2014, danh sách này là 76 quốc gia. Con số này có thể lên tới 81 nếu tính cả những quốc gia có vùng lãnh thổ của nó hình sự hóa quan hệ cùng giới.

Sau đây là danh sách 81 quốc gia và vùng lãnh thổ đang có luật hình sự hóa hành vi tình dục cùng giới, xếp theo từng khu vực và theo thứ tự ABC.

Châu Phi

1 Algeria
2 Angola
3 Botswana
4 Burundi
5 Cameroon
6 Comoros
7 Egypt (Ai Cập)
8 Eritrea
9 Ethiopia
10 Gambia
10 Ghana
12 Guinea
13 Kenya
14 Lesotho
15 Liberia
16 Libya
17 Malawi (việc thi hành luật bị đình chỉ)
18 Mauritania
19 Mauritius
20 Morocco
21 Mozambique
22 Namibia
23 Nigeria
24 Sao Tome
25 Senegal
26 Seychelles
27 Sierra Leone
28 Somalia
29 South Sudan (Nam Sudan)
30 Sudan
31 Swaziland
32 Tanzania
33 Togo
34 Tunisia
35 Uganda
36 Zambia
37 Zimbabwe

Châu Á, bao gồm Trung Đông

38 Afghanistan

39 Bangladesh
40 Bhutan
41 Brunei (Bru-nây)
42 India (Ấn Độ)
43 Iran
44 Kuwait
45 Lebanon (luật bị tuyên vô hiệu tại một tòa án)
46 Malaysia
47 Maldives
48 Myanmar (Miến Điện)
49 Oman
50 Pakistan
51 Palestine/Dải Gaza
52 Qatar
53 Saudi Arabia
54 Singapore
55 Sri Lanka
56 Syria
57 Turkmenistan
58 United Arab Emirates
59 Uzbekistan
60 Yemen

Tại Iraq, mặc dù không có luật chống hành vi đồng tính, nhưng việc bạo hành đánh đập người đồng tính không bị kiểm soát, và các kết tội suy từ giáo luật sharia cũng áp đặt các hình phạt lên những người có hành vi đồng tính.

Châu Mỹ

61 Antigua & Barbuda
62 Barbados
63 Belize
64 Dominica (Không thực thi trên thực tế)
65 Grenada
66 Guyana
67 Jamaica
68 St Kitts & Nevis
69 St Lucia
70 St Vincent & the Grenadines
71 Trinidad & Tobago

Tại Hợp chủng quốc Hoa Kỳ, luật chống quan hệ đồng tính bị tuyên vi hiến tại Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ vào năm 2003, nhưng vẫn có 13 bang giữ lại luật này, bao gồm: Alabama, Florida, Idaho, Kansas, Louisiana, Michigan, Mississippi, North Carolina, Oklahoma, South Carolina, Texas, Utah và Virginia. Những nhà lập pháp bảo thủ không chấp nhận bãi bỏ luật này, và đôi khi cảnh sát cũng áp dụng nó. Khoảng vài chục người từng bị bắt vì vi phạm luật, tuy nhiên tất cả đều được trả tự do vì không thể kết tội dựa trên luật đã không còn tồn tại nữa.

Châu Đại dương (bao gồm Indonesia)

72 Cook Islands
73 Indonesia (Tỉnh Aceh và Nam Sumatra)
74 Kirbati
75 Nauru
76 Palau
77 Papua New Guinea
78 Samoa
79 Solomon Islands
80 Tonga
81 Tuvalu

Châu Âu

Không có quốc gia châu Âu nào hình sự hóa người đồng tính cả. Tháng 1/2014, Bắc Cyprus là quốc gia cuối cùng tại châu Âu đã phi hình sự hóa quan hệ đồng tính. Mặc dù vậy, một số quốc gia tại châu Âu có một số luật chống lại người đồng tính.


Nga: thông qua Luật tuyên truyền chống đồng tính vào năm 2013, cấm các hành vi đề cập tích cực tới đồng tính tại nơi công cộng, bao gồm cả trên mạng trực tuyến.
Kyrgyzstan: vào tháng 6/2014 trình một dự luật tương tự như Nga. Nếu được thông qua, các hành vi phổ biến thông tin về quan hệ đồng tính có thể bị trừng phạt bằng tiền hoặc án tù.
Ukraine: đã từng cân nhắc, nhưng tới hiện nay vẫn chưa thông qua một luật tương tự như Nga.
Moldova: từng thông qua một luật chống đồng tính, nhưng đã bãi bỏ vào năm 2013.


Previous
Previous

iSEE gửi thư kiến nghị về Nghị quyết LGBT tại Hội Đồng Nhân Quyền

Next
Next

Ý kiến iSEE về việc gắn yếu tố đồng tính vào các bài báo về tội phạm