Sáng tạo đa văn hóa - chiếm dụng hay tiếp dụng?

Chiều ngày 26/5/2022, tọa đàm “Sáng tạo đa văn hóa - chiếm dụng hay tiếp dụng?” đã được tổ chức bởi Mạng lưới Tiên Phong Việt Nam và viện iSEE. Tọa đàm là tiếp nối những thảo luận về chiếm dụng văn hóa (cultural appropriation) trong tháng 5/2022. Xoay quanh câu chuyện của những người làm sáng tác dùng chất liệu của nền văn hóa khác và suy nghĩ của thành viên của các cộng đồng dân tộc thiểu số, tọa đàm mở ra không gian trao đổi và hiểu góc nhìn từ những người trong cuộc (người thực hành sáng tạo và cộng đồng thực hành văn hóa). Tọa đàm với sự tham gia của anh Tòng Văn Hân, anh Trượng Văn Sô từ mạng lưới Tiên Phong Việt Nam; chị Vũ Thảo, Kiều Anh là những người sáng tác; tiến sĩ Lư Thị Thanh Lê từ đại học Quốc Gia Hà Nội và anh Nguyễn Vũ Hải từ viện iSEE.

Văn hóa và Chiếm dụng văn hóa là gì?

Mở đầu tọa đàm, chị Lư Thị Thanh Lê chia sẻ về khái niệm văn hóa và chiếm dụng văn hóa. Theo UNESCO, văn hóa là “tập hợp các đặc trưng tiêu biểu về tinh thần, vật chất, tri thức và xúc cảm của xã hội hoặc một nhóm người trong xã hội.” Tính cộng đồng là một đặc trưng của văn hóa, chính vì vậy mà văn hóa có người bên trong và bên ngoài cộng đồng. 

Chiếm dụng văn hóa là hành động mang tính chủ đích của một người ở bên ngoài cộng đồng, sử dụng một thành tố văn hóa của cộng đồng làm thành một sản phẩm mới. Văn hóa vốn tồn tại bên trong cộng đồng bị tách ra khỏi bối cảnh và trở thành một phần trong sáng tạo của người kia. 

Khái niệm chiếm dụng văn hóa vốn xuất phát từ các nước Châu Mỹ, Nam Phi và Úc; đi vào Việt Nam bởi những người nghiên cứu nghệ thuật và nhân học. Tuy vậy, việc dịch cụm từ “chiếm dụng” chưa đúng và thường tạo nên ý nghĩa tiêu cực. Từ appropriation có thể được dịch theo nhiều cách khác nhau: chiếm dụng, tiếm dụng, tiếp dụng, chuyển dụng. Tích chất tích cực hoặc tiêu cực của thuật ngữ dịch sang tiếng Việt cũng phụ thuộc vào cách dịch, vào tính chất của ngữ cảnh đề cập.

Cuộc gặp của người làm sáng tạo với nền văn hóa khác tạo nên điều gì?

Ở phía iSEE và CECEM, chị Nguyễn Thùy Linh chia sẻ về khái niệm “Văn hóa là những điều con người có, con người nghĩ và con người làm”. Khi những người trong các nền văn hóa khác nhau gặp mặt, người ta thường dễ nhận ra những điều con người có và con người làm hơn con người nghĩ. Chính vì vậy có thể tạo nên khoảng cách, hay những hiểu lầm khi mới gặp mặt và chưa thông hiểu nhau. Anh Hân chia sẻ ví dụ về bài thơ “Mẹ tôi chửi kẻ trộm”. Trong bài thơ này, lời người mẹ nghe như chúc tụng kẻ trộm sớm giàu có no đủ chứ không mang ý nghĩa mạt sát như câu chửi mà người Kinh thường nghe. Điều này tạo nên nhiều dư luận và phản đối khi bài thơ nhận giải thưởng trên báo Văn Nghệ. Anh Hân nói: trong văn hóa người Thái, con người có rất nhiều hồn vía, nếu mình chửi độc mồm độc miệng quá thì ám lại vào bản thân người chửi, làm vía miệng bị ô uế bởi chính những lời chửi của mình, sinh ra ốm đau, làm ăn không may mắn. Chị Vũ Thảo chia sẻ về lần đầu tiên gặp gỡ với cộng đồng Nùng An. Chị đã rất vui mừng, ngỡ ngàng với những điều mới học được, chị choáng ngợp với tất cả mọi thứ, kể cả việc đi làm phần xanh như một quy trình làm chất liệu cho thổ cẩm. Tâm trạng của chị lúc đó rất gấp gáp và mong muốn làm ngay được những sản phẩm đầu tiên. Tuy nhiên, ngay lập tức chị gặp những thất bại do không biết về cách làm men chàm nên khiến cho thùng chàm bị chết. Trong trường hợp khác với nhóm Dao Tiền, chị Thảo mong muốn tăng tốc độ sản xuất bằng việc làm dụng cụ mài cho nhóm. Tuy vậy cộng đồng không ai dùng đồ mà chị sản xuất ra do nó không có “hồn vía”. Những khoảng cách về văn hóa này là những bài học đầu tiên của chị Thảo, dù đã rất nhiệt thành nhưng phải nhận về sự mất mát cả thời gian lẫn tiền bạc.

Chị Lê bổ sung, việc gặp gỡ và học hỏi từ nhau là rất tự nhiên, việc chuyển từ sự thích thành những trải nghiệm cá nhân càng đáng quý, UNESCO có công ước về Bảo vệ và phát huy của các biểu đạt văn hóa để khuyến khích điều này. Vì vậy, nếu những sáng tạo đa văn hóa luôn bị nhìn là vi phạm, tận dụng, chiếm dụng, ăn cướp là rất không tự nhiên. Điều cần suy nghĩ là khi thực hiện sáng tạo ta nên làm như thế nào? Làm thế nào để không tạo nên những tổn thương cho cộng đồng? Làm thế nào để việc tái hiện văn hóa bởi người ngoài cộng đồng không tạo nên sự hiểu sai, gây hại tới cộng đồng đó?

Những giải pháp sau khi nhận ra sự khác biệt?

Sau khi chia sẻ về những khoảng cách lớn về tư duy, về cách làm, những bài học của việc tham gia vào cộng đồng quá nhanh; các khách mời chia sẻ về những giải pháp để có thể cùng hiểu và tạo cùng tham gia vào tiến trình sáng tạo sản phẩm giữa các bên.

Kiều Anh và anh Hân chia sẻ kỷ niệm trong quá trình làm tác phẩm “Hồn vía” năm 2020. Với mong muốn thị giác hóa quan niệm về hồn vía của người Thái, Kiểu Anh và nhóm nghệ sĩ sớm nhận ra sự khác biệt giữa hình dung về những thực thể siêu hình giữa các nghệ sĩ và cộng đồng. Một giải pháp cùng được đưa ra, cộng đồng sẽ tự vẽ lại hình dung về hồn vía của mình. Kết quả là những hình dung về hồn vía rất khác nhau: có người vẽ hồn vía tại cái tằng cẩu của người phụ nữ; có người vẽ hồn vía khi đi xa sẽ nhớ nhà, nhớ vườn và rừng cây; anh Hân thì vẽ hồn vía là rất nhiều những chấm nhỏ vô hình bao quanh người và tham gia mọi hoạt động của đời sống như hồn vía đi chơi, hồn vía làm tình… Những kết quả này, và những trao đổi liên tục giữa Kiều Anh và anh Hân đã tạo nên một tác phẩm thể hiện những hình ảnh siêu hình mà cả nghệ sĩ và thành viên trong cộng đồng cùng chia sẻ. Cần lưu ý rằng, việc sáng tạo từ những huyền thoại, niềm tin thường xuyên tạo nên gây ra những xung đột giữa cộng đồng thực hành văn hóa và người làm sáng tạo; là ví dụ điển hình về Chiếm dụng văn hóa trên thế giới như những bộ phim về người Châu Mỹ bản địa.

Chị Thảo chia sẻ về tiến trình tiếp cận với cộng đồng và xây dựng mối quan hệ giữa người làm sáng tạo và người thực hành văn hóa. Sau những thất bại đầu tiên, chị Thảo đã dành nửa năm để lên sống cùng cộng đồng Nùng An và tìm hiểu kiến thức về cách nhuộm Chàm ở các tộc người ở Việt Nam và trên thế giới và bắt đầu nhận ra những sai lầm cá nhân. Chị dần chấp nhận những điều khác biệt, chấp nhận cả những thử nghiệm thất bại; và sau 4 năm rưỡi, bộ sưu tập của chị mới hoàn thành. Đến nay, thương hiệu Kilomet 109 của chị rất đề cao việc đồng sáng tác, đồng sở hữu trong tiến trình thực hiện sản phẩm; việc ghi nhận vai trò của những nghệ nhân được nhấn mạnh vì những nghệ nhân cộng đồng có vai trò rất quan trọng và nhiều khi là quyết định kết quả của sản phẩm. Trong quan hệ với cộng đồng, cần dành nhiều thời gian, tiếp xúc và xây dựng lòng tin với nhau; khi có lòng tin thì khoảng cách giữa người trong và ngoài cộng đồng được thu hẹp hơn rất nhiều.

Anh Sô bổ sung rằng, khi làm việc với các cộng đồng thì luôn cần chậm. Những mong muốn và háo hức ban đầu có thể khiến người làm sáng tác chỉ hiểu những ý nghĩa bề mặt, đặt văn hóa ra ngoài bối cảnh và tạo nên những tái hiện sai văn hóa. Vậy nên, khi tiếp xúc với các cộng đồng khác mình là cần chậm, quan sát và học hỏi nền văn hóa mới. Đặc biệt cần lưu ý những yếu tố quyền lực giữa người đa số và người thiểu số; giữa những người sáng tác - được cho là chuyên gia, có quyền phát ngôn, quyền quyết định hơn  - với cộng đồng thực hành văn hóa. Để 

Để gợi ý cho người làm sáng tác, chị Lê chia sẻ bộ cẩm nang “Think before you appropriate” của đại học Simon Fraser, Canada về lưu ý các nghệ sĩ khi làm việc với người bản địa. Trong cẩm nang này, có quy trình thảo luận, thống nhất với người thiểu số trước khi làm sáng tác; ghi nhận sự đóng góp, sự tham gia của cộng đồng trong các giai đoạn nào của tiến trình làm sản phẩm; có sự tham gia của cộng đồng trong việc kiểm soát chất lượng của sản phẩm; chia sẻ lại lợi nhuận cho cộng đồng. 

Ở phía viện iSEE, anh Hải chia sẻ về sự quan trọng của những không gian thảo luận, tạo nên môi trường để các bên đều có thể lên tiếng một cách thoải mái. Bên cạnh đó, cần sự chủ động của các cộng đồng khi những sản phẩm văn hóa mới ra đời. Ví dụ điển hình là năm 2021, khi mẫu giày Bitis Miền Trung với thông tin thổ cẩm sai; anh Sô là người nhận ra, lên tiếng và ngay lập tức Bitis đã sửa những thông tin sai lệch đó. 

Người sáng tạo quan tâm tới chiếm dụng văn hóa, do sợ cộng đồng bị tổn thương hay do phải phòng vệ trước dư luận?

Câu hỏi của anh Sô mở ra thảo luận mới trong tọa đàm. Khi người làm sáng tác suy nghĩ về những nỗi sợ khi sáng tác. Nếu sợ cộng đồng bị tổn thương, sẽ nghĩ về việc làm thế nào, cùng làm việc ra sao để không ảnh hưởng tới cộng đồng thực hiện văn hóa. Còn khi sợ dư luận công kích, thì sẽ quan tâm tới hình ảnh của mình, sợ bị mất mặt trên truyền thông và tìm nhiều cách để phòng vệ. Những mối quan tâm (nỗi sợ) khác nhau tạo nên cách làm, cách tiếp cận khác nhau. Theo anh Sô, đây là câu hỏi cần thiết để thực hành sáng tạo trong bối cảnh đa văn hóa. 

Tiếp nối ý kiến của anh Sô, những câu hỏi của khán giả mở ra nhiều thảo luận thú vị: Trách nhiệm của người nghệ sĩ khi phát ngôn, liệu rằng chỉ có trách nghiệm trước khán giả của mình hay còn có trách nhiệm với cộng đồng thực hành văn hóa? Cảm nhận, gợi ý của anh Sô - là một người trong cộng đồng - với những sản phẩm văn hóa với chất liệu văn hóa của các cộng đồng dân tộc thiểu số?

Kết thúc tọa đàm, chị Nguyễn Thị Bích Tâm - khán giả tham gia tọa đàm chia sẻ quan điểm về những quyền lực ẩn luôn tồn tại trong xã hội, và đặc biệt trong các tương tác văn hóa giữa nhóm đa số và nhóm thiểu số. Khi đưa một cá nhân vào không gian khác lạ mà họ không thường nằm trong là đặt họ vào một không gian quyền lực mà cần quan tâm tới những tác động mà họ nằm trong không gian đó. Việc thảo luận về chiếm dụng văn hóa hay tiếp dụng văn hóa là cần thiết. Bởi ranh giới giữa chiếm dụng và tiếp dụng rất mỏng manh, cần thảo luận để nghĩ về những giải pháp thay vì làm một cách cẩu thả. Chị Tâm cũng nhấn mạnh về câu hỏi tại sao khi mong muốn tìm hiểu về những nền văn hóa khác mình. Bởi những điều “con người có, con người làm” có thể dễ nhận ra nhưng những điều “con người nghĩ” lại hàm chứa những nhân sinh quan, thế giới quan của cộng đồng mà luôn khó nhận ra. Cần đặt câu hỏi tại sao con người nghĩ như vậy, tại sao con người mang những niềm tin như thế - để hiểu hơn và để nhận ra những định kiến ẩn mà mình có thể mang.  

Previous
Previous

Tái hiện hình ảnh nam nữ thân mật trong phim “Vợ chồng A Phủ”: Liệu có đúng với văn hóa Mông?

Next
Next

Phản hồi chính thức từ tổ chức Y tế Thế giới Việt Nam về vấn đề bệnh lý hóa LGBTIQ+