Rào cản trong ngôn ngữ khi đi khám bệnh, chữa bệnh - Trách nhiệm thuộc về ai?

Luật khám bệnh, chữa bệnh đang trong quá trình sửa đổi và trình lên Quốc Hội cho ý kiến và dự kiến xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV vào tháng 10. 

Luật khám bệnh, chữa bệnh có tác động rất lớn đến hệ thống ngành y tế cũng như vấn đề chăm sóc sức khỏe của người dân, trong đó có người Dân tộc thiểu số, Mạng lưới Tiên Phong Vì Tiếng Nói Người Dân Tộc Thiểu Số đã có một buổi trao đổi cùng chuyên gia trong lĩnh vực luật khám bệnh, chữa bệnh đồng thời thảo luận nội bộ để cùng đưa ra ý kiến đối với những vấn đề vẫn còn bỏ ngỏ trong luật.

Qua quá trình thảo luận, nhóm nhận ra rằng rào cản ngôn ngữ giữa bác sĩ và bệnh nhân là người dân tộc thiểu số ở tại địa phương và đặc biệt là cơ sở khám chữa bệnh tuyến Trung Ương là một vấn đề ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và chất lượng sử dụng dịch vụ khám chữa bệnh của người dân tộc thiểu số. Dưới đây là những trải nghiệm cá nhân và quan sát của chính các thành viên Tiên Phong về vấn đề này:

Có thể thấy, rào cản ngôn ngữ có thể dẫn tới những hạn chế trong quyền tiếp cận các dịch vụ, thông tin tại bệnh viện, là một trong những nguyên nhân tạo nên phân biệt đối xử giữa nhân viên y tế và người khám chữa bệnh. Trong nghiên cứu “NHỮNG RÀO CẢN TRONG TIẾP CẬN CÁC DỊCH VỤ CHĂM SÓC SỨC KHỎE BÀ MẸ VÀ KẾ HOẠCH HÓA GIA ĐÌNH CỦA ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VIỆT NAM” được thực hiện bởi Trung tâm nghiên cứu của Trường Đại học Toronto, Canada và Viện Nghiên cứu Phát triển Mekong có chỉ ra, “Tại Kon Tum, những phụ nữ được phỏng vấn đã cho biết hầu hết các nội dung, thông tin và truyền thông về CSTS bằng tiếng Kinh (tiếng Việt), chứ không dùng ngôn ngữ địa phương và vì vậy họ không hiểu hoặc khó hiểu. nhiều phụ nữ thuộc một số DTTS không muốn đẻ tại cơ sở y tế vì thái độ tiêu cực của nhân viên y tế và những rào cản ngôn ngữ. Ví dụ, ở tỉnh Bắc Kạn, phụ nữ H'mông cảm thấy miễn cưỡng khi sinh ở trạm y tế xã vì họ không hiểu tiếng Kinh và các nhân viên y tế thường dễ cáu gắt và khó chịu vì điều đó”.


Chính bởi ngôn ngữ vẫn chưa được chú ý cũng như nhìn nhận xác đáng về vai trò và tầm quan trọng của yếu tố này trong luật khám bệnh, chữa bệnh, bởi vậy nhóm Tiên Phong đề xuất sửa đổi 

(1) Bổ sung thêm Điều 14 trong Chương II QUYỀN, NGHĨA VỤ CỦA NGƯỜI BỆNH và Mục 1 Quyền của người bệnh là “quyền được có người đại diện hợp pháp cho người bệnh gặp khó khăn trong ngôn ngữ giao tiếp và nhận thức trong đó có người dân tộc thiểu số không biết tiếng PT. (Liên quan tới Điều 21). 

 (2) Quyền được phiên dịch ngôn ngữ của các cộng đồng dân tộc thiểu số khi đi KCB tại các cơ sở y tế tại địa phương và Trung Ương. (Liên quan tới Điều 21)

Với đề xuất thứ nhất, nhóm Tiên Phong mong muốn người DTTS không biết tiếng phổ thông có thể có quyền được có người đại diện hợp pháp nhằm đứng ra trao đổi, thực hiện các thủ tục tại bệnh viện để quá trình khám chữa bệnh đạt kết quả tốt nhưng không gây rào cản về mặt thủ tục hoặc giao tiếp. 

Với  đề xuất thứ hai, nhóm Tiên Phong mong muốn các cơ sở y tế bắt đầu có trách nhiệm trong việc đảm bảo quyền được tiếp cận thông tin đối với tất cả người bệnh, trong đó có người DTTS bằng cách tính đến các phương pháp hỗ trợ phiên dịch cho người sử dụng dịch vụ y tế là người DTTS. 

Với đề xuất này, chúng tôi mong muốn người DTTS tại Việt Nam có quyền tiếp cận bình đẳng tới các dịch vụ công mà cụ thể ở đây là dịch vụ y tế, từ đó tiến tới xóa bỏ phân biệt đối xử trong bệnh viện và hướng tới nền dịch vụ công bao trùm và bình đẳng đối với tất cả mọi người. 

Previous
Previous

Quỹ CFLI và Viện iSEE đồng hành cùng các tổ chức cộng đồng

Next
Next

Bộ Y tế đưa ra ý kiến nhằm chấn chỉnh công tác khám bệnh, chữa bệnh đối với người đồng tính, song tính và chuyển giới