Quan điểm iSEE về các vụ việc bạo lực, phân biệt đối xử và định kiến đối với người LGBT

 

QUAN ĐIỂM iSEE VỀ CÁC VỤ VIỆC BẠO LỰC, PHÂN BIỆT ĐỐI XỬ VÀ ĐỊNH KIẾN VỚI NGƯỜI ĐỒNG TÍNH, SONG TÍNH, CHUYỂN GIỚI (THÁNG 5/2020)

Qua truyền thông, mạng xã hội, Viện iSEE có thông tin về một số vụ việc bạo lực, phân biệt đối xử với người đồng tính, song tính, chuyển giới (“LGBT”) tại Việt Nam trong thời gian gần đây. Chúng tôi quan ngại trước những định kiến sai lệch về xu hướng tính dục, bản dạng giới cũng như sự phân biệt đối xử, phát ngôn thù ghét hướng tới những cá nhân này. Điều này trước hết là hành vi vi phạm pháp luật, và đi ngược lại với chính sách bình đẳng và phương châm “không bỏ ai lại đằng sau” mà Việt Nam đang nỗ lực thực hiện.

1. Cặp đôi chuyển giới sinh con

Cặp đôi Minh Khang (người chuyển giới nam) và Minh Anh (người chuyển giới nữ) yêu nhau và quyết định cùng có con chung. Minh Khang là người mang thai vì anh không phẫu thuật cắt bỏ tử cung. Việc mang thai được tư vấn và theo dõi bởi các bác sĩ, với kết quả là đứa con đầu lòng của họ được sinh ra vào ngày 16/5/2020. Đây là một điều vui mừng với cặp đôi, tuy nhiên có một số bình luận tiêu cực về quyết định của họ liên quan tới sự kì thị mà đứa bé sẽ gặp sau này.

Chúng tôi thấy rằng cách duy nhất để mọi trẻ em được sống trong môi trường an toàn nhất là chính những người lớn xung quanh phải tạo ra sự an toàn đấy, xóa bỏ sự kì thị dựa trên bản dạng giới, xu hướng tính dục của cha mẹ trẻ. Sẽ là vô lý nếu đổ lỗi cho những người chuyển giới, song tính hay đồng tính làm bố mẹ mà quên đi trách nhiệm của chính cộng đồng là không được tạo ra sự phân biệt đối xử. Nghiên cứu của iSEE năm 2015 cho thấy quan niệm về gia đình “toàn vẹn, hạnh phúc” khiến những mô hình gia đình phi truyền thống như mẹ/bố đơn thân, đa chủng tộc, gia đình có bố mẹ ly hôn, gia đình có hai bố, hai mẹ… vẫn còn bị xem là “bất hạnh, lệch lạc.” Chính định kiến này, chứ không phải bản thân mô hình gia đình, mới khiến những đứa trẻ phải lớn lên trong môi trường không an toàn, cản trở sự phát triển toàn diện của trẻ [1] . Ở những môi trường tôn trọng sự đa dạng, không có sự khác biệt giữa con cái những gia đình đồng tính, chuyển giới với gia đình dị tính, hợp giới.[2]

Hình ảnh chỉ mang tính chất minh họa

Hình ảnh chỉ mang tính chất minh họa

2. Bạo hành với người LGBT trong gia đình

Trong tháng 5, tại Cần Thơ xảy ra vụ việc một bạn nữ LGBT vị thành niên bị gia đình giam giữ và đánh đập vì công khai mối quan hệ của mình với người yêu. Đây có thể chỉ là một trong rất nhiều vụ việc người LGBT bị bạo hành về thể chất cũng như tinh thần bởi chính gia đình, người thân của mình, nhất là trong thời gian dịch bệnh khi thời gian ở cùng gia đình tăng lên. Theo nghiên cứu “Có phải bởi vì tôi là LGBT” (2015, iSEE), gia đình là môi trường nơi người LGBT bị bạo hành và phân biệt đối xử với tần suất cao nhất. Các hành vi bạo lực như bị nhốt, cầm giữ, ép buộc hay gợi ý rời khỏi gia đình, bị đánh đập chiếm khoảng 13-14% tổng số người tham gia khảo sát. [3]

Các hành vi bạo hành và phân biệt đối xử nói trên là hành vi trái pháp luật (Điều 69 Luật Hôn nhân Gia đình, Điều 2 Luật Phòng, chống Bạo lực gia đình). Khoa học đã chứng minh việc cố gắng thay đổi xu hướng tính dục là không cần thiết, không có căn cứ, mà còn gây ra những tổn thương khó thể chữa lành. Trong một xã hội còn nhiều định kiến, một gia đình yêu thương và đối thoại cởi mở sẽ là chỗ dựa tình thần quý giá với những đứa con là người LGBT.


3. Về việc “chữa trị” đồng tính, chuyển giới

Gần đây xuất hiện một số bài viết, phỏng vấn về dịch vụ tư vấn hay dùng các can thiệp y tế, áp lực tâm lý để thay đổi cảm xúc của một người đồng tính, hay các liệu pháp “chữa trị rối loạn giới” với trẻ em chuyển giới. Đáng nói là bài viết này xuất hiện trên website của một bệnh viện lớn và cơ quan báo chí [4], hay trên các nhóm nuôi dạy trẻ theo các trường phái khác nhau trên mạng xã hội, nhưng tất cả cùng có nguồn gốc từ sự thiếu cập nhật kiến thức về xu hướng tính dục, bản dạng giới.

Năm 1990, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) loại đồng tính ra khỏi danh sách các bệnh tâm thần trong bản thứ 10 của Phân loại Quốc tế về Bệnh tật (ICD-10), công nhận những cảm xúc với người cùng giới là một phần tự nhiên, bình thường của tính dục con người. Năm 2019, WHO loại bỏ phân loại liên quan tới người chuyển giới ra khỏi chương về các Rối loạn Tâm lý và Hành vi trong ICD-11. Những nỗ lực “chữa trị” người LGBT bằng các biện pháp tâm lý cho tới trị liệu hoóc-môn trái với mong muốn của họ đã được chứng minh là không hiệu quả và bị phản đối bởi các tổ chức chuyên môn trên thế giới [5] . Trong y học thế giới lẫn Việt Nam, không có bất kì thứ gì gọi là “lệch lạc giới tính” đơn thuần gắn với việc tự nhận bản thân là người LGBT. Việc sử dụng một thuật ngữ không tồn tại như “lệch lạc giới tính” xuất phát chủ yếu từ những hiểu lầm và định kiến của cá nhân.

Kết

Những vụ việc kể trên là chỉ dấu cho thực trạng thiếu thông tin, kiến thức về người LGBT từ những người mà chúng ta tin tưởng và dựa vào như cha mẹ hay cán bộ y tế. Mỗi chúng ta cần có trách nhiệm tự giáo dục bản thân và những người xung quanh để có hiểu biết và thái độ đúng đắn, cũng như lên tiếng trước những thông tin sai lệch, kì thị hay bất công. Viện iSEE rất sẵn lòng cung cấp thêm các thông tin khoa học, nghiên cứu cho những cá nhân, tổ chức quan tâm.


CHÚ THÍCH

[1] https://baophapluat.vn/dan-sinh/nhieu-mo-hinh-gia-dinh-thi-cung-lam-noi-lo-293602.html

[2] http://www.thuvien.lgbt/s/iSEE_Factsheet_Dong-tinh_2013.pdf

[3] https://www.thuvien.lgbt/s/iSEE_Nghien-cuu-PBDX-dua-tren-SOGI.pdf

[4] https://vtv.vn/suc-khoe/roi-loan-gioi-tinh-o-tre-nhung-dieu-can-biet-20200102233734546.htm

 [5] http://www.thuvien.lgbt/s/iSEE_Factsheet_Dong-tinh_2013.pdf và http://www.thuvien.lgbt/s/iSEE_Factsheet_Chuyen-gioi_2013.pdf

Previous
Previous

Tôi Tin Tôi Có Thể 2020 - Dùng trái tim soi việc đúng

Next
Next

Dự án RAD – Nghiên cứu hướng tới chống phân biệt đối xử