Ngày nhận thức về người Liên giới tính (Intersex Awareness Day)
Nhiều người tại Việt Nam hẳn đã bắt đầu quen với thuật ngữ “LGBT.” Trên thế giới, thuật ngữ này được “nối dài” hơn với LGBTQI. Ở bài viết này, chúng ta sẽ có những tìm hiểu cơ bản nhất về chữ “I”: Intersex, mà ở đây dịch là “liên giới tính.”
Bài viết này sẽ giúp bạn có thêm một số thông tin:
- “Liên giới tính” là gì? Những biểu hiện của liên giới tính. Tại sao lại gọi là “liên giới tính.”
- Liên giới tính có nguy hiểm không? Có cần thiết phải phẫu thuật xác định giới tính của người liên giới tính hay không?
- Điểm khác biệt giữa người liên giới tính, chuyển giới và đồng tính?
- Quan điểm của pháp luật về xã hội về liên giới tính?
- Xu hướng trên thế giới và mong muốn của những nhà vận động quyền cho người liên giới tính là gì?
Ngày 26/10 là ngày Nhận thức về Liên giới tính, khởi nguồn từ thành phố Boston (Mĩ) vào năm 1996 nhằm kêu gọi một cuộc vận động chấm dứt sự tủi thẹn, giấu mình và các cuộc phẫu thuật thẩm mỹ gượng ép bộ phận sinh dục mà trẻ em liên giới tính phải trải qua. Các sự kiện ủng hộ ngày này có thể diễn ra trong suốt tháng 10 mỗi năm để khơi dậy sự quan tâm và hiểu biết về vấn đề ít được nhắc đến này.
Liên giới tính là gì?
Hiệp hội Tâm lý học Hoa Kì (American Psychological Association – APA) định nghĩa các trạng thái liên giới tính là “để chỉ tất cả những trạng thái dẫn đến sự phát triển không điển hình của các đặc điểm giới tính và sinh lý trên cơ thể. Những trạng thái này có thể liên quan đến những đặc điểm bất thường của các bộ phận sinh dục bên ngoài, các cơ quan sinh sản bên trong, nhiễm sắc thể giới tính, hoặc các hormone giới tính.”
Một số ví dụ về các trạng thái liên giới tính là:
• Các bộ phận sinh dục bên ngoài: Không phân loại được dễ dàng là của nam hay nữ.
• Các cơ quan sinh sản bên trong: Phát triển không hoàn chỉnh hay bất thường.
• Có sự không nhất quán giữa các bộ phận sinh dục bên ngoài và các cơ quan sinh sản bên trong.
• Có các đặc điểm bất thường về nhiễm sắc thể giới tính.
• Tinh hoàn hoặc buồng trứng phát triển không bình thường.
• Việc sản xuất hoóc-môn (nội tiết tố) giới tính trên hoặc dưới mức thông thường.
• Cơ thể không có khả năng phản ứng bình thường với các hormone giới tính.
Như vậy người liên giới tính không nhất thiết phải có biểu hiện rằng “có hai bộ phận sinh dục” hay “bộ phận sinh dục không rõ ràng.” Vì đặc điểm giới tính còn thể hiện cả ở những cơ quan không thấy được bên ngoài như tinh hoàn, tử cung, tuyến nội tiết, nhiễm sắc thể, hoóc-môn. Một người sinh ra với bộ phận sinh dục ngoài (dương vật, âm hộ...) trông hoàn toàn bình thường vẫn có khả năng là một người liên giới tính.
Hội người Liên giới tính Bắc Mỹ định nghĩa rằng “[l]iên giới tính là một thuật ngữ tổng quát để chỉ chung các trạng thái mà khi đó, về mặt tính dục hay sinh sản, một người sinh ra với một cơ thể không có vẻ phù hợp với các định nghĩa thông thường về người nữ hay nam.”
Tại Việt Nam, những người liên giới tính thường được gọi bằng “người có khuyết tật bẩm sinh về giới tính” tuy nhiên khái niệm này thiên về mô tả, nhưng cũng chưa mô tả đầy đủ các trạng thái của liên giới tính. Ngoài ra còn có một thuật ngữ khác là “lưỡng giới tính.” Tuy nhiên, cách gọi “lưỡng giới tính” dễ dẫn đến cách hiểu rằng “có 2 bộ phận sinh dục” trên cùng một cơ thể. Thực tế, người ta chưa ghi nhận trường hợp nào có bộ phận sinh dục của cả nam và nữ tồn tại đồng thời một cách hoàn chỉnh về cấu trúc và hoạt động. Các tình trạng liên giới tính là một sự trộn lẫn, mỗi cái chưa hoàn thiện, hoặc trong ngoài không khớp với nhau, hay một đặc điểm giới tính nào đó không điển hình. Vì vậy, cách dịch “liên giới tính” là phù hợp.
Các trạng thái liên giới tính có nguy hiểm không?
Nhìn chung, những người mang trạng thái liên giới tính không bị bệnh tật hay đau đớn. Tuy nhiên, một số trạng thái liên giới tính có gắn với các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng và cần được chữa trị. Mặt khác, việc phẫu thuật để "sửa chữa" đơn thuần về hình dạng của bộ phận sinh dục ngoài thì lại không giúp thay đổi được các vấn đề sức khỏe bên trong đó.
Phẫu thuật xác định lại giới tính – nên hay không?
Tùy vào trạng thái liên giới tính thuộc loại nào, việc phẫu thuật được tiến hành có khi là để bảo vệ mạng sống hay sức khỏe của người liên giới tính, có khi chỉ vì các mục đích thẩm mĩ hay xã hội. Phẫu thuật bộ phận sinh dục ngoài của người liên giới tính có thể gây ra các hậu quả tiêu cực cho chức năng sinh dục về sau hoặc khiến người đó có cảm giác khác biệt và không chấp nhận được bản thân mình; mà đáng lẽ nếu không phẫu thuật thì sẽ không bị. Trong các trường hợp khác, việc phẫu thuật lại giúp phòng tránh được các hệ quả tiêu cực trong đời sống về sau.
Ngành y khoa hiện nay vẫn kêu gọi cho giải pháp phẫu thuật để thay đổi cơ thể của người liên giới tính về lại trạng thái “bình thường” vì họ cho rằng các cá nhân cần phải được xác định rõ ràng là nam hay nữ để còn hòa nhập với xã hội về sau. Nhưng giải pháp này ngày càng gây nhiều tranh cãi vì có những người từng trải qua phẫu thuật khi nhỏ đã cho biết việc phẫu thuật như vậy khiến họ bị tổn hại về mặt thể chất, cảm xúc và tính dục khi lớn lên. Một số người thấy không hạnh phúc với giới tính xác định khi nhỏ đã lựa chọn phẫu thuật xác định lại giới tính khi lớn lên.
Những nhà vận động quyền và những chuyên gia là người liên giới tính đã phê bình sự cần thiết của các biện pháp can thiệp khi một người còn nhỏ, vì thiếu các nghiên cứu theo sau chứng minh ích lợi rõ ràng của các can thiệp đó và chính họ cũng đã dẫn ra các kinh nghiệm cá nhân do sự can thiệp gây nên. Các chuyên gia ở trường University College London vào năm 2001 đã công bố những chứng cứ cho thấy những tác hại có thể xảy ra sau khi tiến hành các can thiệp không phù hợp, và khuyến nghị nên hạn chế tối đa việc tiến hành phẫu thuật cho trẻ em liên giới tính.
Các văn bản về nhân quyền như Tuyên bố Montreal, Nguyên tắc Yogyakarta đã yêu cầu phải cấm việc phẫu thuật sau sinh, những ca phẫu thuật nhằm xác định giới tính một cách không cần thiết cho tới khi đứa trẻ đủ lớn để hiểu và tự quyết định. Nhìn chung, nên tránh tiến hành các cuộc phẫu thuật dạng không thể đảo ngược kết quả với trẻ em liên giới tính, như vậy khi chúng lớn lên sẽ có nhiều sự lựa chọn hơn về cơ thể và giới tính của bản thân.
Việc tiến hành phẫu thuật cho trẻ cũng không không đảm bảo các tiên đoán của người lớn về đứa trẻ là chính xác.
Điểm khác biệt giữa người liên giới tính, chuyển giới và đồng tính?
Tuy nhiên cần khẳng định ngay bảng so sánh trên là hết sức khập khiễng, vì chúng ta đang so sánh 3 khái niệm thuộc những phân loại khác nhau. Liên giới tính liên quan đến đặc điểm sinh học, chuyển giới liên quan đến việc ý thức về giới tính của bản thân, còn đồng tính lại liên quan đến xu hướng một người bị hấp dẫn về tình cảm, tình dục với đối tượng nào. Như vậy người liên giới tính cũng có thể là người chuyển giới hoặc đồng tính. Bảng so sánh trên chỉ để làm rõ những điểm cốt yếu (in đậm) của những bản dạng giới khác nhau.
Luật pháp Việt Nam đối với người liên giới tính (và chuyển giới) như thế nào?
Ngày 05/08/2008, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Nghị định số 88/2008/NĐ-CP về xác định lại giới tính cho người liên giới tính (mà Nghị định gọi là “người có khuyết tật bẩm sinh về giới tính hoặc giới tính chưa được định hình chính xác”). Nghị định này mở ra và đóng lại một số vấn đề:
- Mở ra cơ hội cho những người liên giới tính để phẫu thuật xác định giới tính.
- Đóng lại cơ hội cho những người chuyển giới để phẫu thuật thành giới tính mong muốn của mình. Dù không trực tiếp đề cập tới những người chuyển giới, nhưng vô hình trung đây là văn bản duy nhất tới thời điểm hiện tại có quy định một vấn đề của người chuyển giới.
Quan điểm ngầm trong Nghị định này là “nếu có khuyết tật bẩm sinh thì mới được phẫu thuật, còn nếu chỉ là mong muốn thì cấm.” Thể hiện ở Điều 4 khoản 1 nghiêm cấm “[t]hực hiện việc chuyển đổi giới tính đối với những người đã hoàn thiện về giới tính.” Như vậy, có 2 phát biểu khá phổ biến cần chấm dứt:
- “Đã cho phép chuyển đổi giới tính.” Đầy đủ hơn là “đã cho phép những người liên giới tính xác định giới tính.”
- “Cấm người đồng tính chuyển đổi giới tính.” Vì ở đây hoàn toàn không đề cập đến người đồng tính, và cơ bản thì người đồng tính không có nhu cầu chuyển đổi giới tính.
Có 2 phân tích nhỏ trong chính sách pháp luật này. Thứ nhất, cách dùng từ “xác định lại giới tính” là không chính xác. Không có sự “lại” nào ở đây cả. Người liên giới tính vốn dĩ sinh ra với trạng thái và đặc điểm cơ thể như vậy. Việc nghĩ rằng họ cần phải “xác định lại giới tính” thể hiện sự đóng khung của xã hội trong khuôn khổ “trắng – đen” mà không thừa nhận tồn tại của sự đa dạng. Một cách gián tiếp, điều này đặt ra một quan điểm áp đặt những gì không điển hình sẽ nên phải “xác định lại” để trở nên giống như số đông.
Thứ hai, trong phần Nguyên tắc (Điều 3) có một khoản rất quan trọng nói rằng: “Bảo đảm mỗi người được sống theo đúng giới tính của mình.” “Đúng” ở đây nên được hiểu như thế nào? Một đứa trẻ liên giới tính không hoặc chưa có nhu cầu nhưng được cha mẹ cho đi phẫu thuật từ bé, có phải là “sống đúng với giới tính” chưa? Còn một người chuyển giới mong muốn được chuyển đổi giới tính nhưng bị ngăn cấm, có phải là “sống đúng với giới tính” chưa?
Có một sự mâu thuẫn ở đây, xã hội đã nói với người liên giới tính rằng “tôi thấy anh không ổn, anh cần thay đổi” và nói với người chuyển giới rằng “tôi thấy anh ổn rồi, anh không cần thay đổi” mà không cần biết liệu những người này có ổn thật hay là không và mong muốn thật sự của họ là gì.
Quan điểm xã hội Việt Nam đối với người liên giới tính?
Hiện nay báo chí và mọi người khi nhắc đến những người liên giới tính đều thường dùng những cụm từ như "bi kịch", "trớ trêu", "nỗi đau", "thầm lặng” và xem đây là một khuyết tật cần phải can thiệp. Người liên giới tính cũng gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống (không xin được việc làm, khó tiếp cận các dịch vụ y tế).
Giải pháp duy nhất được nghĩ tới thường là xác định lại về 1 trong 2 giới tính. Nhưng chưa có nghiên cứu nào tại Việt Nam tìm hiểu liệu những biện pháp này có mang lại sự thoải mái cho bản thân người liên giới tính hay không và liệu đứa trẻ có quyền phát triển đến khi tự mình đưa ra quyết định cho cơ thể mình hay không.
Xu hướng trên thế giới và mong muốn của những nhà vận động quyền cho người liên giới tính là gì?
Phẫu thuật xác định lại giới tính chỉ là một phần trong những vấn đề mà một người liên giới tính phải trải qua. Các nhà vận động quyền cho người liên giới tính còn theo đuổi những mục tiêu như:
- Thay đổi mô hình điều trị cho người liên giới tính hiện nay, vốn dựa trên sự giấu diếm thông tin và áp đặt với đứa trẻ, bằng mô hình lấy người được điều trị làm trung tâm.
- Hỗ trợ tâm lý và hòa nhập xã hội cho cả trẻ em liên giới tính và các bậc phụ huynh, cũng như khuyến khích đối thoại chân thành và cởi mở.
- Loại bỏ những rào cản xã hội với người liên giới tính và các bậc phụ huynh thông qua giáo dục và nâng cao nhận thức.
Xu hướng hiện nay trên thế giới là giúp họ sống thoải mái với tình trạng của mình và xem đó như một trạng thái tự nhiên. Vì vậy, người liên giới tính thường đứng chung trong phong trào của LGBTQI, vì những mục tiêu mà những nhóm thiểu số này hướng đến là khá tương đồng nhau.