Liên minh vì bình đẳng giới và vận động chính sách với CEDAW

 

Ngày 8/8/2014, các mạng lưới hoạt động vì bình đẳng giới GENCOMNET, DOVIPNET và NEW tổ chức hội thảo lập kế hoạch cho việc hỗ trợ cho các tổ chức phi chính phủ hoạt hoạt động trong lĩnh vực bình đẳng giới trong việc tăng cường hợp tác và sử dụng công ước CEDAW cho việc vận động chính sách tại Việt Nam. Hội thảo có sự tham gia của hơn 30 đại diện đến từ các tổ chức tại Việt Nam và cơ quan hỗ trợ là UNWOMEN và Đại sứ quán Canada tại Việt Nam.

Tại hội thảo các đại biểu đã được nghe giới thiệu về tiến trình viết báo cáo bóng CEDAW trong các năm trước cũng như giới thiệu về tiến trình báo cáo gộp lần 7, lần 8 sắp tới của Việt Nam. Viện nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường (iSEE) góp thêm các ý kiến về việc quan niệm bình đẳng giới dựa trên cơ sở giới tính, bản dạng giới cũng như thể hiện giới.

Công ước Xoá bỏ Tất cả Các hình thức Phân biệt Đối xử với Phụ nữ (CEDAW) mà Việt Nam có tham gia, trong Khuyến nghị Chung Số 28 vào năm 2010 cũng đã giải thích “phân biệt đối xử với phụ nữ dựa trên giới và giới tính được gắn một cách không tách rời với các yếu tố khác ảnh hưởng tới phụ nữ như sắc tộc, dân tộc, tôn giáo, niềm tin, sức khoẻ, tầng lớp, địa vị, xu hướng tính dục và bản dạng giới.” Với khuyến nghị này, CEDAW đã mở rộng phạm vi “phụ nữ” ra cả những người đồng tính nữ, song tính nữ, chuyển giới nam sang nữ và cả chuyển giới từ nữ sang nam. Thực tế thì chính những nhóm này rất dễ bị phân biệt đối xử về giới bởi bản dạng giới của họ, nên cần thiết luật phải được quy định hoặc giải thích rộng hơn về khái niệm “giới” để bảo vệ quyền cho họ.

Những trường hợp bị phân biệt đối xử trên thực tế rất đa dạng và phong phú, từ việc từ chối cung cấp dịch vụ, hàng hóa, bị từ chối tuyển dụng, phân biệt đối xử trong công việc, sa thải, gặp khó khăn trong các thủ tục hành chính. Kỳ thị và phân biệt đối xử tại các cơ sở y tế, trường học có xảy ra, dù là hành vi bị cấm. (iSEE, 2010)

Trong pháp luật hình sự, người chuyển giới hay người đồng tính nam không được bảo vệ trong tội phạm hiếp dâm do có giới tính là nam trên giấy tờ. Môi trường tạm giữ, tạm giam cũng không phù hợp nếu áp dụng cứng nhắc theo đúng giới tính trên giấy tờ của họ, dễ dẫn đến nguy hiểm cho người chuyển giới bị tạm giữ, tạm giam hay giam giữ.

Hội thảo cũng lập kế hoạch và điều phối cụ thể cho hoạt động trong 12 tháng tới.


Previous
Previous

iSEE chia sẻ về truyền thông xã hội với các liên minh

Next
Next

Chuỗi sự kiện Việt Pride 2014 tại Hà Nội