“Kì thị, định kiến với người dân tộc thiểu số tại Việt Nam” – nghiên cứu Tiên Phong của Viện iSEE về vấn đề kỳ thị, định kiến với người DTTS
11 năm về trước đã có một nghiên cứu ra đời nhằm gỡ những “nút thắt” quan trọng và đóng vai trò gốc rễ trong vấn đề kì thị với người DTTS. Bắt đầu từ tháng 3/2010, với sự tài trợ của tổ chức Care quốc tế tại Việt Nam Oxfam Anh, iSEE bắt đầu thực hiện nghiên cứu “Kì thị, định kiến với người dân tộc thiểu số tại Việt Nam”. Nghiên cứu được thực hiện nhằm giải quyết tình trạng kì thị và định kiến đối với người DTTS, nghiên cứu được thực hiện nhằm đưa ra những bằng chứng và giải pháp giúp chính phủ cũng như các tổ chức phát triển.
Thời điểm đó có rất ít các nghiên cứu sâu về kì thị và định kiến đối với người dân tộc thiểu số và tác động của chúng tới việc xây dựng chính sách, cách thức thực hiện các chương trình, sinh kế và văn hoá của người dân tộc thiểu số. Không có nghiên cứu nào đưa ra các công cụ đo lường mức độ kì thị và định kiến với người dân tộc thiểu số cũng như nguyên nhân của sự kì thị với người dân tộc thiểu số tại Việt Nam.
Chính bởi lẽ đó mà sự ra đời của nghiên cứu “Kì thị, định kiến với người dân tộc thiểu số tại Việt Nam” của iSEE đóng vai trò tiên phong và quan trọng trong việc cung cấp nền tảng lý thuyết về vấn đề này. Nghiên cứu này được thực hiện với mục đích chung nhằm đảm bảo các chính sách và quá trình thực hiện các chính sách/chương trình sẽ có hiệu quả và đáp ứng nhu cầu kinh tế, văn hoá xã hội của người dân tộc thiểu số; và chính quyền địa phương không kì thị và định kiến với người dân tộc thiểu số. Hai câu hỏi được nghiên cứu quan tâm trả lời là: (i) Làm thế nào để đo lường được mức độ kì thị và định kiến đối với người dân tộc thiểu số trong xã hội Việt Nam? và (ii) Làm thế nào để đo lường được sự tự kì thị của người dân tộc thiểu số tại Việt Nam?
Sau khi được công bố, nghiên cứu đã chứng minh được tính hiệu quả và thiết thực của nó. Các kết quả của dự án này có ý nghĩa quan trọng vì nó đã được nhiều tổ chức khác nhau sử dụng trong công việc của họ. Đối với iSEE, nghiên cứu được sử dụng cho các nghiên cứu về kì thị và định kiến với người dân tộc thiểu số của chính quyền địa phương nơi người dân tộc thiểu số sinh sống. Đồng thời nó cũng được sử dụng cho nghiên cứu về sự tự kì thị của chính người dân tộc thiểu số.
Kết quả của nghiên cứu này cũng đã được sử dụng để nâng cao nhận thức về kì thị, định kiến và hậu quả cho công chúng cũng như những người xây dựng chính sách và chính quyền địa phương ở các cấp và có thể trợ giúp để thiết kế những chính sách và chương trình tốt, trong đó đảm bảo phát triển kinh tế bền vững, trao quyền và quyền văn hoá của người dân tộc thiểu số.
Đọc thêm các nghiên cứu về vấn đề định kiến tộc người:
(1) ĐỊNH KIẾN TỘC NGƯỜI: VÀI NÉT KHÁI QUÁT VÀ MỘT SỐ ĐỀ XUẤT CHO CÁC BƯỚC NGHIÊN CỨU TIẾP THEO
http://isee.org.vn/Content/Home/Library/307/dinh-kien-toc-nguoi-vai-net-khai-quat-va-mot-so-de-xuat-cho-cac-buoc-nghien-cuu-tiep-theo..pdf
(2) “THIỂU SỐ CẦN TIẾN KỊP ĐA SỐ”: Định kiến trong quan hệ tộc người ở Việt Nam
http://isee.org.vn/wp-content/uploads/2018/11/thieu-so-can-tien-kip-da-so-dinhkien-trong-quan-he-toc-nguoi-o-viet-nam..pdf