Hội Thảo "Nghe Từ Lòng Dân” – Hãy Tin Dân, Để Dân Tự Làm

Đó là thông điệp mà thành viên của mạng lưới Tiên Phong vì tiếng nói của người dân tộc thiểu số đã nhắc đi nhắc lại trong suốt sự kiện “Nghe từ lòng dân” – Hội thảo chia sẻ đánh giá giữa kỳ Chương trình Mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 – 2020, một hội thảo do chính họ đi khảo sát, thu thập tư liệu, chuẩn bị và thực hiện.

Với tên gọi “Nghe từ lòng dân”, hội thảo không đơn thuần là những phát biểu đánh giá chính sách mang tính học thuật mà đó là không gian mở để người dân gửi trọn “tiếng lòng” thông qua những câu chuyện thật, tâm sự thật của mình về trải nghiệm liên quan tới chính sách giảm nghèo quốc gia. Thông qua chương trình, nhóm Tiên Phong mong muốn tạo cầu nối để những nhà hoạch định và triển khai chính sách có cơ hội trao đổi, thảo luận với người dân về thực tế các chính sách giảm nghèo hiện hành.

Phần 1: Các công trình xây dựng tại địa phương – Chủ trương đã mở nhưng không gian tham gia cho người dân liệu đã thực sự mở?

Trong phần thảo luận mở đầu với chủ đề “Chủ trương đã mở, nhưng không gian cho người dân tham gia liệu đã thực sự mở?”, anh Má A Pho, chị Lý Thị Hồng Kiều và chị Trương Thị Thủy (những thành viên nhóm Tiên Phong thuộc các tỉnh Lạng Sơn, Thanh Hóa, Sóc Trăng) đã chia sẻ những câu chuyện thực tế về không gian tham gia giám sát và phản biện chính sách của người dân tại địa phương.

Chị Trương Thị Thủy – đánh giá công trình làm đường tại huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa chia sẻ sau quá trình đi khảo sát thì nhận được nhiều ý kiến trái chiều. Vì vậy, đến nay nhóm vẫn không biết chương trình nào hỗ trợ xây đường. Chị cho biết: “Lúc đấy Thủy nghĩ, tại sao mình cũng là một người dân mà mình không biết, không quan tâm đến các chương trình hỗ trợ tại địa phương”.

Hơn nữa, quá trình thiết kế và xây dựng thiếu sự tham gia giám sát và nêu ý kiến của người dân. Hậu quả là vào mùa lụt, con đường liên thôn dẫn qua nhiều con khe con suối gây ảnh hưởng nghiêm trọng cho cuộc sống và hoa màu của người dân. “Tại sao mình là người dân mà mình không biết, trong khi con đường có ảnh hưởng đến cuộc sống của mình và bà con mình?”, chị Thủy chia sẻ. Có trường hợp người dân trong thôn đi hỏi nhà thầu thì nhận được câu trả lời: “Đấy không phải việc của anh!”.

Một ví dụ khác là công trình mương nước ở xã Sa Pả, huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai. Anh cho biết bà con không được tham gia bàn bạc, cũng như không được trang bị các kỹ năng giám sát. Mương nước được xây vì thế mà không phù hợp với địa hình, vật liệu xây dựng kém chất lượng. “Có công trình là tốt, nhưng dân trăn trở công trình đó xuống cấp nhanh thì lãng phí. Người dân không được tham gia ngay từ đầu nên họ mặc kệ, mà không biết đường đi phản ảnh ở đâu”.

Cô Kiều đến từ Sóc Trăng lại mang một nỗi niềm khác. “Năm 2006, hai đứa con cô đang đi học, thậm chí không có tiền mua sách mà phải trả góp. Nhưng đến khi đi học thì bị rút hộ nghèo, sau đó phải nghỉ học, nhà bị cúp bảo hiểm đến mấy năm sau”, cô Kiểu chia sẻ câu chuyện của gia đình mình. Địa phương cô có nhiều chính sách hỗ trợ hộ nghèo như xây dựng nhà ở. Trớ trêu ở chỗ, có trường hợp khi đã nhận được hỗ trợ thì có nhà bị xóa khỏi danh sách hộ nghèo. Vậy là nhiều gia đình “bỗng dưng hết nghèo” mà không khỏi ngỡ ngàng.

Mặc dù chính sách đã “mở”, những không gian tham gia đánh giá và phản biện chính sách vẫn đang là câu hỏi lớn đối với các địa phương. Cô Kiều mong muốn được tiếp xúc với chính quyền cấp trên nhiều hơn, các cuộc họp thực sự cởi mở để người dân được nêu ý kiến. Chị Thủy cho biết: “Người dân địa phương biết địa hình, dòng chảy, họ biết tường con con khe, con suối thì sẽ biết làm đường thế nào cho phù hợp”.

“Hãy tin vào những người dân, hãy tin vào họ”, mong muốn của anh Pho có lẽ cũng là “tiếng lòng” của nhiều người dân khác.

Phần 2: Các chương trình hỗ trợ sản xuất – Một cách làm tốt hơn có thể tránh những lãng phí nào?

Tại phần 2 của buổi thảo luận, nhóm Tiên Phong đã cùng trao đổi về tính lãng phí trong cách thực hiện các chính sách giảm nghèo và những biênh pháp giảm tình trạng trên.

Tại huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn, nhiều hộ gia đình được hỗ trợ cây keo giống trong chương trình Giảm nghèo, mặc dù đăng kí lấy cây keo hạt nhưng các hộ lại được phát cây keo hom. Theo kinh nghiệm của người dân, cây keo hom dễ bị mối ăn và bán không được giá. Tuy vậy người dân vẫn nhận cây vì tâm lý “dự án cho thì tôi cứ nhận thôi” hay “sợ không nhận thì không được hỗ trợ nữa”. Các dự án hỗ trợ không đúng với nhu cầu của người dân, dẫn đến lãng phí chẳng phải câu chuyện riêng của tỉnh Lạng Sơn.

Anh Phan Anh Thái, đến từ Thái Nguyên cho biết gia đình anh cũng được hỗ trợ phân cách đây vài năm. “Ruộng của tôi 2 sào mà nhận được 3 tạ phân, mà chỉ có phân bón lót thôi, lót 3-4 năm nay vẫn không hết số phân ấy. Tôi thực sự thấy nó lãng phí của cả gia đình và Nhà nước”, anh nói. Không chỉ riêng anh mà nhiều hộ khác trong thôn cũng cảm thấy “lòng dân không thoải mái vì mình không được lựa chọn”.

Nói về nguyên nhân của vấn đề này, anh Ma Văn Hùng – thành viên nhóm Tiên Phong tại Lạng Sơn cho rằng sự lãng phí đến từ việc các dự án hỗ trợ không đúng nhu cầu của người dân. “Anh thì nghĩ phải hỗ trợ theo nhu cầu từng hộ một. Hỗ trợ như vậy thì tránh lãng phí cho dân. Tất cả chúng ta làm thế nào để đỡ lãng phí, người dân đóng thuế chứ đâu phải Nhà nước đâu. Tiền đấy là tiền của dân, mất của dân chứ không phải mất của Nhà nước”, anh Hùng phát biểu.

Chị Lường Thị Ngọc – thành viên Tiên Phong tại Thái Nguyên chia sẻ cùng quan điểm. Chị nhận thấy chính sách cần tham khảo tiếng nói của người dân, người làm chính sách cần tiếp xúc với nhân dân để tìm hiểu nhu cầu thực sự của họ. Chị nói thêm: “Chính sách làm đúng nhưng người dân không có sự lựa chọn, đem về không dùng được nhưng cứ đem về vì sợ không nhận thì sẽ mất, thiệt thòi cho gia đình mình”.

Có thể thấy “lòng dân” mong muốn được tự chủ, tự quyết trong việc xóa đói giảm nghèo cho chính gia đình mình. Chú Kray Sức – thành viên Tiên Phong tại Quảng Trị nhấn mạnh các dự án muốn hiệu quả thì cần dựa vào sức cộng đồng.

“Vẫn phải từ dân, tin vào dân để người dân tự đi trên đôi chân của người ta”, anh Hùng nói. Theo anh, dự án muốn cho người dân “cần câu”, tuy nhiên không phải gia đình nào cũng giỏi câu cá, mà mỗi hộ lại có thế mạnh riêng của mình. Anh nói thêm: “Phải khuyến khích tính tự chủ, tự làm của người dân chứ đừng nghĩ “cho” người ta cái này, “cho” người ta cái kia”.

Phần 3: Thảo luận cùng chuyên gia

“Tôi tự đặt ra trong đầu mình nhiều câu hỏi. Tại sao một chủ trương Nhà nước đầu tư với tâm huyết như thế lại lãng phí như thế? Từ bao giờ chúng ta phải cay đắng nói một câu “chúng tôi không muốn bị thoát nghèo”? Từ bao giờ chúng ta phải sống với nhiều áp lực như thế? Từ bao giờ chúng ta coi người giàu là đẳng cấp trên và đi dạy người nghèo”.

Đó là tâm sự PGS. TS. Phạm Quỳnh Phương (Viện Nghiên cứu Văn hóa – Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) sau khi nghe những câu chuyện từ bà con.

Theo chị Phương, những bất cập của chương trình giảm nghèo xuất phát từ mối quan hệ quyền lực giữa Nhà nước và người dân. Đã từ lâu Nhà nước được coi như “người cha”, vì thế người dân cho rằng mình không có quyền đòi hỏi. Mối quan hệ này dẫn đến những định kiến như “người dân biết gì mà hỏi” hay “người ta là cán bộ còn mình là dân”. Cán cân quyền lực này không chỉ khiến người dân trở nên phụ thuộc mà còn khắc sâu thêm định kiến của xã hội về người nghèo, người dân tộc thiểu số hay các nhóm yếu thế nói chung. Bên cạnh đó, việc phân loại hộ nghèo còn phá vỡ sự tương trợ trong cộng đồng, khi các hộ cạnh tranh một suất “hộ nghèo”.

TS. Hoàng Cầm, Viện Nghiên Cứu Văn HóaTS. Hoàng Cầm, Viện Nghiên Cứu Văn Hóa

Anh Hoàng Cầm, Viện Phó Viện Nghiên cứu Văn hóa nhận xét những bất cập ở đây có thể xuất phát từ lợi ích nhóm, nhưng cốt lõi vẫn là quan điểm “mình nghĩ mình hơn người ta, mình giỏi hơn nên mình có thể thiết kế những cái mình cho”. Anh Cầm liên tưởng đến một nghiên cứu của mình ở Tây Nguyên: “Họ nghĩ người Cơ Ho cần phân, nhưng nhiều người nhận xong rồi bán đi. Thực tế họ nghèo vì không có đất chứ không phải họ không biết cách làm ăn”. Cách “cho” như vậy chỉ càng làm nhân lên định kiến rằng người nghèo không biết làm ăn. Thậm chí, nếu gia đình nào không nhận hỗ trợ thì bị coi là không nỗ lực vươn lên thì không ai thương xót cả.

Câu chuyện "cho và nhận" gợi nhiều suy nghĩ cho tất cả những người trong cuộcCâu chuyện “cho và nhận” gợi nhiều suy nghĩ cho tất cả những người trong cuộc (Ảnh: iSEE)

Anh Cầm tin rằng sự tham gia của người dân cùng với tri thức bản địa giàu có sẽ giúp các chương trình giảm nghèo có thể hỗ trợ tốt hơn cho người dân. Chị Phương kiến nghị các dự án hay chương trình giảm nghèo cần làm sao để củng cố nội lực của người dân và cộng đồng.

“Tôi tin vào nội lực của cộng đồng, vì những cộng đồng tồn tại qua nhiều thăng trầm trong lịch sử thì nội lực của họ rất mạnh mẽ. Vậy thì chúng ta làm sao để tăng thêm cái nội lực ấy thay vì làm suy yếu nội lực đó”, chị Quỳnh Phương nhấn mạnh.

Sau những câu chuyện được kể từ những quan sát, trải nghiệm, thấu hiểu và đồng cảm; bỏ qua những lời “nghi ngờ” của những người chưa hiểu mình; quên đi những lần phải lựa chọn giữa việc riêng và việc nhóm; đó là hình ảnh trưởng thành của nhóm Tiên Phong khi họ tự chủ đứng ra tổ chức chương trình, tự tin đứng trên sân khâu nói lên nỗi lòng của người dân và trả lời những câu hỏi của các khách mời và tự hào vì họ là thành viên của nhóm Tiên Phong độc lập.

Chị Nguyễn Thị Bích Tâm – người đã đồng hành cùng nhóm Tiên Phong từ thuở sơ khai đến nay đã gần 10 năm đã không khỏi xúc động khi thấy những “bà con” yêu quý của mình đứng trên sân khấu tự tin tỏa sáng với ánh mắt kiên định và lời nói mạch lạc. Chị chia sẻ “Tôi thấy họ rất khác”.

Các thành viên nhóm Tiên Phong tự tin trả lời các câu hỏi của phóng viênCác thành viên nhóm Tiên Phong tự tin trả lời các câu hỏi của phóng viên (Ảnh: iSEE)

Hình ảnh của Tiên Phong cũng giống như một ví dụ điển hình cho điều-dân-có-thể-làm-được nếu được tin tưởng và hỗ trợ về mặt xây dựng kỹ năng. Đó chính là điều mà của Viện Nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường (iSEE), Cơ quan Viện trợ Ireland (Irish Aid), Tổ chức CARE Quốc tế (CARE International), Trung tâm nâng cao năng lực cộng đồng (CECEM), luôn hướng đến, tin tưởng vào cộng đồng và cùng họ xây dựng kỹ năng để họ có thể tự đại diện cho tiếng nói của cộng đồng mình.

Buổi hội thảo đã khép lại với hy vọng chính quyền và xã hội có thể "Tin vào dân và để dân tự làm"Buổi hội thảo đã khép lại với hy vọng chính quyền và xã hội có thể “Tin vào dân và để dân tự làm” (Ảnh: iSEE)

Hành trình của nhóm Tiên Phong vì tiếng nói người dân tộc thiểu số vẫn tiếp diễn, họ sẽ đi xa và bước lên những bậc trưởng thành cao hơn nữa, chỉ cần chúng ta tin vào họ và đồng hành cùng họ lan tỏa những giá trị tốt đẹp ấy đến cộng đồng.

Previous
Previous

Tọa đàm chính sách “8 tiếng công bằng”

Next
Next

Thị trấn BUBU 2018 – Vùng đất vĩnh cửu của tình yêu