Hành trình vận động ra đời luật chuyển đổi giới tính tại Việt Nam

 

Suốt nhiều thập kỷ qua, cộng đồng người đồng tính, song tính và chuyển giới đã không ngừng tranh đấu vì những quyền họ xứng đáng được hưởng, trong đó có quyền về bình đẳng và tôn trọng sự đa dạng giới.

Ai sinh ra cũng có quyền bình đẳng, nhưng thực tế, không phải ai cũng được hưởng những quyền đúng nghĩa đó. Cộng đồng những người LGBT nói riêng và các nhóm người yếu thế nói chung đã, đang và sẽ phải trải qua một hành trình dài để tiến đến việc thiết lập được sự bình đẳng toàn vẹn trong xã hội.

Sự hiện diện của người LGBT trong luật pháp hiện hành

Hiện nay, vấn đề pháp lý với người LGBT vẫn đang là một câu hỏi lớn. Luật sư Trịnh Quang Chiến đến từ Trung tâm Hỗ trợ và Tư vấn Pháp luật cho biết: “Pháp luật Việt Nam đã ghi nhận quyền của người LGBT, theo quan điểm cá nhân của tôi, đó là một bước tiến dài. Luật Hôn nhân gia đình năm 2000 nghiêm cấm những người kết hôn cùng giới tính, đến năm 2014 thì không cấm người đồng tính sống chung với nhau, nhưng nhà nước cũng không thừa nhận hôn nhân cùng giới tính.

Luật sư Đinh Hồng Hạnh chia sẻ về luật cho người chuyển giới tại Việt Nam. Ảnh: CLB Nhà tư vấn Luật LCC – FTU.

Luật sư Đinh Hồng Hạnh chia sẻ về luật cho người chuyển giới tại Việt Nam. Ảnh: CLB Nhà tư vấn Luật LCC – FTU.

Là một luật sư đã có 5 năm kinh nghiệm tư vấn pháp luật cho các tổ chức phi chính phủ và các tổ chức, các nhóm Xã hội Dân sự tại Việt Nam, diễn giả Đinh Hồng Hạnh nhận định: “Trong văn bản pháp luật Việt Nam nói chung, hiện tại chưa có một văn bản quy phạm pháp luật thống nhất nào đề cập đến những khái niệm về xu hướng tính dục, bản dạng giới hay thể hiện giới. Nguyên tắc đề cập trong pháp luật khi liệt kê đến các nhóm khác nhau thường là các nhóm đối tượng hoặc các nhóm đặc điểm về vùng miền. Khi nhắc đến phân biệt đối xử, pháp luật sẽ dựa trên chủng tộc, giới tính, xuất thân, màu da”.

Bởi sự hiện diện của người LGBT chưa thực sự rõ trong luật pháp, nên bản thân họ phải đối diện với không ít khó khăn, trở ngại và thiệt thòi trong công việc và cuộc sống. Đơn cử như việc chuyển đổi giấy tờ nhân thân đối với người chuyển giới. Khi phải sống trong tình cảnh “thân con gái, giấy tờ con trai”, những người chuyển giới phải chấp nhận việc mất đi rất nhiều cơ hội xin việc làm. Chưa kể đến những tình huống khó xử khi sinh hoạt tại nơi công cộng mỗi ngày, việc sử dụng WC cũng trở thành vấn đề nan giải.

Người chuyển giới đang đối mặt với nhiều trở ngại trong pháp lý. Ảnh: Theo ANTĐ.

Người chuyển giới đang đối mặt với nhiều trở ngại trong pháp lý. Ảnh: Theo ANTĐ.

Chưa có định nghĩa chính xác về ‘chuyển đổi giới tính’

“Bộ luật dân sự sửa đổi năm 2014 đã thừa nhận quyền chuyển đổi giới tính, tuy nhiên, trong bộ luật, việc định nghĩa về chuyển đổi giới tính hay chuyển đổi như thế nào mới được gọi là chuyển đổi giới tính (chỉ sử dụng hoocmon, thay đổi ngoại hình hay phải thực hiện phẫu thuật ở các phần đặc điểm nhận dạng giới tính mới được coi là chuyển đổi giới tính) thì các luật đó vẫn chưa ra đời”, theo luật sư Đinh Hồng Hạnh.

Các chuyên gia và luật sư hoạt động về quyền LGBT cũng cho biết, hiện đang có “cuộc chạy đua” về pháp luật mà Trung tâm ICS; Viện nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường (iSEE); Bộ y tế cùng các cơ quan liên quan tham gia, dự kiến sẽ có tên là “Luật chuyển đổi giới tính”. Trong đó, sẽ lý giải cụ thể về các tiêu chí thừa nhận cũng như việc chuyển đổi trên giấy tờ cho người chuyển giới tại Việt Nam.

Ông Trần Khắc Tùng, Giám đốc ICS cung cấp thêm thông tin về tiến trình vận động luật cho người chuyển giới: “Chúng tôi đang nghiên cứu về việc định nghĩa như thế nào là chuyển đổi giới tính. Về phía cộng đồng, chúng tôi mong muốn các điều kiện càng cởi mở bao nhiêu càng tốt bấy nhiêu. Bởi vì không phải người chuyển giới nào cũng có đủ điều kiện về sức khỏe, tâm lý, kinh tế để thực hiện phẫu thuật toàn diện”.

Ông Trần Khắc Tùng, Giám đốc ICS. Ảnh: Một thế giới

Mặt khác, bàn về vấn đề chống phân biệt đối xử trong bộ luật hiện hành, diễn giả Lê Phan Anh Thư, cán bộ Chương trình Quyền LGBT tại Viện Nghiên Cứu Xã Hội – Kinh Tế & Môi Trường (ISEE) chia sẻ: “Tất cả những nỗ lực của chúng tôi là đưa thêm 8 từ vào Điều 8, Bộ Luật Lao động chống phân biệt đối xử dựa trên “xu hướng tính dục và bản dạng giới””.

Các nhà vận động quyền cho rằng không nên đưa vào luật vấn đề chống phân biệt đối xử với một người LGBT, bởi vì không có giấy tờ nào xác nhận một người là LGBT, mà phải dùng những thể hiện rất đặc trưng mà bất kỳ một nhóm nào, trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng có thể gặp phải.

Luật sư Đinh Hồng Hạnh khẳng định: “Khi những nhà làm luật trao cơ hội bình đẳng hơn với nhóm đối tượng thiểu số mà chúng tôi đang vận động, đồng nghĩa với 2 việc. Thứ nhất, mở rộng được nhận thức về việc những nhóm thiểu số có thể được tôn trọng và bảo vệ. Thứ hai, việc bảo vệ một nhóm này, cũng có nghĩa bảo vệ thêm cho những nhóm khác. Không có nguyên tắc bảo vệ quyền nhóm này thì hạn chế quyền của nhóm khác”.

An Nguyên  (Đời sống & Pháp lý)

Previous
Previous

Hành trình hiểu về nhau – nơi những người con LGBT thấu hiểu nỗi lo sợ của cha mẹ

Next
Next

Quyền lực trong mối quan hệ của các cặp đôi đồng tính, song tính và chuyển giới