Góp ý xây dựng chính sách chương trình Mục tiêu quốc gia: Tiếng nói từ Viện iSEE và Mạng lưới Tiên Phong
Vào ngày 4/11/2021, Viện iSEE và Mạng lưới Tiên Phong vì tiếng nói người dân tộc thiểu số Việt Nam đã cùng tham gia đóng góp ý kiến trong buổi tham vấn về Dự thảo thông tư hướng dẫn một số dự án, tiểu dự án thuộc chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi 2021 đến 2030. Buổi tham vấn được tổ chức bởi Nhóm công tác về dân tộc thiểu số (EMWG) với sự tham dự của ông Đặng Tiến Hùng - Phó Vụ trưởng, Phó chánh Văn phòng Điều phối Chương trình Mục tiêu quốc gia, Ủy ban Dân tộc - đơn vị ban hành và hướng dẫn thực hiện một số dự án trong chương trình. Cùng với đó là sự tham gia của đại sứ quán và các tổ chức phát triển hoạt động trong mảng DTTS như đại diện Irish Aid Việt Nam, tổ chức CARE International, CISDOMA, Healthbridge.
Qua hơn 4 tiếng làm việc trực tuyến sôi nổi, buổi tham vấn đã thực sự thể hiện tinh thần cầu thị, thẳng thắn trao đổi và tích cực xây dựng của các bên liên quan, đặc biệt là ý kiến đóng góp khách quan và sát thực của 7 thành viên đại diện Mạng lưới Tiên Phong đến từ các dân tộc Pà Thẻn (Hà Giang), Chăm (Ninh Thuận), Khmer (Sóc Trăng), Thái (Nghệ An), Tày (Thái Nguyên), Mông (Yên Bái), Mường (Thanh Hóa), Ê đê (Dak Lak), Sán Dìu (Vĩnh Phúc).
Hiểu được những vấn đề từ chính cộng đồng, các thành viên Mạng lưới Tiên Phong đã đưa ra những góp ý để hoàn thiện dự thảo.
Trong dự án 1 về việc Giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, cô Nguyễn Thị Điềm bày tỏ quan điểm:
‘Mức hỗ trợ xây nhà và làm giếng trong các công đồng đang bị thấp so với nhiều địa phương. Do điều kiện địa lý ở từng nơi rất khác nhau nên việc một ngôi nhà được xây nên không có giá chung. Bên cạnh đó, việc hỗ trợ người dân vay tiền xây nhà có thể trở thành gánh nặng về nợ khi người dân địa phương không đủ khả năng trả.’
Tái định cư là một vấn đề được nhiều người dân quan tâm, liên quan trực tiếp đến đời sống - kinh tế của mỗi gia đình và cộng đồng. Góp ý trong dự án 2 về về quy hoạch, sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư ở những nơi cần thiết, Anh Giàng A Bê (Yên Bái) chia sẻ:
‘Việc sắp xếp ở xen ghép giữa người tái định cư và người dân tại chỗ rất dễ tạo nên mâu thuẫn trong cộng đồng. Khi người tới tái định cư được phân lại đất từ những gia đình ở trước đó. Nên việc bố trí ở xen ghép theo quy hoạch thôi chưa đủ. Cần đảm bảo sự thảo luận, tham vấn và đồng thuận của người dân tại chỗ và người dân di cư, tái định cư.’
Về dự án 9 liên quan tới đầu tư phát triển nhóm dân tộc rất ít người và nhóm dân tộc còn nhiều khó khăn, chị Tải Thị Mai (Hà Giang) nêu ý kiến:
‘Về việc sưu tập văn hóa của các dân tộc ít người, cần đi kèm nghiên cứu và phát triển. Bên cạnh đó, việc lựa chọn văn hóa đặc sắc của cộng đồng cần do cộng đồng đề xuất lên, bởi cộng đồng là những người biết rõ nhất đâu là điều quan trọng, đặc sắc cần phát huy.’
Liên quan tới dự án 10 về phổ biến, giáo dục pháp luật và tuyên truyền, vận động đồng bào, anh Sầm Công Danh - người Thái và anh Sohaniim - người Chăm, đã đưa ra quan điểm mong muốn góp ý cho dự thảo.
"Đảm bảo tinh thần nhân văn và phù hợp văn hoá tộc người trong hoạt động thực hiện tuyên truyền pháp luật cho người dân, cần khảo thêm về quan điểm và các thực hành tuyên truyền quy định về quản lý tộc người của các cộng đồng"
Buổi tham vấn thể hiện vai trò cần thiết của sự tham gia của người dân trong quá trình làm luật. Những đóng góp của người tham gia đến từ nhiều vị trí khác nhau giúp nội dung thông tư được nhìn nhận và thảo luận đa chiều đa chiều. Đây là một điểm mốc và là bước tiến quan trọng trong tiến trình xây dựng và đóng góp cho dự thảo Thông tư, tiến tới hoàn thiện và xây dựng một Thông tư gần gũi với người dân, phù hợp với nhiều vùng địa lý và văn hóa khác nhau, hướng tới triển khai hiệu quả chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.