Đối thoại trực tiếp giữa cộng đồng LGBT và Đại biểu Quốc hội – Nhiều phản hồi tích cực
Hội thảo “Người đồng tính, song tính và chuyển giới (LGBT): Quy định pháp luật và quan điểm của cộng đồng” ngày 10/05/2013 do Viện Nghiên cứu Lập pháp của Ủy ban thường vụ Quốc hội và Viện Nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường (iSEE) đồng tổ chức đánh dấu một bước tiến rất quan trọng trong quá trình vận động quyền cho cộng đồng người LGBT. Đây là cuộc họp đầu tiên được tổ chức bởi một cơ quan thuộc Quốc hội có tiếp xúc trực tiếp và gần gũi nhất với cộng đồng LGBT và gia đình họ. Cuộc họp có sự tham gia của nhiều đại biểu quốc hội thuộc các Ủy ban khác nhau, và thu hút một lượng lớn phóng viên truyền thông.
Khai mạc hội thảo, Tiến sĩ Đinh Xuân Thảo, Viên trưởng Viên Nghiên cứu Lập Pháp phát biểu:“Tại Việt Nam, theo điều 52 Hiến pháp năm 1992: Mọi công dân đều bình đẳng trước Pháp luật, đồng nghĩa với việc không cho phép sự kì thị hay phân biệt đối xử dựa trên bản dạng giới hay xu hướng tính dục. Tuy nhiên trên thực tế, vẫn còn khoảng trống và bất cập trong chính sách pháp luật đối với quyền của cộng đồng LGBT.”
“Đây là thời điểm thích hợp để thảo luận về quyền của người đồng tính, song tính và chuyển giới khi mà Việt Nam đang được bạn bè quốc tế coi như nước tiên phong trong khu vực bàn về vấn đề có công nhận hay không hôn nhân đồng giới. ” Ông Lê Quang Bình, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường iSEE chia sẻ.
Đến với cuộc hội thảo, các đại biểu của cơ quan nhà nước được chia sẻ các kiến thức về cộng đồng LGBT mà theo ông Hoàng Văn Tú:” Là những kiến thức mới, đa dạng và hấp dẫn khiến nhiều Đại biểu Quốc hội phải sắp xếp thời gian để tham gia.”
Ông Lương Thế Huy với những khái niệm cơ bản về tính dục khẳng định đồng tính, song tính và chuyển giới không phải là bệnh, mà xu hướng phát triển tự nhiên của con người. Đồng tính không phải một trào lưu hay thói tập nhiễm.”Nếu xu hướng tính dục là thói tập nhiễm, vậy người đồng tính cũng có thể tập nhiễm dị tính.” Ông Huy phát biểu
Sử dụng các nghiên cứu về sự ảnh hưởng của hôn nhân đồng giới đến hạnh phúc gia đình và xã hội tại các nước đã công nhận hôn nhân đồng giới trên thế giới như Bắc Âu, Canada, Tiến sĩ Nguyễn Thu Nam (Viện chiến lược và chính sách Y tế) cho thấy hôn nhân đông giới không ảnh hưởng đến giá trị gia đình truyền thống, dân số cũng như quan niệm về hôn nhân truyền thống. Các nghiên cứu cũng cho thấy việc công nhận hôn nhân đồng tính có thể mang lại những phát triển tích cực cho trẻ em là con của cha mẹ đồng tính khi sự bình đẳng, tôn trọng quyền cá nhân, quyền con người được đề cao. Cả cộng đồng những người đồng tính và xã hội tại các nước Bắc Âu và Canada cũng được hưởng lợi khi nghiên cứu cho thấy công nhận hôn nhân đồng giới làm giảm nguy cơ các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục, giảm sự tự kỳ thị, nâng cao sự tự tin và sức khỏe tinh thần.
Bên cạnh những nghiên cứu khoa học, các đại biểu tham dự buổi hội thảo còn được trực tiếp lắng nghe những câu chuyện chân thực từ các cá nhân trong cộng đồng LGBT. Những câu chuyện xen lẫn giữa niềm vui và nước mắt này đã khiến nhiều đại biểu có cái nhìn rõ hơn về cộng đồng LGBT. Sau đây là một số hình ảnh và câu chuyện:
Chị Yến và chị Hương, một gia đình đồng tính nữ cũng có những hạnh phúc, khó khăn về đời sống tinh thần và vật chất như bao gia đình dị tính khác. Tuy nhiên điều mà hai chị lo lắng nhất là con gái 2 chị có bị kì thị và phân biệt đối xử không khi chưa có luật công nhận hôn nhân của 2 mẹ cháu, cũng như xã hội vẫn còn nhiều định kiến về người đồng tính.
Sau những câu chuyện, buổi hội thảo được chứng kiến những phản hồi rất tích cực từ phía các đại biểu:
Ông Nguyễn Minh Thuyết, Nguyên phó chủ nhiệm ủy ban Văn hóa, Giáo dục thanh thiếu niên và nhi đồng chia sẻ: “Xã hội Việt Nam có nhiều rào cản đó là tâm lý và nhiều định kiến, đơn giản như việc người Kinh lấy người dân tộc, người Việt lấy người Tây phương, bà mẹ đơn thân trước đây cũng chịu nhiều định kiến. Tuy nhiên pháp luật cần phải đi trước để định hướng. Cần phải đảm bảo được sự tiến bộ, như ở nước ngoài đã có thủ tướng là người đồng tính công khai”
Ông Trần Ngọc Vinh, đại biểu quốc hội phát biểu:” Đây là lần đầu tiên tôi được chứng kiến trực tiếp những câu chuyện bên trong cộng đồng. Đây là những vấn đề thực tế và được xã hội quan tâm, nhà nước cần phải xem xét.”
Bà Lê Thị Nga,Phó Chủ nhiệm Ủy Ban Tư pháp cũng khẳng định vấn đề đồng tính là tồn tại khách quan, cần phải xem xét một cách nghiêm túc. Bà Nga cho rằng đây là một cuộc hội thảo rất ý nghĩa, cung cấp nhiều thông tin bổ ích. Bà Nga cho rằng cần phải cung cấp các thông tin này cho đại biểu quốc hội, vì khi đưa Luật hôn nhân gia đình ra thảo luận, cần nhiều người hiểu biết hơn nữa để ủng hộ.
Trong thảo luận, các đại biểu quốc hội đều cho rằng Nhà nước cần phải xem xét việc bảo vệ quyền của người đồng tính, song tính và chuyển giới một cách chính thức. Các đại biểu cũng cho rằng cách tổ chức hội thảo rất hiệu quả. Lần đầu tiên họ được nghe kiến thức đúng về xu hướng tính dục và bản dạng giới. Đặc biệt, nhiều người trong số họ lần đầu tiên được tiếp xúc và lắng nghe tâm tư của người đồng tính, song tính, chuyển giới và gia đình họ. Như vậy, họ sẽ hiểu vấn đề hơn, đặc biệt nghe được tiếng nói của người trong cuộc, những người sẽ chịu ảnh hưởng trực tiếp khi luật được thông qua.