Đánh giá tác động Dự án Bộ luật Dân sự (sửa đổi) với người chuyển giới

 

Trong các ngày 27-29/7/2014, Bộ Tư pháp, với sự hỗ trợ của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID), đã tổ chức Hội thảo “Về một số nội dung cơ bản trong Bộ luật Dân sự (sửa đổi) dưới góc độ đánh giá tác động dự án luật” tại thành phố Hạ Long, với tham luận, trình bày của gần 10 chuyên gia đầu ngành về pháp luật dân sự tại Việt Nam và thảo luận của hơn 30 chuyên gia pháp lý, tổ biên tập của dự án Bộ luật Dân sự sửa đổi. Viện nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường (iSEE) tham gia với tư cách thành viên từ các tổ chức xã hội, nghiên cứu về phương pháp đánh giá tác động dự án luật lên các nhóm thiểu số thiệt thòi nói riêng và chi phí xã hội nói chung.

Hội thảo đã dành một nửa ngày để nghe thuyết trình và thảo luận về vấn đề khảo sát tác động của dự án luật (RIA) nói chung và của Bộ luật Dân sự sửa đổi nói riêng. Trong buổi sáng này đã có những phân tích nhất định về tác động của Bộ luật tới nhóm yếu thế. Các chuyên gia tư vấn của GIG cũng đã phát biểu nhấn mạnh sự cần thiết phải chú ý đến việc bảo đảm hiệu quả các quyền và lợi ích hợp pháp về dân sự của các nhóm yếu thế khi sửa đổi bộ luật quan trọng này, trong đó tập trung vào các nhóm là phụ nữ, trẻ em, người dân tộc thiểu số, người đồng tính, song tính và chuyển giới (“LGBT”), người sống chung với HIV/AIDs, người khuyết tật…

Hội thảo đã thảo luận rất kỹ hai (trong nhiều) nội dung mới mang tính nguyên tắc, định hướng của lần sửa đổi này: giảm bớt tính quản lý hành chính của nhà nước vào các quan hệ dân sự để trả lại cho đời sống dân sự tính sáng tạo và tự do, và; tòa án không được quyền từ chối yêu cầu giải quyết vụ, việc dân sự với lý do chưa có điều luật để áp dụng. Hai nội dung này đặc biệt quan trọng cho việc đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các nhóm yếu thế được có tiếng nói và cơ sở hơn để giải quyết các vấn đề trong thực tế.

Trong phạm vi hội thảo, iSEE cũng đã đưa vấn đề các quy định liên quan tới quyền nhân thân như trong dự thảo có thể gây ra những chi phí hao tổn cho xã hội, khi không thừa nhận quyền chuyển đổi giới tính theo mong muốn của người chuyển giới. Bên cạnh các yếu tố như sự định kiến, thiếu thông tin thì việc pháp luật không thừa nhận những quyền của người chuyển giới góp phần nhấn mạnh thêm các rào cản mà người chuyển giới phải đối mặt: không có giấy tờ nhân thân, hoặc giấy tờ nhân thân không phù hợp thực tế, không thể thực hiện các giao dịch thông thường như mua bán, đăng ký, đi lại máy bay, hồ sơ việc làm…

BLDS quy định những vấn đề cơ bản nhất, chung nhất có liên quan đến tất cả các lĩnh vực thuộc đời sống dân sự, trong đó khía cạnh quyền nhân thân gắn liền mật thiết với mỗi cá nhân. Mọi sự vướng mắc, bỏ sót hay ngăn cản việc thực hiện quyền nhân thân nào cũng sẽ gây ảnh hưởng sâu sắc tới việc thực hiện, bảo vệ các quyền dân sự có liên quan khác của cá nhân.Xuất phát từ yêu cầu cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp 2013 liên quan đến bảo vệ quyền con người, quyền công dân, BLDS hiện hành đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập, dẫn đến hệ quả là một bộ phận người dân là người chuyển giới không thực hiện được các quyền dân sự chính đáng của mình, không có khả năng tham gia vào đời sống dân sự thông thường. Các tiêu chuẩn, thông lệ quốc tế cũng là một yếu tố cần được cân nhắc, và quan trọng hơn cả, vẫn là nhu cầu và thực tế cần phải thay đổi pháp luật để công tác quản lý nhà nước được thuận lợi hơn, phục vụ cho cuộc sống của người dân.

 

Sau đây là các đề xuất phương án sửa đổi của iSEE liên quan tới các quy định liên quan tới người chuyển giới trong dự thảo Bộ luật Dân sự:

***

Điều … Quyền thay đổi họ, tên

1. Cá nhân có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận việc thay đổi họ, tên trong các trường hợp sau đây:
[…]
e) Thay đổi họ, tên của người được xác định lại giới tính, hoặc để phù hợp với giới tính mong muốn của người đó mà không phụ thuộc vào tình trạng cơ thể;
[…]

Lý do: Sử dụng một tên gọi phù hợp với giới tính mong muốn là nhu cầu cấp thiết và chính đáng của người chuyển giới, giúp cải thiện rõ rệt những khó khăn trong cuộc sống hàng ngày của họ, và phù hợp với các tiêu chuẩn, thông lệ quốc tế. Quyền thay đổi tên gọi này không nên bị giới hạn bởi tình trạng cơ thể vì nhu cầu đổi tên có thể tới trước, hoặc không phụ thuộc vào việc đã phẫu thuật hay chưa.

***

Điều … Quyền xác định lại giới tính
Cá nhân có quyền được xác định lại giới tính và được thừa nhận giới tính mới. Việc xác định lại giới tính được thực hiện theo quy định của luật.
Nghiêm cấm việc xác định lại giới tính với người chưa thành niên, trừ trường hợp việc xác định lại giới tính là cần thiết để bảo vệ tính mạng, sức khỏe của cá nhân.
Việc xác định lại giới tính không làm thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự được xác lập theo giới tính cũ, trong trường hợp có xung đột sẽ áp dụng theo hướng có lợi cho cá nhân nếu việc áp dụng đó không trái pháp luật.

Lý do: Mở rộng khái niệm “xác định lại giới tính”, quy định theo hướng mở, nhấn mạnh nguyện vọng của cá nhân chứ không giới hạn bởi tình trạng cơ thể của họ. Ghi nhận quyền, để pháp luật chuyên ngành hướng dẫn cụ thể. Chỉ thực hiện việc xác định lại giới tính với người liên giới tính trong trường hợp tình trạng liên giới tính đe dọa đến tính mạng và sức khỏe của người đó. Cấm thực hiện hành vi xác định giới tính theo yêu cầu của cha mẹ hoặc đề nghị của cán bộ y tế. Việc xác định giới tính phải do cá nhân quyết định khi đã trưởng thành.


Previous
Previous

Chuỗi sự kiện Việt Pride 2014 tại Hà Nội

Next
Next

Free Hugs Hà Nội 2014 “Tôn vinh sự đa dạng”