Bàn về đám tang “văn minh”: Ai có quyền thay đổi một thực hành văn hóa?

Người mất nên đưa đi chôn cất bằng ki* hay quan tài, đám ma nên làm ngắn ngày hay dài ngày, có nên mổ trâu bò “tốn kém” hay cần tổ chức “tiết kiệm” hơn? Câu chuyện đám ma của người Mông dường như vẫn là hàng loạt câu hỏi đợi chờ một sự lựa chọn nhị nguyên giữa Có và Không, giữa Nên và Không nên, gây bối rối cho cả người trong cuộc lẫn người ngoài cuộc. Sự phân tách nhị nguyên dường như đòi hỏi một kết luận tuyệt đối: “lạc hậu” hay “văn minh”, “tốn kém” hay “tiết kiệm”, “mê tín” hay “tâm linh”. Trong sự kiếm tìm giữa “đúng” và “sai”, ta thường quên đặt câu hỏi: Ai có quyền phán xét một thực hành văn hóa và ai có quyền quyết định thay đổi một thực hành?

Anh Má A Pho - đại diện mạng lưới Tiên Phong giới thiệu về chuỗi thảo luận "Góc nhìn Tiên Phong"Anh Má A Pho – đại diện mạng lưới Tiên Phong giới thiệu về chuỗi thảo luận “Góc nhìn Tiên Phong”

Những diễn ngôn bạo lực

“Lạ lùng”, “kỳ bí” cho đến “kinh hoàng”, “hủ tục”, “lạc hậu” là những tính từ thường xuyên xuất hiện trong diễn ngôn đại chúng khi nói về tục tang ma của người Mông. Quan điểm này cũng là tiền đề ngầm ẩn cho các chính sách với tinh thần cải tiến và văn minh hóa các tập tục của người Mông nói riêng và các DTTS khác. Bác Má A Vàng (Sa Pa, Lào Cai), một người thổi khèn trong đám ma, cho biết khoảng năm 2004 – 2005, các dòng họ người Mông tại Sa Pa nhận được đề án của huyện khuyến khích thay đổi một số nghi lễ trong đám ma, cụ thể là chuyển từ đưa người mất đi chôn bằng ki sang sử dụng quan tài với lý do đảm bảo vệ sinh. Tương tự ở Mèo Vạc, Hà Giang, anh Giàng Mí Hờ cho biết địa phương anh cũng có chủ trương tương tự.

“Những từ như “văn minh”, “lạc hậu”, “mê tính dị đoan” không hề trung tính. Nó là sự gán ghép từ bên ngoài”, anh Hoàng Cầm, Viện Nghiên cứu Văn hóa nhận xét. Chị Phạm Quỳnh Phương, Viện Nghiên cứu Văn hóa bổ sung: “Từ “văn minh” rất bạo lực. Người Pháp đến Việt Nam mang theo diễn ngôn khai hóa văn minh, người Kinh lên miền núi cũng dùng từ “văn minh”. Bản thân “văn minh” rất bạo lực”. Lấy ví dụ về các thực hành tâm linh, anh Cầm cho biết tín ngưỡng Hầu đồng từng bị coi là hủ tục lại trở thành di sản văn hóa. “Những cái chúng ta từng coi là vứt đi thì có khi bây giờ lại coi là đặc sản”, anh nói thêm. Vì vậy, từ góc nhìn Nhân học, những thực hành bị coi là lạc hậu theo quan điểm của nhóm này có thể là văn minh theo quan điểm của nhóm khác. Sự định chuẩn về văn minh tạo nên sự áp chế. Quyền lực thuộc về người có quyền quyết định các tiêu chuẩn đó, đặc biệt khi nó vận hành thông qua ngôn ngữ.

Đa dạng văn hóa bắt đầu từ sự thấu hiểu

Các chương trình và chính sách can thiệp, nhất là can thiệp vào các thực hành tôn giáo, tín ngưỡng lại cần cẩn trọng nhiều hơn. “Chúng liên quan đến niềm tin, nỗi sợ, những gì mình không biết ở thế giới bên kia, chúng ta xuống địa ngục hay lên thiên đường”, chị Quỳnh Phương nhận xét về nghi lễ tang ma. Do đó, nghi lễ đảm bảo sự thanh thản cho người sống. Anh Hoàng Cầm cũng cho rằng nghi thức trong đám ma của người Mông xuất phát từ chức năng mang tính xã hội của đám ma, họ tin rằng cái chết là bước chuyển từ cuộc sống tạm thời sang cuộc sống vĩnh hằng, mà con ngựa (ki) sẽ đưa người mất về với tổ tiên. Các nghi thức này thực hiện chức năng tâm lý xoa dịu nỗi đau cho những người ở lại. Không chỉ riêng dân tộc Mông mà các dân tộc khác cũng có những lý giải riêng đối với cái chết, người Thái coi quan tài như con rồng đưa linh hồn sang thế giới bên kia, người Kinh cũng có những thảo luận về chuyện hỏa táng hay sang cát.

Bởi mỗi dân tộc lại có những niềm tin riêng nên sự tôn trọng là điều kiện then chốt để chung sống. Chị Nghiêm Hoa chia sẻ: “Nếu mình không hiểu những người khác mình đang làm gì thì mình cần hiểu họ trước khi nói rằng phải thế này hay thế kia”. Anh Hoàng Cầm nhấn mạnh: “Đa dạng văn hóa giống như đa dạng sinh học, giống như nguồn sống của loài người”. Sự so sánh này còn hàm ý rằng các nhóm thiểu số, yếu thế càng cần được tôn trọng để nuôi dưỡng sự đa dạng.

Ai có quyền quyết định văn hóa?

Trong đời sống đa tạp và biến đổi không ngừng, các thực hành văn hóa cũng không tĩnh tại mà luôn thay đổi để thích ứng với những bối cảnh mới. Tuy nhiên, sự thay đổi này nên đến từ đâu, từ chính cộng đồng sở hữu văn hóa đó hay các chính sách ban hành từ trên xuống? Nếu như dòng họ Má của bác Vàng ở Lào Cai lựa chọn sử dụng quan tài theo đề án của huyện, thì họ Giàng của anh Hờ tại Hà Giang chọn duy trì thực hành truyền thống. Bởi cái ki không đơn thuần là một vật có giá trị sử dụng mà còn chứa đựng những niềm tin của cả cộng đồng, những nguyện cầu của người sống dành cho người đã khuất. Giàng A Bê (Yên Bái), một thành viên của Mạng lưới Tiên Phong, chia sẻ: “Những người đi khỏi cộng đồng như tôi (Bê học đại học tại Hà Nội) có cơ hội nhìn lại và tiếp xúc với những ý kiến khác, họ cũng sẽ lúng túng, lăn tăn trong một khoảnh khắc nào đó”. Dường như không có một câu trả lời đồng nhất đến từ cộng đồng.

Theo chị Nghiêm Hoa, nhà nghiên cứu độc lập về nhân quyền, mỗi một cá nhân đều có quyền với văn hóa của mình, mỗi cộng đồng cũng có thể cùng nhau lựa chọn các thực hành cho cộng đồng mình. Trong các luật tục, từng gia đình lại có thể lựa chọn thực hành luật tục theo cách đầy đủ, ngắn gọn hoặc rườm rà hơn. Nhìn từ góc độ quyền văn hóa thì tự do lựa chọn rất quan trọng. Tất nhiên lựa chọn của một gia đình, một cá nhân luôn chịu tác động từ những người xung quanh như người hàng xóm, thầy mo hay di nguyện của người đã mất. “Tất cả trăn trở, nỗi lo, sự lựa chọn đều do cộng đồng tự quyết định. Tôi lựa chọn điều tốt nhất cho tôi, cộng đồng tôi và những người xung quanh tôi” và “mọi sự cưỡng ép đều vi phạm nhân quyền”, chị Hoa nhấn mạnh. Vai trò của Nhà nước khi đó dựa trên ba nguyên tắc lớn là Tôn trọng – Tôn trọng tự do cá nhân; Bảo vệ – Bảo vệ cá nhân thực hành quyền văn hóa của họ và Hỗ trợ – Hỗ trợ vật chất hoặc khung pháp lý để cá nhân thực hành quyền văn hóa. Những yêu cầu hành chính đôi khi có thể làm biến đổi tầng nghĩa sâu xa của các thực hành mà cộng đồng đã tự dàn xếp uyển chuyển. Một quyết sách không phù hợp vừa áp đặt với cộng đồng, vừa lãng phí thời gian và nguồn lực của xã hội.

“Chủ nhân của nền văn hóa mới là người quyết định sự thay đổi, thay đổi đến mức nào, tốc độ ra sao, vì văn hóa của họ chính là cuộc sống của họ”, anh Cầm chia sẻ từ quan điểm của Nhân học. Nếu việc thay đổi một thực hành là phù hợp trong bối cảnh mới thì cộng đồng sẽ tự động thích nghi, thậm chí kể cả khi các nhà quản lý văn hóa muốn bảo tồn thực hành cũ. Ngược lại, nếu một thực hành có ý nghĩa trong đời sống cộng đồng thì họ vẫn duy trì nó dù thực hành đó có thể bị tội phạm hóa, ví dụ như Hầu đồng của người Kinh trước đây hay Tảo hôn trong một số DTTS. Mỗi thực hành lại nằm trong mạng lưới và không thể tách rời khỏi các thực hành khác của cộng đồng.

Để chúng ta có thể hít thở bầu không khí của sự đa dạng thì các diễn ngôn văn minh – lạc hậu cần được lọc bỏ. Đa dạng văn hóa còn đòi hỏi sự tôn trọng, đặc biệt là sự hỗ trợ cần thiết và hợp lý cho các nhóm yếu thế. Các chính sách can thiệp tốt cần xuất phát từ sự thấu hiểu văn hóa của từng cộng đồng và ý thức được vai trò của chủ nhân văn hóa. Khi đó, câu hỏi mang tính nhị nguyên giữa Nên hay Không Nên cần được thay bằng câu hỏi Vì sao và Như thế nào.

*Ki: Ki được đan bằng tre hoặc gỗ để đưa người chết đi chôn cất. Trong văn hóa Mông, ki trượng trưng cho con ngựa đưa người mất về với tổ tiên.

Tọa đàm Đám tang “văn minh” nằm trong Chuỗi tọa đàm Góc nhìn Tiên Phong do Mạng lưới Tiên Phong vì tiếng nói người dân tộc thiểu số (Tiên Phong) và Viện Nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường (iSEE) phối hợp thực hiện. Chuỗi tọa đàm sẽ đưa tiếng nói của các cộng đồng DTTS đi xa hơn đến với công chúng, các nhà làm chính sách và các bên liên quan, thông qua những câu chuyện thực tiễn của họ tại địa phương. Tiên Phong và iSEE tin rằng việc lắng nghe tiếng nói của người trong cuộc luôn mở ra những cơ hội cho sự thấu hiểu và những can thiệp phù hợp với các cộng đồng.

Buổi đầu tiên trong chuỗi thảo luận Góc nhìn Tiên Phong có sự tham gia của các nhà báo, chuyên gia và các bạn trẻ quan tâm đến Cộng đồng Dân Tộc Thiểu SốBuổi đầu tiên trong chuỗi thảo luận Góc nhìn Tiên Phong có sự tham gia của các nhà báo, chuyên gia và các bạn trẻ quan tâm đến Cộng đồng Dân Tộc Thiểu Số



Previous
Previous

Dự án RAD – Nghiên cứu hướng tới chống phân biệt đối xử

Next
Next

Tổng hợp các báo cáo thuộc dự án Yo4re – Góc nhìn khác