“Giật” tít về văn hóa người Mông trên mạng xã hội

NGƯỜI XEM CẦN CẨN THẬN VỚI THÔNG TIN SAI SỰ THẬT!


Dạo gần đây, trên Facebook xuất hiện một video thu hút rất nhiều lượt xem và lên đến hàng trăm nghìn lượt bày tỏ cảm xúc. Video đó được “giật” một chiếc tít rất gây chú ý: “Tục B-ắ-t Vợ của người H’Mong”.

Đáng chú ý, video clip này tự xưng là video review một bộ phim tài liệu về người Mông, nhưng đã cắt xén rất nhiều đoạn, làm nổi bật những khung cảnh dễ gây phẫn nộ cho người xem nếu đưa đi khỏi bối cảnh gốc của nó. Bên cạnh đó, video này còn dịch sai tiếng Mông, khiến nhiều người hiểu nhầm. Đúng như mục đích của người đăng, phía dưới bình luận tràn đầy những chỉ trích, xôn xao, bàn luận về sự “kinh khủng” của tục này, đồng thời củng cố thêm cái nhìn định kiến về người dân tộc thiểu số, mà đặc biệt là người Mông.


Có vấn đề gì với việc “giật tít” như vậy?

Sai từ tiêu đề, người đăng đã dùng từ “bắt” vợ - một từ mang hàm nghĩa tiêu cực để chỉ cả thực hành văn hoá của người Mông. Trong thực tế, kéo vợ, hay “coj nyaab” trong ngôn ngữ Mông có thể mang đến 7 tầng nghĩa khác nhau, chỉ nhiều cách thực hành khác nhau. Trong nhiều trường hợp, coj nyaab chỉ việc đón dâu, đưa dâu; hoặc là việc “kéo” sẽ được thực hiện dưới sự đồng thuận của hai phía. Việc thô bạo dịch thành “bắt” vợ sẽ gây ra những định kiến nặng nề về hành văn hoá này, nhất là khi nó đến từ người ngoài cộng đồng.

iSEE cho rằng, đối với văn hoá không phải là của mình, người xem cần rất cẩn thận với những thông tin được đưa ra, cũng như khi bày tỏ quan điểm.

Cụ thể, trước khi phán xét một thực hành văn hoá của một cộng đồng khác, nên đặt ra những câu hỏi về bối cảnh của thực hành văn hoá đó. Quan trọng nhất, chúng ta nên lắng nghe từ chính những người trải qua, và từng ở trong thực hành văn hoá đó để có thể có một cái nhìn toàn diện, sâu sắc hơn. Như vậy, nên nghĩ thế nào về tục kéo vợ của người Mông? iSEE không có câu trả lời khẳng định cho việc này, ngoại trừ một lời gợi ý: Hãy lắng nghe từ chính những người trong cộng đồng, bởi vì chính trong cộng đồng người Mông, cũng đã và đang có rất nhiều ý kiến khác nhau về việc này.


Coj nyaab (kéo vợ) và bình đẳng giới dưới cái nhìn của người Mông

Như bài trước đã nói, người dân tộc thiểu số vẫn luôn có những suy nghĩ, trăn trở từ xưa đến nay về vai trò giới và bình đẳng giới. Đó là một quá trình trao đổi, đàm phán không ngừng của nhiều cá nhân trong cộng đồng. Khi nói đến các câu chuyện về giới, coj nyaab là một thực hành thường được chú ý tới nhất.

Trong cộng đồng người Mông, nhiều người phụ nữ cho rằng việc được “kéo” nhiều thể hiện việc được yêu thích, song cũng có nhiều người không muốn bị “kéo” do có trải nghiệm bị “kéo” không tốt. Có nhiều người tin rằng coj nyaab là một thực hành tốt đẹp để hai người nam nữ đến với nhau tự do mà không cần thông qua gia đình, trong đó người con gái có toàn quyền quyết định với cuộc hôn nhân này. Trái lại, cũng có một số người cho rằng thực hành này theo thời gian đã có nhiều thay đổi, không đảm bảo được sự an toàn cho người con gái, và cũng khó để cô gái đưa ra quyết định do áp lực từ gia đình, cộng đồng… Có thể thấy, trải nghiệm và quan điểm của mọi người sẽ khác nhau tùy từng bối cảnh, từng thế hệ và từng tình huống cá nhân. Cho dù thế nào thì cuối cùng, người có quyền đánh giá và đưa ra quyết định về một thực hành văn hoá nằm ở chính những người trong cộng đồng đó.

Là người ngoài cuộc, việc chúng ta có thể làm là lắng nghe những quan điểm, phân tích, và trao đổi của cộng đồng đó về thực hành ấy.


Cơ hội để lắng nghe tiếng nói của người trong cộng đồng về bình đẳng giới và các câu chuyện liên quan:

Sắp tới, Mạng Lưới Tiên Phong và iSEE sẽ cùng hợp tác tổ chức buổi Tọa đàm: Bình đẳng Giới dưới góc nhìn Văn Hoá Tộc Người. Tại đây, chúng ta có thể lắng nghe những quan điểm cụ thể về giới và các thực hành văn hoá của người Mông nói riêng và người DTTS nói chung.

Thông tin chi tiết:

Thời gian: Thứ 4 (08/02/2023)

Địa điểm: Hà Nội

Thông tin diễn giả và khách mời: Sẽ được cập nhật trong những post tiếp theo

DEADLINE đăng ký: 12h thứ 3 (07/02/2023)

—---

HOTLINE:

Fanpage: Mạng lưới Tiên Phong Việt Nam

Email: bdh@tienphongvietnam.org

#iSEE #EM

Previous
Previous

“Đây là trải nghiệm của tôi, một người trong cộng đồng” - Bài học khi làm việc về bình đẳng giới với cộng đồng dân tộc thiểu số

Next
Next

Bình đẳng giới trong cộng đồng dân tộc thiểu số: Lắng nghe trên tinh thần thấu hiểu