“Đây là trải nghiệm của tôi, một người trong cộng đồng” - Bài học khi làm việc về bình đẳng giới với cộng đồng dân tộc thiểu số

iSEE xin mượn câu nói đã được chị Thuỷ - người dân tộc Mường:

“Đây chỉ là quan sát, trải nghiệm của cá nhân tôi, một người trong cộng đồng, chứ không nhất thiết phải qua một cái chương trình của trường đại học, hay qua khung lý thuyết gì đấy”.


💖 Ngày hôm qua là một ngày vô cùng đặc biệt và đáng nhớ với iSEE và Tiên Phong.

Nếu bạn là một người theo dõi đã lâu thì bạn sẽ nhận ra một điều: đây có lẽ là lần đầu tiên, buổi tọa đàm của Mạng Lưới Tiên Phong không hề có sự xuất hiện của một chuyên gia, hay một người nào ngoài các thành viên Tiên Phong. Chuỗi chương trình Góc nhìn Tiên Phong, được bắt đầu từ năm 2019 - là không gian chia sẻ quan điểm của các tộc người thiểu số về các vấn đề xã hội, được tiếp nối trong đầu năm 2023 với chủ đề về "Bình đẳng giới dưới góc nhìn văn hoá tộc người"

Lần này, nội dung của cả chương trình đều được lên kế hoạch bởi các thành viên, tất cả mọi góc nhìn được đưa ra đều là trải nghiệm, và quan sát cá nhân của mỗi người với tư cách là người dân tộc thiểu số. Lần này, với tư cách là một người bạn đồng hành, iSEE rất vui vì đã được lắng nghe từ Tiên Phong, và mong rằng sẽ được lắng nghe, học hỏi nhiều hơn nữa.

💖 Một số điểm nhấn buổi tọa đàm

Nhìn chung, buổi tọa đàm đã thách thức quan niệm những tộc người thiểu số không biết về bình đẳng giới. Cụ thể, những quan điểm sau đây đã được các thành viên Tiên Phong đưa ra:

⭐ Quan điểm tộc người thiểu số không có bình đẳng giới chưa chắc đã đúng, vì đôi khi cái “bình đẳng” mà đa số nghĩ lại không phải cái mà người trong cộng đồng cần. Chị Thuỷ, người Mường đã đưa ra ví dụ rằng nếu bình đẳng giới cho rằng nữ phải làm được những việc nam làm, thì sẽ thêm một tầng trách nhiệm cho người phụ nữ (vừa phải làm bên ngoài, vừa phải làm việc nhà và chăm sóc con cái).

⭐ Về phía người Ede và người Chăm, những người theo mẫu hệ đã cho hay: Khi xưa, con trai phải theo vợ, và không được chia cho chút tài sản nào. Nhưng qua thời gian, sau khi có sự trao đổi giữa các thế hệ trong cộng đồng, đã ghi nhận việc phân chia tài sản lại cho hợp lý hơn. 

⭐ Bên cạnh đó, câu chuyện của cô Chi - người Pà Thẻn cũng có cho thấy sự trao đổi và thoả thuận trong gia đình khi cô đi học: chồng cô hỗ trợ chia sẻ các công việc để cô có thể hoàn thành chương trình của mình. Cô Chi cũng nhận thấy việc nhiều trẻ em gái Pà Thẻn thường không được đi học, và bày tỏ mong muốn nhiều phụ nữ đi học, làm lãnh đạo hơn. Cô tin rằng phụ nữ có rất nhiều tiềm năng để đạt thành tựu to lớn.

⭐ Nhìn nhận về sự đa dạng giới: Một điều rất hay là khi được hỏi về suy nghĩ của người Khmer về LGBTI, cô Kiều, người Khmer đã trả lời rằng cô có biết về việc có nhiều giới “không chỉ nam và nữ”, và tin rằng mọi người đều có quyền yêu thương bình đẳng. 

Chia sẻ một chuyện “bên lề”, sau buổi toạ đàm cô Kiều đã nói nhỏ với iSEE rằng “cô rất tiếc, vì ban đầu cứ mãi tập trung vào nam - nữ mà không trả lời nhiều cho cô bé kia (một bạn chuyển giới nữ) về LGBT”. Cô kể rằng cô còn từng tham gia đám cưới của một đôi đồng tính nữ và còn có chụp cả ảnh, cô tin rằng dù ai yêu ai thì cũng “đều được cả”.

💖 Có thể thấy, cộng đồng dân tộc thiểu số vẫn luôn có những quan sát, suy nghĩ về giới và các vấn đề liên quan. Có thể, họ không dùng những từ như “giới”, hay “bình đẳng giới” vì đó là các khái niệm được giới thiệu sau này, nhưng nói rằng họ không có ý niệm về những điều đó là rất sai.

💖 Có thể thấy, thành viên của các tộc người thiểu số vẫn luôn có những quan sát, suy nghĩ về giới và các vấn đề liên quan. Có thể, họ không dùng những từ như “giới”, hay “bình đẳng giới” vì đó là các khái niệm được giới thiệu sau này, nhưng nói rằng họ không có ý niệm về những điều đó là chưa chính xác. 

Để tổng kết lại buổi tọa đàm, iSEE xin mượn câu nói đã được chị Thuỷ - người Mường - nói ra trong phần hỏi đáp:

️“Đây chỉ là quan sát, trải nghiệm của cá nhân tôi, một người trong cộng đồng, chứ không nhất thiết phải qua một cái chương trình của trường đại học, hay qua khung lý thuyết gì đấy.”

Đó là câu trả lời của chị cho vấn đề mà một người tham gia đặt ra: Không biết đã có nghiên cứu gì về cộng đồng chưa? Không biết mọi người có mời chuyên gia tâm lý để đến trò chuyện với người trong cộng đồng hay chưa?

Chị Thuỷ chỉ ra rằng: “Nếu người ngoài vào hỏi, chúng tôi không thể nào chia sẻ hết quan tâm và cuộc sống của mình, có rất nhiều chuyện sẽ không thể nói ra với người ngoài được”. Chị khẳng định, đây là quan điểm của cá nhân chị, cũng như nhiều người trong cộng đồng, và nó thật, và vì thật nên có giá trị tham khảo. Dĩ nhiên, chị cũng không nói rằng mình đại diện cho cả cộng đồng, và chỉ ra rằng vẫn luôn có sự trao đổi diễn ra bên trong:

“Với người trong cộng đồng thì luật tục có cái gì hay thì sẽ giữ, cái nào cần thì mọi người có thể trao đổi”.

Các thành viên Tiên Phong, một khi cất tiếng và đưa ra góc nhìn của mình, đã đưa ra gợi ý cho rất nhiều bên liên quan khi làm về chủ đề giới và bình đẳng giới, rằng khi làm việc, hoặc nói về giới, điều quan trọng là hiểu được thế giới quan, ý niệm của cộng đồng trước khi giới thiệu bất kỳ khái niệm hay đưa những can thiệp sâu vào đời sống của họ, từ đó thúc đẩy nhiều hơn những không gian trao đổi, thảo luận đa chiều trong cộng đồng. 


—---

HOTLINE:

Fanpage: Mạng lưới Tiên Phong Việt Nam

Email: bdh@tienphongvietnam.org

#iSEE #EM

Previous
Previous

Tục kéo vợ trong phim “Những đứa trẻ trong sương” và thực tế

Next
Next

“Giật” tít về văn hóa người Mông trên mạng xã hội