Sự kiện chia sẻ “Nghiên cứu khám phá về trải nghiệm y tế và xã hội của người liên giới tính tại Việt Nam”

Tại Việt Nam, các thông tin và kiến thức về người liên giới tính vẫn còn khá hạn chế, các vấn đề của nhóm người liên giới tính chưa nhận được nhiều sự quan tâm sâu rộng. Sự hiện diện của người liên giới tính cũng đã đang dần xuất hiện ở đâu đó trên các phương tiện truyền thông nhưng vẫn còn khá nhỏ lẻ hoặc chưa chuẩn xác, và thường gắn nhiều với các vấn đề về y tế.

Nhận thấy và thấu hiểu được sự cần thiết của việc thúc đẩy sự hiện diện và tiếng nói của người liên giới tính ở Việt Nam trong các khía cạnh đời sống - xã hội và pháp luật, Viện nghiên cứu Kinh tế, Xã hội và Môi trường (Viện iSEE) đã thực hiện một nghiên cứu tiên phong dựa trên những trải nghiệm sống của những người liên giới tính thông qua cách tiếp cận phỏng vấn sâu.

Ngày 28/11/2023 vừa qua, nghiên cứu đã được trình bày bởi Ths. Trần Ngọc Linh - nghiên cứu viên chính của dự án, tại buổi công bố và chia sẻ chính thức. Phần trình bày đã đưa ra bức tranh khái quát về bối cảnh pháp lý, y khoa, và xã hội của người liên giới tính ở Việt Nam, và đồng thời nêu lên các rào cản và thách thức mà người liên giới tính gặp phải trong các phạm trù đời sống kể trên.

Qua đó, bài nghiên cứu cũng đưa ra một số chủ đề thảo luận và khuyến nghị với mong muốn tạo dựng môi trường sống khoan dung và bao trùm hơn với người liên giới tính như nâng cao nguồn lực y tế và nhận thức của cộng đồng, điều chỉnh các khung pháp lý và chính sách hỗ trợ, xây dựng và duy trì mạng lưới cộng đồng liên giới tính, tăng cường nghiên cứu và các thảo luận sâu rộng về người liên giới tính, và kêu gọi hợp tác phối hợp nguồn lực từ nhiều bên.

Ths. Trần Ngọc Linh - nghiên cứu viên chính của dự án chia sẻ kết quả nghiên cứu

Bên cạnh bài báo cáo kết quả nghiên cứu, sự kiện cũng mở ra phiên thảo luận để người tham dự cùng lắng nghe, trao đổi, và nêu ra những câu hỏi. Phiên tọa đàm có sự tham gia của bạn An - một cá nhân thuộc cộng đồng liên giới tính, Quốc Anh - thành viên Ban điều hành It’s T Time, Ths.Bs. Ngô Hải Sơn đến từ Bệnh viện Việt Đức, và được điều phối bởi Đặng Thùy Dương - Cán bộ nghiên cứu và quản lý tri thức Viện iSEE. Thông qua phiên thảo luận, các vấn đề về hành trình thấu hiểu, bất cập trong việc tiếp cận hỗ trợ, mức độ can thiệp y khoa, và những mong muốn và dự định từ các bên trong việc thúc đẩy tiếng nói và nâng cao nhận thức về người liên giới tính đã được đưa ra bàn luận. 

Hành trình khám phá và thấu hiểu

Từ trái qua:

Điều phối Đặng Thùy Dương - Cán bộ Chương trình Quyền LGBTI tại Viện iSEE, An - Cá nhân thuộc cộng đồng liên giới tính, Nguyễn Quốc Anh - Thành viên tổ chức It’s T Time và Ths. Bs. Ngô Hải Sơn (Bệnh viện Việt Đức) - chuyên gia trong tổ tư vấn chuyên môn của Bộ Y tế để xây dựng Luật Chuyển đổi Giới tính từ 2017 tới nay

Là một người liên giới tính, An đã có những chia sẻ về trải nghiệm thấu hiểu bản thân mình. An lớn lên như bao người nữ khác, tuy nhiên, khi đến tuổi dậy thì với những thay đổi về cơ thể, An nhận thấy những đặc điểm khác biệt của bản thân so với những người có cơ thể nữ khác và đã đi thăm khám ở một số cơ sở y tế. Tuy nhiên, các y bác sĩ ở những cơ sở y tế cũng không có quá nhiều thông tin về những thuật ngữ liên quan tới liên giới tính.

An cũng tự đi tìm câu trả lời thông qua các tài liệu và bài báo liên quan, qua các kênh truyền thông trên internet, nhưng chúng cũng chỉ dừng lại ở việc nói lên sự “khác” chứ chưa xuất hiện các thuật ngữ về “liên giới tính.” Các cuộc bàn luận và các phong trào LGBT ở Việt Nam cũng được An tìm đến, nhưng ở những không gian đó lúc ấy, các khái niệm về người liên giới tính cũng ít được nhắc đến.

An cũng chia sẻ rằng không tìm thấy cộng đồng người liên giới tính ở Việt Nam, mà chỉ có các cộng đồng ở nước ngoài, sử dụng ngôn ngữ tiếng Anh. Điều này khiến cho việc tiếp cận tới các thông tin và sự hỗ trợ từ cộng đồng trở nên khó khăn hơn với nhiều bạn. Bs. Sơn, thông qua quá trình làm việc và kết nối với các bạn là người liên giới tính, cũng đã từng cố gắng tìm kiếm các hội nhóm ở Việt Nam nhưng cũng không thấy, bởi bản thân các bạn liên giới tính cũng khá kín tiếng và ít giao tiếp về những câu chuyện như thế của bản thân mình.

Vai trò của cộng đồng

Trong quá trình khám phá bản thân, An đã tìm thấy và kết nối với một nhóm cộng đồng ở nước ngoài thông qua Facebook. Lắng nghe câu chuyện của họ, An nhận thấy được những miêu tả về các đặc điểm sinh học rất giống với mình. Ở thời điểm đó, An cũng đang trong quá trình thăm khám y tế và được bác sĩ đưa lời khuyên về việc thực hiện một cuộc phẫu thuật không cần thiết.

Khi đó, An kết nối và nói chuyện với rất nhiều người liên giới tính lớn tuổi trong nhóm Facebook và thấy họ vẫn sống tốt mà không phải trải qua cuộc phẫu thuật kia, An đã đưa ra quyết định không phẫu thuật. An chia sẻ: “Đối với em vai trò của cộng đồng ở thời điểm đó cực kỳ quan trọng, trong việc đồng hành kể cả cảm xúc lẫn thông tin. Khi đó nếu không có cộng đồng ở đó thì bây giờ mình sẽ rất là khác rồi. Vì một cuộc phẫu thuật lớn như thế sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe về lâu về dài.”

Câu chuyện của An là một ví dụ về sự cần thiết và quan trọng của việc hỗ trợ tinh thần và tìm kiếm sự thấu cảm của người liên giới tính ở Việt Nam. Bs. Sơn cũng chia sẻ quan điểm tương tự khi nói về quá trình kết nối của mình với các bạn là người liên giới tính: “Bản thân anh cũng tự tạo một nhóm những bạn intersex [liên giới tính] mà tới tham vấn mình. Anh có thể hỗ trợ các bạn về mặt y tế nhưng về mặt đời sống thì để các bạn hỗ trợ giúp đỡ nhau thì sẽ tốt hơn.”

Hạn chế trong việc tiếp cận hỗ trợ y tế

Khi bàn luận về các vấn đề hỗ trợ y tế, An chia sẻ rằng người intersex có nhu cầu lớn và đặc thù về việc chăm sóc sức khỏe, tuy nhiên lại có rất ít các cơ sở y tế có đủ kinh nghiệm, thông tin, và nguồn lực để hỗ trợ. Điều này gây ra nhiều hạn chế và thách thức trong quá trình tiếp cận hỗ trợ y tế cho người liên giới tính khi có nhu cầu.

Những thách thức với người liên giới tính về việc thăm khám y tế có thể xuất phát rất nhiều từ những hạn chế về thông tin của chính các y bác sĩ. Bác sĩ Sơn có chia sẻ: Quá trình thiếu thông tin kéo dài từ khi còn đào tạo ở trường đại học, tới đào tạo chuyên khoa sau này. Các quyển sách dày đặc chữ với hơn 40 đặc điểm giới tính không điển hình vô cùng phức tạp, khiến cho việc có các thuật ngữ chuẩn xác trở nên khó khăn hơn. Khái niệm “người liên giới tính” vẫn còn khá mới, và việc bị chi phối của tư tưởng nhị nguyên vẫn còn nặng, được thể hiện qua các thuật ngữ vẫn thường được dùng phổ biến ở các cơ sở y tế như “rối loạn phát triển giới tính” hay “nam giới giả nữ, nữ giới giả nam.”

Những bất cập và thách thức ấy cũng đến từ việc chưa có một cơ sở y tế nào nghiên cứu chuyên sâu về người liên giới tính, dẫn tới sự thiếu hụt thông tin, cũng như cơ sở vật chất, trong việc thăm khám và điều trị cho những ai có nhu cầu. Điều đó là bởi, số lượng nhóm người liên giới tính vẫn được coi là khá ít, nhóm thiểu số của thiểu số, sự xuất hiện của các trường hợp người liên giới tính không nhiều. Bác sĩ Sơn có chia sẻ thêm: “Mỗi năm ước tính có khoảng 2500 trẻ liên giới tính, và trải dài khắp cả nước, nên các mối quan tâm của các bác sĩ với chủ đề này là rất ít, nhiều bệnh viện lớn vài năm mới gặp một ca.” Việc thiếu hụt sự quan tâm, thông tin, và cơ sở vật chất khiến cho quá trình chẩn đoán và đưa ra phác đồ thăm khám, điều trị cho người liên giới tính thường mất rất nhiều thời gian và chi phí, có thể kéo dài nhiều năm và gây ra những áp lực, tổn thương về thể chất và tinh thần không đáng có. Hơn thế, các trường hợp chẩn đoán sai lệch hoặc do thiếu thông tin cũng có thể sẽ gây ra những hệ quả lâu dài.

Mức độ can thiệp y tế

Thảo luận về chủ đề tiếp cận và can thiệp y tế, Bs. Sơn cũng có chia sẻ thêm những kinh nghiệm và trải nghiệm của bản thân trên cương vị của một người trong ngành y trong việc tiếp nhận thăm khám cho người liên giới tính ở hai nhóm khác nhau: nhóm trẻ nhỏ và nhóm người trưởng thành.

Với nhóm những bạn nhỏ, chưa có đủ nhận thức về những biểu hiện khác biệt về cơ thể của bản thân, Ths.Bs. Ngô Hải Sơn chia sẻ, người trực tiếp trao đổi trong quá trình tham vấn sẽ là bố mẹ hoặc người giám hộ. Theo quan điểm của bác sĩ Sơn, trên lý thuyết, các bác sĩ sẽ làm việc dựa trên các nghiên cứu và minh chứng chứ không dựa trên niềm tin, thường là các nghiên cứu nước ngoài, để tư vấn, cung cấp thông tin và đưa ra những lựa chọn cho phụ huynh của đứa trẻ, đảm bảo sự đồng thuận giữa hai bên. Tuy nhiên, điều đó có thể nảy sinh các vấn đề về mặt đạo đức khi mà đứa trẻ lớn lên có thể cảm thấy không thoải mái và không đồng thuận với việc phụ huynh đưa ra quyết định về cơ thể mình. Vậy nên, đối với những trường hợp không cấp thiết và không nguy hiểm cho đứa trẻ thì mình có thể chờ, để cho đứa trẻ lớn lên và tự đưa ra quyết định sau khi đã có những cảm nhận và trải nghiệm sống của bản thân.

Với những bạn là người trưởng thành, việc đưa ra những tư vấn về thăm khám cũng dễ dàng hơn do các bạn đã có những trải nghiệm sống và thông tin riêng để có thể tự đưa ra quyết định. Những tư vấn về việc thăm khám cũng dựa trên những minh chứng và sự đồng thuận giữa các bên, để tránh gây ra những hối hận hay ảnh hưởng tiêu cực về sức khỏe và tinh thần sau này. Trường hợp câu chuyện thăm khám và quyết định không can thiệp y tế phía trên của An là một ví dụ cho những chia sẻ ở đây của bác sĩ Sơn.

Những nỗ lực và mong muốn từ các bên

Phiên thảo luận, cũng như toàn chương trình, được khép lại với những chia sẻ về những mong muốn và nỗ lực trong tương lai của các bên trong việc tiếp cận và thấu hiểu nhóm người liên giới tính tại Việt Nam. 

  • Nâng cao nhận thức của cộng đồng

Một trong những nỗ lực nâng cao nhận thức xã hội về người liên giới tính được quan tâm bàn luận trong buổi thảo luận là vấn đề giáo dục giới tính. Chúng ta thừa nhận những hạn chế về thông tin và kiến thức về người liên giới tính trong các chương trình giáo dục giới tính. Các bài giảng giáo dục giới tính còn sơ khai, chưa đưa ra các thông tin và sự hiểu thấu về người liên giới tính, học sinh sẽ thường tự tìm hiểu nhiều hơn là được dạy trong các bài giảng ở trường. Về vấn đề này, bác sĩ Sơn có đưa ra đề xuất về việc có những buổi tập huấn, hoặc các tài liệu cung cấp thông tin trong quá trình xây dựng bài giảng, cho những bên liên quan.

Quốc Anh và Dương cũng có những chia sẻ về kinh nghiệm từ phía It’s T Time và Viện iSEE trong nỗ lực cung cấp thông tin, cũng như cải thiện kiến thức giáo dục giới tính toàn diện, thông qua các buổi tập huấn trong các trường đại học, hoặc qua bài đăng tin ở các kênh truyền thông tới các bạn trẻ, có thể đi từ những bước đầu như đề cập về những khái niệm hoặc bàn luận về những bối cảnh, hiện trạng và các thông tin cơ bản khác về phổ liên giới tính ở Việt Nam.

Về phía hệ thống y tế, việc nâng cao nhận thức cũng là điều vô cùng quan trọng. Việc có đầy đủ các thông tin và hiểu biết đúng và sâu rộng về người liên giới tính sẽ có tác động trực tiếp tới việc tư vấn và hỗ trợ thăm khám, điều chị cho những người liên giới tính có nhu cầu. Tuy nhiên, bác sĩ Sơn cũng chia sẻ về khó khăn trong việc tiếp cận tới nhận thức của các nhân viên y tế: “Mình nghĩ cách dễ dàng hơn là mình nâng cao nhận thức của cộng đồng trước, thúc đẩy sự hiện diện và để mọi người thấy người liên giới tính chỉ là một điều bình thường thôi. Khi cộng đồng có nhận thức rõ ràng về người liên giới tính, thì bản thân các y bác sĩ cũng nâng cao nhận thức để thích ứng với sự thay đổi của cộng đồng.”

  • Tăng cường các nghiên cứu về người liên giới tính

Ths.Bs. Ngô Hải Sơn cũng chia sẻ những mong muốn về việc có nhiều hơn các nghiên cứu định lượng về người liên giới tính tại Việt Nam được thực hiện. Các nhân viên y tế cần những số liệu cụ thể và các minh chứng khoa học để thấy được sự cần thiết, để đưa ra những phác đồ đủ lớn và hiệu quả để từ đó đưa ra các khuyến nghị và tham vấn phù hợp tới các bên. Đó cũng chính là những mong muốn mà An - một người liên giới tính, chia sẻ. 

  • Xây dựng mạng lưới cộng đồng liên giới tính tại Việt Nam

Nhu cầu về việc xây dựng và duy trì một cộng đồng liên giới tính ở Việt Nam có thể cùng hoạt động và hỗ trợ lẫn nhau cũng được nhấn mạnh khi thảo luận về những mong muốn trong tương lai. Bản thân An đã có cơ hội được kết nối với cộng đồng người liên giới tính ở nước ngoài và An cũng hiểu những hạn chế và bất cập về việc tiếp cận, tìm hiểu, kết nối tới cộng đồng nước ngoài với nhiều bạn. An có chia sẻ thêm: “Bên cạnh sức khoẻ thì người liên giới tính cũng có nhiều lo lắng về hôn nhân, gia đình, tất cả các khía cạnh cuộc sống. Vậy nên cần có một cộng đồng ở Việt Nam để mọi người có thể tìm thấy sự thấu hiểu và giúp đỡ lẫn nhau.”

  • Hỗ trợ từ các bên đồng minh

Việc phối hợp hỗ trợ nguồn lực từ các bên đồng minh cũng được quan tâm bàn luận trong phần cuối của phiên thảo luận.

Từ phía It’s T Time, Quốc Anh chia sẻ về những nỗ lực đồng hành của It’s T Time trong việc hỗ trợ tư vấn pháp lý cho những bạn là người liên giới tính chuyển giới. Bên cạnh đó, Quốc Anh cũng nêu ra những dự định, mong muốn có sự tham gia của đại diện nhóm người liên giới tính trong các những cuộc thảo luận về việc xây dựng những dự thảo luật, khung pháp lý trong thời gian tương lai, đồng thời có thể hỗ trợ kết nối mọi người tới mạng lưới tham vấn của các chuyên gia quốc tế về liên giới tính hay tới mạng lưới các y bác sĩ ở Việt Nam thân thiện và cởi mở với các vấn đề của cộng đồng đã từng làm việc cùng với It’s T Time.

An cũng thể hiện mong muốn về việc có thêm nhiều những đồng minh như iSEE để cùng thúc đẩy tiếng nói và sự hiện hiện của người liên giới tính tại Việt Nam. An cũng mong trong thời gian tới sẽ có thể kết nối thêm nhiều bác sĩ, chuyên gia y tế như Bs. Sơn, có tiếp xúc và hiểu được trải nghiệm của các bạn liên giới tính, để đưa ra cho các bạn góc nhìn y tế khách quan nhất. Điều này sẽ rất có ích cho cộng đồng trong bối cảnh không có đủ nhiều thông tin như hiện giờ.

Ths.Bs. Ngô Hải Sơn cũng có chung mong muốn ấy trong việc tạo dựng sự hỗ trợ về mặt y tế cho các bạn liên giới tính. Bác sĩ Sơn cũng chia sẻ rằng bản thân cũng luôn ấp ủ dự định về một phòng khám riêng, thân thiện và phi lợi nhuận, cho những bạn liên giới tính có thể tới thăm khám.

Sự hỗ trợ từ những bên đồng minh là một nguồn lực vô cùng quan trọng trong việc thúc đẩy các tiến trình vận động xã hội. Viện iSEE mong rằng dự án nghiên cứu này sẽ là một trong những chỉ mốc mở đầu cho việc lan rộng sự hiểu và lắng nghe tiếng nói và các mưu cầu của người liên giới tính tại Việt Nam.

Previous
Previous

Để những câu chuyện được đi xa, sâu và lâu hơn - Let the stories go deeper, further and longer

Next
Next

10 năm rực rỡ của "Tôi Đồng Ý”