Tục kéo vợ trong phim “Những đứa trẻ trong sương” và thực tế

Trước khi xem phim, iSEE đã liên hệ với những thành viên Tiên Phong nữ người Mông, cũng như một số những bạn sinh viên người Mông đang đi làm, đi học ở Hà Nội để cùng trò chuyện và thảo luận về tục kéo vợ.

Không phải vì iSEE nghi ngờ tính chân thực của những gì được thể hiện trong phim, trái ngược hoàn toàn, chúng tôi tin rằng những thước phim đã cho thấy đúng và cận cảnh tiến trình kéo - uống rượu - chia tay trong bối cảnh của gia đình Di. Tuy nhiên, từ trải nghiệm trò chuyện và làm việc của iSEE với những thành viên Tiên Phong người Mông, chúng tôi biết rằng kéo vợ thực ra có nhiều kiểu thực hành, thay đổi theo từng vùng, từng cá nhân.

Bài viết này mong muốn đưa đến một số chia sẻ về tục kéo vợ từ những người Mông ở một số vùng khác mà iSEE có cơ hội kết nối, để các độc giả có thể tham khảo và hiểu về tục này như một nét văn hoá có nhiều chiều cạnh, cả tích cực lẫn tiêu cực.


Nhóm Mông ở Sapa - Tả Phìn


Lala và Nhi là hai bạn nữ trẻ, là người Mông sống ở Sapa, Tả Phìn. Trong đó, Lala tuy chưa từng bị* kéo (ở đây chúng tôi dùng từ mà các bạn đã dùng, là “bị kéo"), nhưng từng tham gia kéo với tư cách là phù dâu, còn Nhi thì đã bị kéo một lần.

Trong câu chuyện của Lala, “kéo vợ" như một phần của lễ cưới, trong đó cô dâu chú rể đã đồng ý lấy nhau từ trước, đến ngày cưới thì nhà trai sẽ “kéo" và nhà gái sẽ “giữ" cô dâu lại. Lala kể rằng mình từng làm phù dâu bên nhà chú rể và cả nhà cô dâu, là người tham gia kéo và giữ cô dâu lại.

Về phía Nhi, bạn kể rằng việc kéo được diễn ra mà không báo trước cho bạn. Nhi kể rằng gia đình hai bên đã bàn với nhau trước nhưng Nhi không biết. Trong trải nghiệm của Nhi, đó là cảm giác rất sợ, nhưng khi anh trai và gia đình thấy bạn không thích thì đã can thiệp và ngăn lại việc đó. Nhi nói rằng cảm thấy rất may mắn vì có người thân hiểu mình.

Cả hai đều cho rằng nên giữ lại tục kéo vợ vì nó là truyền thống, nhưng phải trên tiền đề là có sự đồng ý của người bị kéo, chứ không phải là ép buộc.

Nhóm Mông ở Sapa - Liên Minh


Chúng tôi có cơ may hẹn gặp được mẹ của một thành viên Tiên Phong, một người phụ nữ Mông từng có trải nghiệm với tục kéo vợ, và con gái của cô. Câu chuyện của cô có một số điểm khác so với tục kéo vợ được thể hiện trong phim, đồng thời cũng cho thấy sự khác biệt giữa các thế hệ.

Nếu như trong phim, Di và bạn nam có tình cảm với nhau ở bước đầu, Di theo bạn nam về nhà trước rồi bị kéo, thì cô Xoá kể rằng thời của cô, bố mẹ bàn bạc với nhau trước, hai bên nam nữ thậm chí còn không biết mặt nhau. Trong trường hợp này thì kéo là một phần của hôn nhân sắp đặt, và cô kể rằng thời đó nếu cặp vợ chồng không yêu nhau, cả người con trai và người con gái đều có khả năng tìm đến cái c.h.ế.t như một cách giải thoát.

Con gái cô thì nhận xét rằng hiện tại, việc kéo đã không còn xảy ra trong thôn nữa. Khi được hỏi rằng “kéo" có phải là “kéo thật" không, hay chỉ là một nghi lễ, thì cả cô và con gái đều nói rằng trong nhiều trường hợp thì là kéo thật, có thể rách cả quần áo.

Nhóm Mông ở Hà Giang


Là một nhóm bao gồm những bạn sinh viên trẻ, quan điểm của các bạn về tục “kéo vợ" có thay đổi nhiều so với những trải nghiệm của người đi trước. Có các quan điểm thú vị như sau:

Ý nghĩa của việc kéo ban đầu là để giữ thể diện cho cô gái, khi nhà trai không có đủ sính lễ. Cô gái sẽ tỏ vẻ không muốn, nhưng vẫn để chàng trai kéo bước qua cửa.
Ngày xưa, việc kéo thường xảy ra ở các hội làng, chỉ có trai gái trong làng tham gia. Các cặp đôi thường biết nhau, và mến nhau trước rồi mới có việc kéo. Nhưng hiện tại, do giao thông dễ dàng hơn mà người Mông ở thôn khác cũng có thể đến, và việc kéo giữa người xa lạ ngày càng nhiều hơn. Nhiều người trẻ không hiểu đúng về tục, khiến cho việc này trở nên tiêu cực.

Các bạn nữ trong nhóm nói rằng không muốn bị kéo theo cách thô bạo bởi người xa lạ và khi chưa có sự đồng ý. Các bạn nam cũng cho rằng việc kéo nên diễn ra giữa hai người yêu nhau.
Có bạn nghe người lớn kể rằng tục kéo vợ có thể được thực hành như sau: Lấy một miếng vải, người con trai nắm một đầu, người con gái nắm đầu còn lại, đi vài bước sẽ lùi vài bước, xem như là “kéo".
Các bạn trẻ cho rằng nên giữ lại tục, nhưng cần bỏ những thực hành quá mạnh bạo, lấy sự an toàn làm trung tâm.

Previous
Previous

Khi tiếng mẹ đẻ phải “xếp sau” - một góc nhìn về việc bảo tồn ngôn ngữ và quyền của người dân tộc thiểu số đối với văn hoá chính mình

Next
Next

“Đây là trải nghiệm của tôi, một người trong cộng đồng” - Bài học khi làm việc về bình đẳng giới với cộng đồng dân tộc thiểu số