Nuôi mầm khoan dung trong trường học

“Người nói vô tình nhưng người nghe hữu ý", vài dòng tin nhắn của hiệu trưởng một trường THPT tại TP. Thủ Đức, TP. HCM trong sáng ngày 01/11/2022 đã tạo ra rất nhiều quan điểm trái chiều và thảo luận trên các trang mạng xã hội. Dưới đây là những quan điểm của iSEE liên quan tới câu chuyện này.

Nội dung tin nhắn của cô hiệu trưởng một trường THPT tại TP HCM gửi tới các giáo viên chủ nhiệm của trường.

Việc sử dụng từ ngữ cần thể hiện sự tôn trọng, không định kiến với tất cả các học sinh

Việc sử dụng cụm từ “có vấn đề về giới tính” để chỉ các học sinh thuộc cộng đồng LGBT có khả năng gây ra những tổn thương về mặt tinh thần cho các em và khắc sâu thêm những định kiến, quan điểm sai lệch và xu hướng tính dục, bản dạng giới. Đầu tiên, việc sử dụng cụm từ này để chỉ học sinh LGBT là không tuân theo bất kì định nghĩa nào của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và các hiệp hội ngành nghề tâm lý và tâm thần trên thế giới. “Có vấn đề giới tính” được dùng để miêu tả người đồng tính là một sự sai nghiêm trọng về kiến thức vì đồng tính không phải là bất thường về cả sinh học, tâm lý. Đồng tính có thể là thiểu số khi chiếm từ 3-5% dân số nhưng thiểu số không đồng nghĩa với bất thường hay “có vấn đề”, cần thay đổi, can thiệp, điều chỉnh.

Bộ Y tế trong tháng 8/2022 đã có công văn 4132/BYT-PC nhằm chấn chỉnh công tác khám, chữa bệnh đối với người LGBT, trong đó tái khẳng định đồng tính, chuyển giới không phải là bệnh, do đó không thể “chữa” và không cần “chữa”. Tuyên bố này có thể hiểu rằng bản thân LGBT không phải là một “vấn đề” cần giải quyết mà việc cần giải quyết, tức “vấn đề” ở đây, chính là nhận thức sai lệch và định kiến của người dân và xã hội về LGBT.

Không thể xác định một người là LGBT dựa vào thể hiện bề ngoài

Trong xã hội tồn tại một số khuôn mẫu giới như con trai thì mạnh mẽ, quyết đoán hay con gái thì yếu đuối, nhạy cảm, đi kèm với nó là hệ thống quy chuẩn hành xử, điệu bộ, cử chỉ mang đặc tính giới. Dù tích cực hay tiêu cực, khuôn mẫu giới khiến mỗi cá nhân bị áp lực phải gò mình vào để phù hợp với số đông, và những cá nhân có thể hiện giới không theo quy chuẩn sẽ dễ bị đánh giá, xếp hạng, phân tách, hạ giá trị, không phân biệt họ là LGBT hay không.

Người chuyển giới thường nhận ra bản dạng giới của mình khá sớm, dưới 10 tuổi, trong khi người đồng tính thường xác định xu hướng tính dục của mình ở độ tuổi dậy thì. Và cũng như mọi người, dựa vào giới tính sinh học của mình mà người LGBT cũng bị những áp lực tuân theo quy chuẩn thể hiện giới nhất định. Bên cạnh đó, một số người LGBT lẫn không phải LGBT lại có những thể hiện giới không theo quy chuẩn mà muốn thể hiện bản sắc, cá tính của riêng mình. Vì vậy, không thể xác định một người là LGBT chỉ dựa vào thể hiện bên ngoài của họ.

Không được tiết lộ một người là LGBT nếu không có sự đồng ý của họ

Việc xác định và tiết lộ thông tin về xu hướng tính dục, bản dạng giới của mỗi học sinh không phải là việc mà giáo viên cần làm, nên làm hay được phép làm. Kể cả khi giáo viên, cán bộ quan tâm tới học sinh và muốn đưa ra hỗ trợ, ví dụ quan sát thấy học sinh bị các bạn khác trêu chọc, bắt nạt, việc đặt câu hỏi cho học sinh cũng cần sự hiểu biết, nhạy cảm và trao quyền cho học sinh. Không được tiết lộ việc một học sinh là LGBT với giáo viên, học sinh khác, đặc biệt là với gia đình, bố mẹ của học sinh nếu không có được sự đồng ý của các em. Việc cảm thấy an toàn và sẵn sàng là quan trọng. Học sinh LGBT có quyền được là chính mình, được lựa chọn thời điểm và cách thức công khai.

Thay vì để giáo viên xác định xem học sinh của mình có xu hướng tính dục, bản dạng giới như thế nào để quyết định chỗ ngồi của học sinh, nhà trường cần chú trọng về việc tạo ra một môi trường giáo dục an toàn, hòa nhập nơi mỗi học sinh có thể yên tâm học tập, phát triển và là chính mình.

Ngôn ngữ kì thị và hành động phân biệt đối xử sẽ gây hại tới học sinh

Việc cho rằng học sinh LGBT cần phải được sắp xếp chỗ ngồi riêng, tức là cô lập các em, không phải là sự yêu thương dựa trên hiểu biết. Dù cố ý hay vô tình, việc dùng ngôn ngữ mang tính kì thị, phân biệt này là vi phạm quy tắc ứng xử trong cơ sở giáo dục do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành năm 2019. Ngôn ngữ định kiến và hành vi cô lập sẽ gây ra sự tổn thương cho cả học sinh LGBT lẫn không phải LGBT, tạo cảm giác về môi trường học tập không an toàn.

Khảo sát của Viện iSEE năm 2016 trên 2300 người LGBT chỉ ra rằng hai phần ba người tham gia đã từng nhìn thấy những nhận xét, hành động tiêu cực với LGBT từ bạn bè, và một phần ba đã chứng kiến lối hành xử tương tự từ giáo viên. Các hình thức phân biệt đối xử rất đa dạng: bị bắt nạt, quấy rối bởi bạn bè (53%), giáo viên, cán bộ nhà trường (23%), bị ép buộc thay đổi cử chỉ, điệu bộ (39%), bị phê bình, kiểm điểm công khai vì là LGBT (10%), bị đối xử không công bằng vì có quan điểm ủng hộ LGBT (30%) hay thậm chí phải trốn học, bỏ học (10% và 5%) vì sự kì thị, phân biệt đối xử.

Giáo viên, cán bộ nhà trường cần cập nhật kiến thức về LGBT

Đội ngũ thầy cô giáo cần được cập nhật kiến thức đúng về LGBT, hoặc ngay cả khi chưa hiểu rõ về LGBT, cũng không áp đặt sự định kiến hay có những thái độ tiêu cực, kỳ thị với bất kỳ học sinh nào. Nội quy nhà trường cần có những quy định cấm kì thị, phân biệt đối xử dựa trên giới tính, xu hướng tính dục và bản dạng giới. Các nội quy nhà trường, cũng như các mô hình tư vấn tâm lý cần chú trọng đến việc bảo mật danh tính cho học sinh LGBT, nhằm tránh làm trầm trọng thêm tình trạng kì thị, phân biệt đối xử, cũng như tránh việc công khai không mong muốn.
Các mô hình tư vấn tâm lý học đường cần đón đầu sớm quá trình phát triển tâm sinh lý của học sinh để đưa ra những hỗ trợ và giáo dục kịp thời, thay đổi từ tư duy cấm đoán sang tư duy đối thoại, trao quyền. Chương trình giáo dục giới tính cần đưa kiến thức cơ bản về LGBT vào phù hợp với từng lứa tuổi, như giáo dục về đa dạng giới, giáo dục về xu hướng tính dục, bản dạng giới, cho tới các biện pháp bảo vệ an toàn tình dục. Quy định đồng phục cần cho phép học sinh là người chuyển giới được phép mặc trang phục theo giới tính mong muốn của các em.

Chia sẻ, học tập các mô hình, sáng kiến trường học an toàn cho học sinh LGBT

Năm 2012, lần đầu tiên các tổ chức về giới và trẻ em tại Việt Nam đã khởi xướng chiến dịch thu thập chữ ký “Vì một trường học cởi mở hơn cho LGBT” và nhận được hơn 3000 chữ ký để gửi tới Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo. Tiếp đó, sáng kiến “Trường học Cầu vồng” cho Trung tâm ICS khởi xướng đã hướng tới việc chia sẻ, học tập các mô hình, chương trình ngoại khóa và nội quy trường học an toàn, hòa nhập hơn cho học sinh LGBT.

Sau một thời gian dài thực hiện, Trường học Cầu vồng đã lan tỏa ra rất nhiều trường THPT ở TP. Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Vĩnh Long, Thanh Hóa… và ghi nhận những sự thay đổi trong nhận thức của thầy cô, giáo viên cũng như phản hồi tích cực của học sinh khi vấn đề đa dạng giới được thảo luận cởi mở trong ngôi trường của các em. Cẩm nang Hành động Trường học Cầu vồng và Cẩm nang Nuôi mầm Bao dung là một vài tài liệu hữu ích của dự án này, đọc thêm tại đây: https://www.thuvien.lgbt/s/Cam-nang-hanh-dong-THCV.pdf; https://www.thuvien.lgbt/s/Nuoi-mam-bao-dung-trong-hoc-duong.pdf 

 

Kết luận

Học sinh đến trường không phải để học cách định kiến và phân biệt đối xử người khác. Thầy cô giáo đến trường không phải là để tạo ra một môi trường thiếu an toàn với học sinh. Nhà trường là nơi học sinh nên và phải được thoải mái học tập và phát triển toàn diện bản thân.

Trong hơn 3000 lá thư gửi Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo năm 2012 trong chiến dịch “Vì một trường học cởi mở hơn cho LGBT” do Trung tâm ICS thực hiện, tài khoản tên Bảo Phan đã ghi cảm nhận như sau: “Các nhà giáo đôi khi nói rằng sự hiện diện của những học sinh LGBT sẽ làm phá vỡ môi trường giáo dục, nhưng họ không thấy rằng việc kì thị và ngược đãi những người LGBT đang tạo ra một không khí tiêu cực trong lớp học, ảnh hưởng không chỉ những người bị kì thị mà tới tất cả mọi người. Sự kì thị có độc, và nó đi ngược lại với tinh thần của giáo dục.”

 

Previous
Previous

“Đi công tác mấy hôm, tôi nhận ra mình chẳng thực sự biết gì về dân tộc thiểu số…”

Next
Next

Quỹ CFLI và Viện iSEE đồng hành cùng các tổ chức cộng đồng