Một hộp sữa có thể cho và lấy đi những gì?

“Bây giờ muốn làm việc tốt, nhưng làm gì cũng cảm thấy… sai sai!”

Sau những tranh luận trên mạng xã hội tuần qua về làm việc tốt, iSEE mong chúng ta có thể ngồi xuống với nhau và bình tĩnh nhìn nhận lại những gì đang tạo ra độ “chênh” trong cách hiểu của các bên.

Đó có thể là những nhận định của chúng ta về những cách làm việc tốt, có thể là câu chuyện về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, hay việc mỗi cá nhân có thể làm gì khi đối diện với những tranh luận và rồi “làm gì cũng cảm thấy… sai sai” hoặc "Không dám làm, không dám tham gia nữa", như một số bình luận để lại trong bài đăng lần trước của iSEE.

Cảm giác “sai sai” có thể xuất phát từ việc ngoài kia có quá nhiều tranh luận về cách làm được đưa ra, và cách làm nào cũng có những điểm mạnh và những điểm còn có thể thay đổi để làm tốt hơn. Duy chỉ có một điều mà chúng ta có thể tạm đồng tình với nhau, đó là làm việc tốt với người khác không hề đơn giản.

Vậy nên trong bài viết này, iSEE muốn chia sẻ một số cách tiếp cận cơ bản khi chúng ta muốn tạo ra tác động tích cực và cải thiện cuộc sống của những cá nhân hay cộng đồng khác. Có nhiều cách làm khác nhau và mỗi cách đều phù hợp với từng giai đoạn, đặc điểm, bối cảnh của cộng đồng.

iSEE muốn cung cấp 1 bức tranh tổng quan nhất để những cá nhân, tổ chức hình dung được cách tiếp cận của mình và cùng phân tích với cộng đồng mình đang hợp tác để hướng tới mục tiêu tìm ra cách thức 'phù hợp' nhất mà không phải là "đúng nhất" hay tốt nhất".

  1. Tiếp cận dựa trên nhu cầu

Cách tiếp cận này bắt đầu bằng việc xác định rõ các nhu cầu và vấn đề của cộng đồng, nhóm người hoặc cá nhân mà chúng ta muốn hỗ trợ và phát triển.

Việc xác định nhu cầu thường được thực hiện thông qua việc tiến hành các cuộc khảo sát, phỏng vấn và thăm dò ý kiến cộng đồng. Sau đó, dữ liệu thu thập được sẽ được phân tích để hiểu rõ hơn về bản chất và phạm vi của các nhu cầu này. Dựa vào các nhu cầu đã xác định, các giải pháp và dịch vụ được phát triển và triển khai để đáp ứng những nhu cầu này một cách hiệu quả nhất có thể.

Một số đặc trưng của cách tiếp cận này:

- Do dựa vào nhu cầu cụ thể nên các can thiệp thường có tính địa phương và ở cấp độ vi mô.
- Nhu cầu là của một nhóm hoặc một đối tượng cụ thể.
- Tập trung tìm kiếm nhiều nguồn lực để đáp ứng các nhu cầu.
- Không tập trung vào quá trình đưa ra quyết định (ví dụ về mặt chính sách)
- Yêu cầu sự giúp đỡ từ Cơ quan Nhà nước và những bên có quyền hạn.
- Đặt đối tượng của dự án vào vị thế thấp hơn do giả định họ cần người khác đến để giúp đỡ và đáp ứng các nhu cầu của họ.
- Việc đáp ứng nhu cầu không mang tính nghĩa vụ, khi nào có nguồn lực sẵn sàng thì triển khai.
- Nhằm mục đích giảm bớt đau khổ.
- Thông thường không có ràng buộc về mặt pháp lý đối với các bên liên quan.
- Khuyến khích sự tham gia từ bên trong cộng đồng, với sự hợp tác có thể với các nhóm khác.

2. Tiếp cận dựa trên nội lực

Cách tiếp cận này tập trung vào việc nhìn nhận và sử dụng những nội lực sẵn có trong cộng đồng, nhóm người hoặc cá nhân để thúc đẩy phát triển. Thay vì tập trung vào những điều thiếu sót và vấn đề, cách tiếp cận này nhấn mạnh vào những điều mạnh, kỹ năng, kiến thức và nội lực của cộng đồng.

Các tổ chức và nhà phát triển thường sử dụng phương pháp này để khuyến khích sự tự tin và tự chủ trong cộng đồng, cũng như tạo điều kiện cho sự tương tác tích cực giữa các thành viên.

Một số đặc trưng của cách tiếp cận này:

- Cố gắng tập trung vào việc xây dựng và tận dụng các nội lực sẵn có để giúp cộng đồng trở nên mạnh mẽ hơn và chống lại sự tổn thương.
- Có tập trung vào việc tạo ra công bằng xã hội thông qua việc phân phối lại tài nguyên và quyền lực trong cộng đồng.
- Có thể giúp làm giảm sự phân biệt đối xử bằng cách tập trung vào việc tăng cường năng lực trong cộng đồng.
- Thường tạo ra các cơ hội để cộng đồng tham gia vào quá trình quyết định và thúc đẩy sự công bằng trong việc phân phối quyền lực.
- Có thể tạo ra các cơ hội để cộng đồng tự quản lý và giám sát việc sử dụng tài nguyên.
- Tạo ra các cơ hội để cộng đồng tham gia vào các hoạt động xã hội và kinh tế, tăng cường vai trò và tình thần công dân.

3. Tiếp cận dựa trên quyền

Cách tiếp cận này tập trung vào việc bảo vệ và thúc đẩy quyền của cá nhân và cộng đồng, phát triển từ các nguyên tắc và chuẩn mực về quyền con người, bao gồm quyền lợi kinh tế, xã hội và văn hoá.

Mục tiêu của phương pháp này là đảm bảo rằng mọi người đều có quyền truy cập vào các nguồn lực và dịch vụ cần thiết để phát triển và thúc đẩy sự công bằng và bình đẳng trong xã hội.

Một số đặc trưng của cách tiếp cận này:

- Cách tiếp cận này đặt việc vi phạm quyền vào trung tâm, sự tập trung vào vi phạm quyền là dẫn đến việc phân tích và hành động ở cấp độ cấu trúc và vĩ mô.
- Cách tiếp cận này lấy nền tảng ở việc quyền con người có tính phổ quát và áp dụng cho tất cả mọi người ở khắp mọi nơi.
- Tập trung xem xét phân phối lại các nguồn lực hiện có.
- Tập trung vào quá trình đưa ra quyết định về mặt chính sách.
- Phải phân tích và giải quyết các nguyên nhân cấu trúc, hệ thống và thậm chí toàn cầu của các vấn đề.
- Yêu cầu trách nhiệm từ Cơ quan Nhà nước và những bên có quyền hạn.
- Giúp mọi người khôi phục phẩm giá bằng cách tuyên bố quyền của họ với tư cách là con người và công dân.
- Các quốc gia và các thực thể quốc tế có nghĩa vụ thực hiện các quyền.
- Hướng đến giải quyết những bất công về cấu trúc.
- Thúc đẩy hành động có tính tập thể từ các nhóm khác nhau.

4. Cách tiếp cận đặt cộng đồng vào trung tâm

Theo góp ý của bạn đọc Son Pham qua bài đăng trên Facebook, iSEE nhận thấy cách tiếp cận đặt cộng đồng chủ thể vào trung tâm cũng là một cách tiếp cận hữu ích để tham khảo trong thảo luận này.

Cách tiếp cận đặt cộng đồng vào trung tâm có thể giúp cộng đồng hành động để ngăn chặn các vấn đề xã hội và giải quyết trực tiếp những vấn đề phát sinh, thay vì để các tác nhân bên ngoài bước vào và đảm nhận những trách nhiệm này. Cách làm này khuyến khích những chủ thể trong cuộc trong việc thiết lập lại các mô hình văn hóa quen thuộc và các cấu trúc hỗ trợ.

Mục tiêu của cách tiếp cận đặt cộng đồng vào trung tâm là củng cố phẩm giá và sự tự tin của chính cộng đồng trong cuộc và trao quyền cho tất cả các chủ thể làm việc cùng nhau để hỗ trợ các thành viên trong cộng đồng trong việc thực hiện và thụ hưởng quyền con người của họ.

Cách tiếp cận này tập trung vào việc đẩy mạnh sự tham gia và tự quản của cộng đồng trong quá trình quyết định và triển khai các hoạt động phát triển. Các nguyên tắc chính của cách tiếp cận này bao gồm:

  • Tự quản và tự chủ: Cộng đồng tham gia và tự quản các dự án và hoạt động phát triển của chính mình, từ việc xác định nhu cầu đến việc triển khai và theo dõi kết quả.

  • Tăng cường năng lực: Phương pháp này nhấn mạnh vào việc tạo điều kiện cho cộng đồng phát triển năng lực tự chủ và thực hiện các hoạt động phát triển một cách hiệu quả.

  • Tương tác xã hội: Cách tiếp cận đặt cộng đồng vào trung tâm khuyến khích sự tương tác tích cực và hợp tác trong cộng đồng để giải quyết các vấn đề và thúc đẩy phát triển bền vững.

  • Tích hợp đa phương thức: Phương pháp này thường kết hợp nhiều nguồn lực và cách tiếp cận khác nhau, bao gồm cả sự hỗ trợ từ các tổ chức phi chính phủ, các nhóm tình nguyện và nguồn lực cộng đồng.

Cách tiếp cận đặt cộng đồng vào trung tâm thường được xem là một trong những cách tiếp cận hiệu quả nhất để đạt được sự tương tác tích cực, tăng cường tự chủ và đảm bảo sự bền vững trong quá trình phát triển cộng đồng.

5. Kết luận

Mỗi cách tiếp cận và phương pháp trên có sự phù hợp và tương thích trong từng trường hợp và thời điểm. Hơn nữa, đây không phải những cách làm chỉ có thể được thực hiện độc lập và mang tính đối chọi với nhau, vì mỗi cách tiếp cận được xây dựng dựa trên sự bổ sung và cải thiện lẫn nhau. Do đó, sự thành công của bất kỳ hoạt động phát triển cộng đồng nào, vấn đề nên được ưu tiên không phải lựa chọn cách tiếp cận hoặc phương pháp tốt nhất, mà là tìm ra sự kết hợp thích hợp của các phương pháp hoặc phương pháp để đạt được một mục đích cụ thể.

Với iSEE, để đạt được công lý cần ba khía cạnh đi song song nhau. Mỗi chiến dịch hay hành động tác động lên các cộng đồng đều nên đánh giá và nỗ lực trên cả ba khía cạnh sau, mà không nên chỉ vì tập trung hướng tới 1 trong 3 mà bỏ qua hoặc làm ảnh hưởng tới những khía cạnh còn lại:


- Bình đẳng về mặt kinh tế, tức là sự công bằng trong việc tiếp cận cơ hội sinh kế
- Bình đẳng về phẩm giá, tức là mọi căn tính văn hoá cần được tôn trọng như nhau
- Sự tham gia của cộng đồng trong việc đấu tranh trên hai chiều cạnh kinh tế và văn hoá

Ngoài ra, iSEE đã từng thực hiện một số ấn phẩm và sản phẩm truyền thông sau về làm việc tốt và làm phát triển. Bạn có thể tham khảo:

- Mùa 2 podcast “Bàn Chữ S” về chủ đề Phúc thiện

- Ấn phẩm “Đồng hành cùng phát triển”: Cuốn “nhật ký” ghi lại hơn 10 năm làm chương trình Dân tộc thiểu số của iSEE, 10 năm của học hỏi và bồi đắp thêm tri thức về phát triển. Những lý thuyết, những phương pháp tiếp cận chúng tôi viết trong tài liệu này là những kết quả của quá trình phản tư và học liên tục của iSEE


*Tài liệu tham khảo:
- “A brief summary of the differences between a needs-based approach and a rights-based approach” (WaterAid)
- “Comparison Between Rights-Based Approach and Needs-Based Approach” (I4C MENA Hub)
- Community leadership: A comparison between asset-based community-led development (ABCD) and the traditional needs-based approach:
- “FREQUENTLY ASKED QUESTIONS ON A HUMAN RIGHTS-BASED APPROACH TO DEVELOPMENT COOPERATION” (OHCHR)

- A Community-based Approach in UNHCR Operations





Previous
Previous

Hiểu về Trách nhiệm Xã hội của doanh nghiệp

Next
Next

Để những câu chuyện được đi xa, sâu và lâu hơn - Let the stories go deeper, further and longer