Chuyển giới không phải là “rối loạn nhận thức giới tính” và không phải do đổ vỡ gia đình

Một số tổ chức làm về sức khỏe và truyền thông hiện vẫn sử dụng những thuật ngữ sai về người chuyển giới. Không chỉ vậy, cách lý giải nguyên nhân của việc chuyển giới dựa vào bối cảnh và tình trạng mối quan hệ trong gia đình cũng đa phần không có căn cứ về mặt khoa học.

Năm 2022, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam đã đưa ra lời tái khẳng định lập trường rằng mọi nỗ lực nhằm chữa trị đối với cộng đồng LGBTI là “thiếu cơ sở y khoa và không thể chấp nhận về mặt đạo đức”. Đồng thời ngày 3/8/2022, Bộ Y tế cũng ban hành công văn 4132/BYT-PC quán triệt khi tổ chức khám chữa bệnh cho người đồng tính, song tính và chuyển giới cần phải bình đẳng, tôn trọng về giới tính, không phân biệt đối xử và kì thị, cũng như không can thiệp, ép buộc điều trị đối các đối tượng này. Trong công văn, Bộ Y tế cũng khẳng định “không coi đồng tính, song tính, chuyển giới là một bệnh”.

Người chuyển giới cũng không phải vì tiếp xúc với nhiều thông tin về tính dục, hay do gia đình không hạnh phúc, chứng kiến bạo lực giới trong gia đình. Bên cạnh đó, những nỗ lực tìm hiểu nguyên nhân của việc chuyển giới dựa vào bối cảnh và tình trạng mối quan hệ trong gia đình cũng đa phần không có căn cứ về mặt khoa học.

Bản dạng giới của mỗi người bắt đầu hình thành trước cả khi có trải nghiệm về tình dục. Các nhà khoa học không xem chuyển giới là một lựa chọn hay hành vi tập nhiễm. Người chuyển giới cũng khác với người liên giới tính - những người sinh ra với các đặc điểm giới tính sinh học không điển hình là nam hay nữ.

Về thuật ngữ "rối loạn nhận thức giới tính" mà một số nhân viên y tế và kênh truyền thông sử dụng, đây có thể là một cách dịch thuật ngữ "gender identity disorder" (rối loạn bản dạng giới). Cả hai thuật ngữ này đều đã chính thức không còn được sử dụng từ năm 2013 (DSM-V). Các tài liệu và cẩm nang uy tín trên thế giới đều bắt đầu sử dụng "bức bối giới". Thuật ngữ "bức bối giới" là một hướng đi mới, là căn cứ để cung cấp các chăm sóc y tế, phi y tế như tư vấn tâm lý, liệu pháp hoóc-môn và can thiệp định giới.


Tóm lại, chuyển giới không phải là khiếm khuyết cơ thể hay rối loạn tâm lý mà là cảm nhận bên trong một người về giới tính của mình. Các vấn đề trầm cảm, lo âu của người chuyển giới không tự thân xuất phát từ bản dạng giới của họ mà từ sự kì thị và không chấp nhận của gia đình, xã hội. Những nỗ lực cố gắng thay đổi bản dạng giới của một người đã bị khoa học xem là không có hiệu quả, không cần thiết, gây hại lâu dài lên sức khỏe của cá nhân đó.


Từ phía iSEE, chúng tôi cho rằng hiện nay không nên sử dụng thuật ngữ "rối loạn nhận thức giới tính". "Bức bối giới" là thuật ngữ chính xác hơn, và không phải người chuyển giới nào cũng có trải nghiệm bức bối giới. Các cơ quan có thẩm quyền cần căn cứ đúng hướng dẫn chẩn đoán của các tổ chức y tế uy tín như DSM hay ICD phiên bản mới nhất, đồng thời có những hỗ trợ tâm lý, xã hội phù hợp để người chuyển giới sống đúng với giới tính của mình mới là cách tốt nhất để làm giảm các vấn đề tâm lý của người chuyển giới.

Ở Việt Nam, theo Điều 37 Bộ luật Dân sự 2015 (đi vào hiệu lực từ năm 2017), công dân được chuyển đổi giới tính theo quy định của luật. Dự kiến tháng 5/2025, Quốc hội sẽ thông qua Luật Chuyển đổi giới tính nhằm quy định chi tiết về thủ tục, điều kiện và quy trình chuyển đổi giới tính.
Previous
Previous

Nhìn lại sự kiện “Queer Tự hào” - Vậy rốt cuộc, tại sao người queer lại tự hào?

Next
Next

Báo cáo tiêu điểm về tình trạng của người đa dạng giới và tính dục tại Việt Nam - Một số kết quả đáng chú ý