Bình đẳng giới trong cộng đồng dân tộc thiểu số: Lắng nghe trên tinh thần thấu hiểu

Những điều rút ra được từ cuộc trò chuyện cuối năm của Mạng lưới Tiên Phong Việt Nam và iSEE


Hiện nay, khái niệm “bình đẳng giới” trong các diễn ngôn đại chúng được gắn liền với sự tiến bộ, phát triển, và là một trong số những tiêu chuẩn của xã hội hiện đại. Tương phản, những gì đi ngược lại với các giá trị của bình đẳng giới được xem là cổ hủ, lạc hậu. Điều này có thể dễ thấy trong các câu nói chất vấn việc phân biệt giới tính thường thấy: “năm 2022 rồi mà còn suy nghĩ như thế à?”, “tư tưởng thời phong kiến”…

Vì thế, thật sự rất dễ dàng để nhìn vào một thực hành văn hoá khác với những gì chúng ta quen thuộc, và nói rằng “thật là lạc hậu” để rồi qua đó, hình thành một định kiến bao quát rằng cả cộng đồng tộc người là những nhóm người có suy nghĩ kém văn minh, thiếu kiến thức về các vấn đề của xã hội, đặc biệt là vấn đề về giới. Định kiến này là rất nguy hiểm và có thể gây hại đến cộng đồng vì nhiều nguyên do.

Thứ nhất, nó xây dựng người dân tộc thiểu số như những con người “ngây ngô”, “không biết gì”, làm sâu thêm định kiến rằng DTTS kém phát triển, lạc hậu. Trong thực tế, iSEE trong nhiều lần làm việc cùng cộng đồng đã có cơ hội lắng nghe những quan điểm, quan sát tự thân vô cùng quan trọng. Ví dụ, trong buổi họp mặt cuối năm với các thành viên Tiên Phong, cô Kiều, người dân tộc Khmer đã nói rằng: “Bình đẳng giới là không phân biệt giới nào cả”, bao gồm cả việc không kì thị tình yêu cùng giới, ví dụ như nữ yêu nữ, hay nam yêu nam. Cô kể về một người quen là nữ, và chung sống với một người nữ “như vợ chồng” và bày tỏ rằng tình yêu của họ cũng đáng được tôn trọng. Có thể thấy, tuy thường xuyên bị gắn những nhãn mác tiêu cực, chính những người trong cộng đồng luôn có những quan điểm và quan sát về giới từ trong chính cuộc sống của mình.

Thứ hai, nó dẫn đến việc tiếng nói của cộng đồng thiểu số bị lãng quên, và họ không thể có quyết định với chính các thực hành văn hoá của mình. Một ví dụ to lớn đã khơi dậy nhiều cuộc thảo luận trên truyền thông là tục coj nyaab (kéo vợ) của người Mông. Diễn ngôn phổ quát thường xây dựng coj nyaab như một thực hành thô bạo với người phụ nữ, thậm chí, nhiều chỗ còn dịch là “cướp dâu” – một từ mang nghĩa rất tiêu cực. Trong phần lớn những cuộc đối thoại về thực hành coj nyaab, có một quan điểm thống soát rằng đây là “hủ tục”, cần phải bỏ. Hầu hết quan điểm này đều đến từ người ngoài cộng đồng.

Nói chuyện với người Mông, iSEE nhận thấy rằng có rất nhiều những quan điểm, nhìn nhận khác tuỳ theo từng cá nhân, từng địa phương. Tuy nhiên có một sự thật là coj nyaab không phải lúc nào cũng “thô bạo” như trên truyền thông mô tả. Đôi khi, đó chỉ là một cách đón dâu thông thường, hoặc là có những thực hành mang tính tượng trưng có sự đồng thuận của người con trai và con gái. Phần lớn thời gian, mọi người đều đồng tình rằng thực hành này nhằm để các cặp đôi yêu nhau có thể đến với nhau tự do mà không thông qua gia đình, và việc “kéo” là để giữ phẩm hạnh cho người con gái. Trong quãng thời gian về ở nhà chàng trai, cô gái có thể quan sát gia đình nhà trai, và đưa ra quyết định tiến tới hôn nhân sau vài ngày. Đồng nghĩa, cô gái có quyền từ chối hoặc không.

Có thể thấy, thực hành coj nyaab có rất nhiều phương diện cần bóc tách, suy ngẫm chứ không chỉ đơn giản là một thực hành thô bạo, xem phụ nữ như món hàng. Tất nhiên, cũng có những trường hợp người phụ nữ ý kiến rằng mình không thích bị kéo, và bày tỏ rằng nên có sự thay đổi. Sự thay đổi này, nếu có, cần phải đến từ thảo luận của những người trong cuộc, chứ không phải điều mà người ngoài cộng đồng có thể quyết định thay.

Dựa trên hai định kiến trước, nhiều người rất dễ dàng nhảy ngay đến kết luận rằng khái niệm bình đẳng giới không tồn tại trong các tộc người. Điều này không thể vội vã quyết định được, và cũng tuỳ theo khái niệm “bình đẳng giới”, cũng như “phân biệt giới” trong quan điểm của chúng ta là gì.

Theo quy ước CEDAW được đề ra tại Hội Đồng Liên Hợp Quốc năm 1979, phân biệt giới tính nữ được xem là: “... bất kỳ sự phân biệt, loại trừ hoặc hạn chế nào được thực hiện trên cơ sở giới tính có tác động hoặc nhằm mục đích làm suy yếu hoặc vô hiệu hóa sự công nhận, hưởng thụ hoặc hoạt động của phụ nữ, bất kể tình trạng hôn nhân của họ, trên cơ sở bình đẳng nam nữ, về quyền con người và các quyền tự do cơ bản trong lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa, dân sự hoặc bất kỳ lĩnh vực nào khác."

Nếu xét theo khái niệm này, liệu ai trong chúng ta có thể khẳng định rằng bất kì xã hội nào đã đạt được đến điều này? Hiện tại, vẫn còn bất bình đẳng tồn tại trên nhiều mặt, và nhiều phương diện ở khắp mọi nơi.

Mặt khác, nếu nói không có bất kì những biểu hiện và nhận thức bình đẳng giới nào trong các tộc người thì lại rất sai lầm. Anh Hùng, một thành viên Tiên Phong người dân tộc Thái đã chia sẻ trong buổi họp cuối năm của Tiên Phong và iSEE như sau: “Không thể yêu cầu phụ nữ cũng phải làm việc nặng thay cho đàn ông, rồi đàn ông làm việc của phụ nữ. Bình đẳng giới không phải là cào bằng.” Anh cho hay, trong xã hội người Thái, đàn ông thường làm việc yêu cầu sức lực, trong khi phụ nữ làm việc nhẹ, song những việc này thường tốn nhiều thời gian hơn. Và vì những việc nặng tốn ít thời gian, nên người đàn ông sẽ đảm nhận cả phần nấu ăn. Hầu hết, đàn ông người Thái sẽ là người nấu ăn chính.

Trong thời gian làm việc cùng Tiên Phong, iSEE đã có rất nhiều cơ hội lắng nghe quan điểm của người trong cuộc. Nếu đặt ra câu hỏi đã có “bình đẳng giới” hay chưa, thì vẫn rất khó để trả lời.

Trong buổi họp cuối năm của Tiên Phong, rất nhiều quan điểm khác nhau đã được đưa ra. Có một số người cho rằng bình đẳng giới trong tộc người được thể hiện ở nhiều mặt (phân chia công việc đồng đều, phụ nữ có sự tôn trọng ngang với đàn ông…); song cũng có nhiều người cho rằng vẫn chưa có bình đẳng giới (văn hoá đổ tội trong trường hợp cưỡng bức, người phụ nữ thường bị phán xét vì cách ăn mặc, chia tài sản không đồng đều…).

Một điều đáng quý là những quan điểm trên đều được các bên lắng nghe, trân trọng và nhìn nhận trên tinh thần thấu hiểu nhau, và đó cũng là điều mà mọi người rút ra được: Bình Đẳng Giới trong quan điểm tộc người là sự thấu hiểu khó khăn từ các phía, và sự sẵn sàng thay đổi, điều chỉnh lẫn nhau.

Tất cả đều bắt đầu từ những cuộc trò chuyện cởi mở như vậy.

Sắp tới, những quan điểm này sẽ được chia sẻ cụ thể hơn tại buổi tọa đàm về Bình Đẳng Giới của Mạng Lưới Tiên Phong và iSEE, với sự tham gia của các khách mời. iSEE Mời các bạn tham khảo thông tin đăng ký tại đây: https://by.com.vn/Eccph


Thông tin chi tiết:

Thời gian: Thứ 4 (08/02/2023)

Địa điểm: Hà Nội

Thông tin diễn giả và khách mời: Sẽ được cập nhật trong những post tiếp theo

DEADLINE đăng ký: 12h thứ 3 (07/02/2023)

—---

HOTLINE:

Fanpage: Mạng lưới Tiên Phong Việt Nam

Email: bdh@tienphongvietnam.org

#iSEE #EM

Previous
Previous

“Giật” tít về văn hóa người Mông trên mạng xã hội

Next
Next

Trong vô vàn những buổi biểu diễn nghệ thuật của cộng đồng các dân tộc thiểu số ngoài kia, Bản Hoà Ca Đa Sắc có gì mà đặc biệt đến thế?