
Trong các dự án phát triển, quan niệm “cho cần câu chứ không cho con cá” một thời đã được nhắc đến như một cách tiếp cận tuyệt vời để giúp các nhóm thiệt thòi có đời sống kinh tế tốt hơn. Nhưng liệu cách tiếp cận đó có tuyệt vời đến mức cứ áp dụng mà không cần băn khoăn. Ví dụ với quan niệm ‘giúp cho cần câu” nên nhiều dự án hỗ trợ sinh kế cho người khiếm thị có hoạt động dạy nghề cho người khiếm thị. Và 3 nghề thường xuyên được chọn “tẩm quất”, “làm tăm tre”, ‘làm chổi đót”. Sau một vài năm khi mà cứ nhắc đến là dự án tạo việc làm cho người khiếm thị là nhắc đến tăm tre và chổi đót thì dường như dự án đã tạo được một niềm tin cho cả người ‘được giúp” và cả xã hội là người khiếm thị, họ chỉ làm được vậy.
Trong một bài báo gần đây đăng trên báo Tuổi trẻ với tựa đề “Chúng ta có phải là người tốt” đã đặt ra những vấn đề rất đáng để những người “đi giúp người khác” thực sự phải dừng lại để nghĩ. Phải chăng chỉ với cái mong muốn giúp người khác thôi đã đủ tử tế và tốt đẹp đến mức chúng ta không cần phải đầu tư công sức để nghĩ về cách giúp sáng tạo và cả hậu quả của việc giúp không đúng cách? Phải chăng chúng ta có thể dễ dàng tìm được các sáng kiến hay và ít tốn kém? Những người làm phát triển làm sao để có thể huy động được các sáng kiến từ cộng đồng, từ những người trẻ năng động và dám nghĩ khác?
Tuần lễ “Tử tế là” tổ chức một buổi tọa đàm về chủ đề “Tử tế và Phát triển” để giới thiệu một số sáng kiến của các bạn thanh niên và cùng bàn luận về sự sáng tạo trong cách làm phát triển cũng như cùng nhau xác định tử tế trong phát triển nghĩa là gì.
Diễn giả:
Đại diện của nhóm Đi & Mở;
Đại diện của chương trình phát triển văn hóa Việt Nam;
Bà Phạm Kiều Oanh – Giám đốc Trung tâm hỗ trợ sáng kiến phục vụ cộng đồng (CSIP)
Bà Đặng Hương Giang – Giám đốc Trung tâm hành động vì sự phát triển đô thị (ACCD)