“Vì bạn được tin và tất cả chúng ta đều xứng đáng được yêu thương” – câu nói của bà Lương Minh Ngọc – Viện trưởng Viện iSEE khi công bố quỹ sáng kiến BRAVE cũng chính là thông điệp mà toàn dự án muốn gửi đến cộng đồng, nơi mà mỗi người trong chúng ta đều có vai trò và trách nhiệm đối với vấn đề bạo lực giới.
Ngày 15/01/2019, buổi lễ chính thức ra mắt dự án BRAVE đã diễn ra với tên gọi “Vì bạn được tin”. Dự án BRAVE do Chính phủ Úc tài trợ, Viện Nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường (iSEE) cùng Trung Tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Khoa học về Giới-Gia đình-Phụ nữ và Vị thành niên (CSAGA Việt Nam) và tổ chức CARE Quốc tế tại Việt Nam đồng khởi xướng, nhằm giải quyết vấn đề bạo lực trên cơ sở giới qua việc thay đổi văn hóa đổ lỗi cho nạn nhân. Dự án kéo dài 3 năm với nhiều hoạt động khác nhau nhằm tìm ra những căn nguyên của vấn đề, thay đổi cách công chúng, báo chí nói về nạn nhân, người gây ra bạo lực, nguyên nhân dẫn đến bạo lực, xâm hại tình dục, và chỉ ra những cách ứng xử phù hợp cho những người được nạn nhân chia sẻ về sự việc.

Không gian sảnh sự kiện được thiết kế trở thành một nơi triển lãm, nơi dẫn dắt người tham quan đến với những khía cạnh, đối tượng và hình thức đổ lỗi cho nạn nhân khác nhau, thông qua các câu chuyện được kể bằng trình diễn đương đại, tranh vẽ và tác phẩm sắp đặt. Mở đầu hành trình, triển lãm mang đến một cái nhìn trực diện về cách báo chí đưa tin, độc giả bình luận và gọi tên về những nạn nhân của nạn bạo lực giới qua tác phẩm sắp đặt được làm bằng giấy báo dán trên ma-nơ-canh. Tiếp đến, người tham dự đến với hai đối tượng “đổ lỗi” khác ngoài nhóm “công chúng không liên quan”, đó chính là bản thân nạn nhân và người được nạn nhân chia sẻ câu chuyện. Với hình thức kể bằng nghệ thuật trình diễn hình thể, bốn câu chuyện thể hiện sự ghê sợ, tủi nhục và bất lực mà các nạn nhân đối diện với nỗi đau của chính mình. Bộ ba tranh vẽ tái hiện ba câu chuyện về cách cư xử của người bố, người cô giáo và bạn bè khi nạn nhân bị xâm hại tình dục chia sẻ câu chuyện. Chính phản ứng không phù hợp của họ đã đẩy nạn nhân càng trở nên tuyệt vọng và bế tắc, đến mức họ không còn tin vào giá trị của mình và không dám lên tiếng.






Vấn đề về bạo lực giới là một phạm trù rộng, trong giới hạn của dự án, BRAVE chọn ra cách tiếp cận dựa trên diễn ngôn và nhóm đối tượng mục tiêu chính là những người đồng hành cùng các nạn nhân của bạo lực giới – họ có thể là bất kỳ ai, người thân, bạn bè, đồng nghiệp, hàng xóm, bạn xã hội hoặc có thể chỉ là người dưng biết được câu chuyện của nạn nhân. Để dẫn nhập cho cách tiếp cận mà dự án lựa chọn, hai câu chuyện của nạn nhân bị xâm hại tình dục được kể bằng trình diễn vẽ tranh cát do nghệ sĩ Đặng Trí Đức thực hiện. Thông qua hai câu chuyện, nỗi ám ảnh sâu đậm và áp lực tâm lý mà nạn nhân phải chịu đựng suốt thời gian dài khiến những người tham dự phải rùng mình đồng thời có phần tự vấn về hành vi và thái độ của mình khi tiếp xúc, lắng nghe câu chuyện của nạn nhân.

Bà Lê Kim Dung – giám đốc tổ chức CARE Quốc tế tại Việt Nam chia sẻ sau màn trình diễn tranh cát “Tôi rất sợ cảm giác vô cảm khi nghe các câu chuyện. Khi cảm giác đơn lẻ không có mạng lưới hỗ trợ thì đôi khi chúng ta cũng rơi vào cảm giác như vậy”. Bà cũng chia sẻ rằng khi chúng ta nghe những con số về 1/3 hay 58% phụ nữ trên thế giới là nạn nhân của bạo lực giới thì chúng cần phải ý thức được rằng còn một số lượng lớn những nạn nhân khác chưa được thống kê vì họ e ngại không giám nói ra và đó là tâm lý rất thực và vẫn đang tiếp tục khi không có sự hỗ trợ của cộng đồng.

Qua đó, bà Kim Dung cũng chia sẻ điểm nhấn và cách tiếp cận của dự án BRAVE “Cách tiếp cận về diễn ngôn, đó chính là thay đổi cách công chúng nói về nạn nhân và thủ phạm, từ đó thay đổi mối quan hệ quyền lực giữa nạn nhân và thủ phạm. Cách tiếp cận này không tập trung vào việc tìm bằng chứng pháp lý mà xây dựng cộng đồng hỗ trợ bằng diễn ngôn mới”.
Đối tượng mà cách tiếp cận này hướng đến là confidant – những người được nạn nhân chia sẻ, khi chúng ta “được lựa chọn” là người nạn nhân tin tưởng thì ta cần phải làm gì để hỗ trợ nạn nhân khỏi sự tổn thương. Điểm nhấn nữa trong dự án BRAVE là tiếp cận hỗ trợ hành trình thay đổi từ nạn nhân thành những survivor- người sống sót sau những sự cố, từ đó họ trở thành những người tiên phong, lãnh đạo kể cả ở cấp cá nhân để truyền cảm hứng cho cộng đồng. Hành trình đó cũng cần sự hỗ trợ vì đây là một chặng đường có muôn vàn thách thức từ định kiến xã hội, diễn ngôn báo chí đến điều kiện môi trường

Sau phần phát biểu cá nhân, bà Kim Dung mời bà Minh Ngọc – Viện trưởng Viện iSEE và bà Vân Anh – Giám đốc CSAGA lên sân khấu để chia sẻ cảm nghĩ cũng như đại diện nhóm khởi xướng dự án truyền thông điệp đến cộng đồng.

Là người đã làm việc với các nạn nhân quấy rối tình dục suốt 20 năm, bà Vân Anh nhận định dự án này là một bước tiến mới ý nghĩa đối trên hành trình mà CSAGA đang đi, vì đây là dự án đầu tiên tập trung nói đúng thái độ của mọi người đối với những người trải qua nỗi đau. Còn bà Minh Ngọc lại liên tưởng đến sức mạnh to lớn từ sự ủng hộ của người thân để giúp chính bà vượt qua những lúc mệt mỏi, bế tắc và muốn buông xuôi trong cuộc sống. “Dù gió mãi cuốn đi, một tấm lòng giúp ta chiến thắng”, bà Ngọc hy vọng những nạn nhân của bạo lực giới cũng sẽ nhận được một cái nắm tay, một cái ôm, một sự thấu hiểu để họ có thể vượt qua và hồi phục sau nỗi đau.
Tiếp nối chương trình là phần trình bày kết quả nghiên cứu “Phía sau ngôn từ” của chị Nguyễn Thị Hiếu – nghiên cứu viên đến từ Viện iSEE. Nghiên cứu tập trung phân tích diễn ngôn về bạo lực giới và đổ lỗi cho nạn nhân trên báo chí.

Những thông tin trên truyền thông đại chúng, mạng xã hội thể hiện cách nhìn của cộng đồng đối với nạn nhân của bảo lực giới. Ngôn ngữ truyền thông qua tên gọi, lựa chọn thông tin qua việc sự chênh lệch về chủ đề khi đề cập vấn đề,… làm “bình thường hóa” bạo lực giới và tác động sâu đến định kiến và tư duy chung.
Bên cạnh đó, việc phân tích “confession” – chia sẻ của chính nạn nhân bị hiếp dâm và xâm hại tình dục cho thấy rằng chủ yếu họ đề cập đến sự tổn thương về tinh thần. Trong khi trên báo chí chủ yếu đề cập đến sự tổn thương thể xác.
“Hãy cho họ mượn một bờ vai” – Kết bài trình bày, chị Hiếu chia sẻ sự quan trọng của những người được nạn nhân tin tưởng và chia sẻ câu chuyện của mình, thay vì “phản ứng tức giận”, “xa lánh” hay “xấu hổ”,… hãy là một chỗ dựa an toàn và yên tâm cho họ, để cùng họ vượt qua nỗi đau.
Cuối chương trình, bà Minh Ngọc đại diện ban tổ chức công bố Quỹ sáng kiến BRAVE – Vì bạn được tin. Nhóm dự án mong muốn tìm kiếm và ủng hộ những ý tưởng cộng đồng hướng đến mục tiêu “xóa bỏ đổ lỗi” và “xóa bỏ rào cản để nạn nhân được giúp đỡ và đồng hành sau khi sự việc xảy ra” với mức hỗ trợ 30 triệu đến 50 triệu đồng tùy sáng kiến. Thời gian nộp sáng kiến từ 15/01 đến 15/02/2019. Thời gian thực hiện ý tưởng kéo dài nửa năm, từ tháng 03/2019 đến tháng 09/2019.

Từ thời điểm ra mắt, dự án sẽ bắt đầu những hoạt động để đưa thông điệp đến gần với cộng đồng hơn như tổ chức các sự kiện chia sẻ, thảo luận và tập huấn tại các trường Trung học và Đại học trên cả nước; đẩy mạnh các hoạt động truyền thông mạng xã hội để nâng cao ý thức và thay đổi thói quen “đổ lỗi cho nạn nhân”.
Bài viết: iSEE
Ảnh: iSEE, Mạnh Dũng